Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp bị từ chối chuyến bay giải cứu vì “sếp không biết doanh nghiệp em là ai”
Huệ Nguyễn - 20/07/2023 17:11
 
Trình bày trước tòa, bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty MasterLife nghẹn ngào: Khi gặp cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, đã nhận được lý do bị từ chối vì “sếp không biết doanh nghiệp em là ai cả”.

Chiều 20/7, tự bào chữa trước Hội đồng xét xử liên quan tới hành vi “Đưa hối lộ” trong vụ chuyến bay giải cứu, bị cáo Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục và du lịch Masterlife đã trình bày vô vàn những khó khăn, ấm ức mà mình phải trải qua trong quá trình xin cấp phép chuyến bay.

Theo bị cáo Mai Xa, giai đoạn đầu tiên xin cấp phép chuyến bay vào tháng 6/2021, chuyến bay đầu tiên đó là lần đầu bị cáo này có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, bị cáo cho biết, những vi phạm này xuất phát từ văn bản từ chối của Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Bị cáo Trần Thị Mai Xa nghẹn ngào trình bày phần tự bào chữa trước Hội đồng xét xử.

Cụ thể, trong 2 chuyến bay đầu tiên, Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) gửi công văn đồng ý với các Bộ, trong đó có 4 Bộ thì 3 Bộ đã đồng ý, còn 1 Bộ chưa đồng ý.

Bị cáo rất sốt ruột, tháng 4 đã không được cấp phép chuyến bay rồi, đã bị mất tiền, đã phải bán nhà để mua chuyến bay khác, nhưng thời điểm cách 2 ngày trước khi bay mà lại diễn ra điều đó thì bị cáo rất lo lắng.

Sau đó, bị cáo gọi điện cho Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự thì nhận được trả lời là “có một chút vướng mắc bên Bộ Công an, em sang đó xem như thế nào”. “Bị cáo thực sự run, rất run, bị cáo như chim sợ cành cong, nếu không được thì bị cáo không còn nhà để bán nữa”, bị cáo Mai Xa trình bày.

Do vướng mắc như vậy, nên bị cáo đã lên Cục Quản lý xuất nhập cảnh để gặp cán bộ của đơn vị này và nhận được trả lời là công ty bị cáo bị từ chối vì lý do “sếp không biết doanh nghiệp em là ai cả nên sếp đã từ chối văn bản của bên em”.

“Một lý do như vậy, thực sự trong lòng bị cáo rất ấm ức. Bị cáo cảm thấy mình đang làm những điều rất tốt, làm theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước, mà tại sao mình lại bị từ chối. Sau đó, bị cáo đã làm việc với Vũ Sỹ Cường, cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, anh này nói, để giải quyết nhanh, em nên làm theo cơ chế cảm ơn đi, nếu không kịp thì sẽ khó lắm”, bị cáo Mai Xa nói.

Thời điểm đó, bị cáo nghĩ, đứng trước sự lựa chọn không có sự thay đổi, doanh nghiệp của mình đang phụ thuộc vào chính quyền, các cơ quan, ban ngành để xin được một giấy cấp phép, nên đã phải đi xoay tiền để làm theo "cơ chế cảm ơn".

“Bị cáo rất ấm ức, bị cáo nghĩ rằng đáng lẽ việc cấp phép chuyến bay đó phải là trách nhiệm của các của các bộ, ngành được giao nhiệm vụ. Đáng lẽ ra Cục Lãnh sự phải giải quyết chứ không phải bị cáo đi lên đó để giải quyết vướng mắc. Đó là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sai phạm của bị cáo, là hành vi đưa tiền cho các cán bộ. Bị cáo không cảm nhận được điều đó, bị cáo không có ý thức về điều đấy nhưng lần đầu tiên đã bị ép phải đưa rồi thì lần sau cứ thế phải đưa, như một thông lệ”, bị cáo đại diện Công ty Masterlife trình bày.

Cuối cùng, bị cáo này mong muốn nhận được sự đồng cảm của Hội đồng xét xử đối với khối doanh nghiệp, với bản thân bị cáo; đồng thời mong được xem xét, cân nhắc cho bị cáo một bản án khoan hồng.

Theo cáo buộc, để được giải quyết tổ chức 18 chuyến bay cho Công ty Masterlife, Mỹ Thuật Quang Trung, Thắng Lợi, Nam Á, từ tháng 6/2021 đến tháng 1/2022, Trần Thị Mai Xa đã 19 lần đưa hối lộ cho 8 cá nhân có thẩm quyền, với tổng số tiền hơn 8,1 tỷ đồng. Bị cáo này bị Viện Kiểm sát đề nghị tuyên 4-5 năm tù.

Xét xử đại án “chuyến bay giải cứu”: Nhiều bị cáo bị đề nghị mức án nghiêm khắc
Theo Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, hành vi của các bị cáo là nhận hối lộ. Có một số bị cáo lập lờ, cho rằng đó là “cảm ơn” là sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư