Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh
Nguyễn Hương - 11/12/2021 17:18
 
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Covid-19 khiến sức chống chịu của doanh nghiệp suy giảm, vì vậy doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông.

Trong gần 2 năm qua, doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Với vai trò cơ quan tham mưu tổng hợp cho Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những hành động gì để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, thưa ông?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phát huy tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lắng nghe mọi ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, doanh nhân. Chủ động tổ chức các cuộc gặp gỡ lắng nghe khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp; phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức các hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp.

Qua đó, Bộ luôn đóng vai trò tiên phong đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời các quyết sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng và phục hồi trong bối cảnh Covid-19 như các Nghị quyết số 41/2020/NQ-CP, Nghị quyết số 84/2020/NQ-CP, Nghị quyết số 105/2021/NQ-CP...

Bộ cũng đang làm tốt vai trò cơ quan thường trực của 2 Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân; tháo gỡ vướng mắc về đầu tư, kinh doanh, là đầu mối thúc đẩy việc triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 80/2021/NĐ-CP.

Chúng tôi đã trực tiếp phối hợp với USAID LinkSME và một số tổ chức như JICA, Cơ quan Phát triển doanh nghiệp Singapore (ESG), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, các tập đoàn công nghệ (VNPT, Amazon Global Selling, Oracle...) triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trọng tâm là hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những thách thức do tác động của dịch bệnh liên quan tới việc tham gia vào chuỗi liên kết để giảm thiểu sự đứt gãy chuỗi cung ứng, tiếp cận tài chính và chuyển đổi số nhằm tạo nền tảng phát triển bền vững.

Những hỗ trợ trên rất đúng nhu cầu, đúng thời điểm để doanh nghiệp có thêm động lực, nền tảng duy trì, ổn định sản xuất, kinh doanh, hoàn toàn phù hợp với ưu tiên chính sách của Chính phủ hiện nay.

Theo ông, Chính phủ nên có kế hoạch hay chương trình cụ thể gì để hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2022?

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo Chương trình Phục hồi doanh nghiệp, với một số giải pháp cụ thể như hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp (giãn, hoãn thời gian nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, các khoản phải nộp, giảm lãi suất cho vay); cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi kinh tế; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; hỗ trợ tái cấu trúc lao động; hỗ trợ thu hút, đào tạo lại lao động cho doanh nghiệp; tái cấu trúc doanh nghiệp và tài chính doanh nghiệp; quản trị rủi ro.

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã được cụ thể hóa và tập trung, tăng cường theo quy định tại Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, tập trung vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Ngoài ra, Bộ cũng đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả mọi hoạt động trong khuôn khổ các dự án hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp như hỗ trợ kết nối, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp khu vực tư nhân, hỗ trợ chuyển đổi số, hỗ trợ tiếp cận tài chính…

Để chủ động vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội phát triển, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chuẩn bị những gì, thưa ông?

Đa số doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa (chiếm 98%), năng lực cạnh tranh thấp, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu vẫn phát triển theo chiều rộng, chưa cải thiện nhiều về chất lượng và phát triển theo chiều sâu.

Covid-19 làm cho sức chống chịu của doanh nghiệp bị suy giảm, dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động, ảnh hưởng sản xuất quy mô lớn. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng đem lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, đặc biệt là cơ hội hình thành và phát triển các chuỗi giá trị, chuỗi liên kết mới, hình thành các mô hình, ngành nghề kinh doanh mới.

Đây còn là cơ hội giúp các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, khả năng thích nghi trước biến cố thị trường, tái cơ cấu sản xuất, chuyển đổi chiến lược.

Trước bối cảnh đó, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất, kinh doanh, tái cấu trúc gắn với chuyển đổi số, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh. Chủ động chuyển đổi lao động, tái cấu trúc lao động, chú trọng đào tạo, đào tạo lại người lao động và trang bị nền tảng quản trị doanh nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp. Chủ động ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ để biến thách thức thành cơ hội, tạo chuẩn giá trị mới, mở rộng thị trường, tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Phục hồi kinh tế cần những nỗ lực quyết đoán hơn
Khi nền kinh tế chuyển từ phòng, chống dịch sang phục hồi, các biện pháp tài khóa nên chuyển dần từ hỗ trợ thanh khoản trên diện rộng sang...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư