Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp bia lo bị đối xử bất bình đẳng
Nam Hoàng - 28/03/2016 16:35
 
Các doanh nghiệp ngành bia, rượu, nước giải khát đang kiến nghị việc lùi thời gian có hiệu lực với Nghị định 108/2015/NĐ-CP và Thông tư 195/2015/TT-BTC. Trong thực tế đã có nhiều quy định không hợp lý phải chấp nhận lùi thời hạn có hiệu lực khi được đề xuất khá vội vàng.

Doanh nghiệp than trời

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, Nghị định 108 và Thông tư 195 đưa ra những quy định mới chưa được quy định trong Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, làm tăng hơn nữa chi phí thuế của doanh nghiệp.

Cụ thể, Nghị định 108 và Thông tư 195 đưa ra khái niệm cơ sở kinh doanh thương mại có quan hệ công ty mẹ - công ty con hoặc công ty con trong cùng công ty mẹ vô hình trung tạo ra một sự đối xử bất bình đẳng giữa các công ty, khiến các công ty thương mại này kém cạnh tranh hơn so với các công ty thương mại độc lập khác, trong khi việc thành lập các công ty thương mại trong một tập đoàn hiện nay đang là xu hướng khá phổ biến trên thế giới nhằm tăng tính chuyên môn quá và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

.
Nếu áp dụng quy định mới về thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng hơn nữa chi phí của doanh nghiệp sản xuất bia, nước giải khát.

Theo các chuyên gia, khi ban hành Nghị định 108 và Thông tư 195, mục tiêu ban đầu của Bộ Tài chính có vẻ là để giải quyết vấn đề liên quan đến việc có doanh nghiệp thời gian gần đây đã lập ra nhiều cấp độ công ty thương mại, việc làm này tiềm ẩn sự không minh bạch trong hoạt động kê khai nộp thuế tiêu thụ đặc biệt của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chính những quy định mới được nêu ra trong Nghị định 108 và Thông tư 195 không những không giải quyết được vấn đề nêu trên, mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp làm ăn chân chính khác cũng như toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất, kinh doanh bia.

Tại Hội nghị do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây, các doanh nghiệp bia rượu, nước giải khát cũng thẳng thắn cho hay, quy định mới sẽ khiến mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao lên, không đảm bảo được tính ổn định trong tăng trưởng nguồn thu ngân sách Nhà nước, làm tăng hơn nữa chi phí của doanh nghiệp trong lúc các doanh nghiệp sản xuất đang phải điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với việc gia tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt như được quy định trong Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.

Trên thực tế, Nghị định 108 và Thông tư 195 đều được ban hành vào cuối năm 2015, quá gần thời điểm có hiệu lực là ngày 1/1/2016, do đó sẽ là một gánh nặng và thậm chí doanh nghiệp không thể đáp ứng kịp thời với thay đổi lớn như thế này.

Bình luận vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho biết, việc Nghị định và Thông tư “vênh” với Luật cần được sửa sai ngay, không thể hợp thức hoá bằng cách đưa Luật mới vì Luật cũ đã rõ ràng và có lộ trình cụ thể.

“Không thể tận thu doanh nghiệp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài. Luật là cam kết cao nhất của Nhà nước với nhà đầu tư, căn cứ vào đây, doanh nghiệp tính toán quyết định đầu tư hay không và mức đầu tư bao nhiêu, do đó không thể “đánh bẫy”, làm mất niềm tin của doanh nghiệp”, ông Đức nhấn mạnh.

Bộ cũng thấy bất cập

Liên quan đến Nghị định 108 và Thông tư 195 của Bộ Tài Chính ban hành “vênh” với Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt hiện hành, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp chịu thuế tiêu thụ đặc biệt như VBA, VCCI, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cùng AmCham, EuroCham... đã đồng loạt lên tiếng trình bày những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành viên khi thực hiện những quy định này.

Tại cuộc đối thoại mới diễn ra giữa lãnh đạo Bộ Tài chính và VBF tại trụ sở Bộ ngày 18/3/2016, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thừa nhận những khó khăn, bất cập của doanh nghiệp trong việc thực hiện Nghị định 108 và Thông tư 195 khi hai văn bản này được ban hành quá gấp đối với ngành đồ uống, nhất là khi vẫn còn nhiều điểm chưa thực sự rõ ràng, khó thực thi và tạo thêm vướng mắc cho các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong việc tuân thủ.

VBF đã gửi kiến nghị đến Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội… đề xuất xem xét hoãn thi hành các văn bản trên nhằm giúp doanh nghiệp có đủ thời gian cần thiết để thay đổi kế hoạch sản xuất kinh doanh và thích ứng với những thay đổi chính sách thuế.

VBF cũng chỉ ra rằng, các thay đổi về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt được ban hành một cách đột ngột khiến các ngành chịu ảnh hưởng không kịp thích ứng khi văn bản được ban hành vào cuối tháng 10/2015 nhưng lại có hiệu lực vào 1/1/2016.

Còn ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cũng cho biết, các cơ quan nhà nước nên lưu tâm tới thông lệ chung của luật pháp quốc tế để có quy trình ban hành và quy định thực thi văn bản phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Việc ban hành văn bản phải có thời gian và lộ trình thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, tránh đưa ra quá gấp sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thậm chí khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ lớn và ngừng hoạt động”, ông Tuấn nói.

Trong quá khứ chưa xa, ngành bia cũng từng đối mặt với quy định bắt buộc sản phẩm bia phải dán tem từng chai trước khi đưa ra thị trường. Điều này đã tạo ra những tranh luận sôi nổi giữa các bên bởi các chuyên gia và nhà sản xuất cho rằng, dán tem bia là không cần thiết, gây lãng phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Cuối cùng, ý định dán tem để Quản lý sản xuất kinh doanh bia đã rơi dần vào quên lãng do không hiện thực.

Doanh nghiệp ngành bia lo thuế cao, dọa tăng giá
Dù cách tính giá thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo quy định tại Nghị định 108/NĐ-CP đã có hiệu lực được 2 tháng, nhưng các doanh nghiệp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư