Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 09 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp dệt may lại than khó với tăng lương tối thiểu vùng 2017
Thế Hoàng - 08/08/2016 16:22
 
Theo tính toán, với quy mô doanh nghiệp hơn 10.000 lao động như Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên), chi phí tăng thêm do tăng lương tối thiểu vùng 2017 sẽ vào khoảng 12 tỷ VND/năm.

Oằn vai vì chi phí tiền lương

Sau khi Hội đồng tiền lương quốc gia chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 , với mức tăng bình quân 7,3% so với năm 2016 và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới, các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày đã bày tỏ quan ngại về gánh nặng chi phí từ tăng lương.

Theo phương án tăng lương được chốt bởi Hội đồng tiền lương quốc gia, mức lương tối thiếu đối với vùng I được áp dụng từ đầu năm 2017 tăng thêm 250.0000 đồng so với năm 2016, đạt 3,75 triệu đồng/tháng; vùng II tăng thêm 220.000 đồng, đạt 3,32 triệu đồng/tháng; vùng III tăng thêm 200.000 đồng, đạt 2,9 triệu đồng/tháng và vùng IV tăng thêm 180.000 đồng, đạt 2,58 triệu đồng/tháng.

Với mức tăng lương tối thiểu 7,3 %, đương nhiên chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên theo. Mức tăng tối đa sẽ là 0,46 %, riêng ngành dệt may, mức chi phí sẽ tăng thêm 2,9%.

Chi phí tiền lương đang chiếm tới 70% trong tổng chi phí của doanh nghiệp dệt may.
Chi cho lao động đang chiếm đến 70-72% trong đơn giá gia công của doanh nghiệp dệt may

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho rằng: “Chúng tôi vẫn tiếp tục kiến nghị với Chính phủ giãn lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đến 2020 hoặc 2022 và không tăng thường xuyên hàng năm  bởi một loạt lý do. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, lương tối thiểu vùng đối với các DN trong nước năm 2016 đã bằng 3,28 lần - 3,57 lần so với năm 2010, đối với các DN đầu tư nước ngoài bằng 2,4 lần đến 2,61 lần. Đồng thời, Vitas cũng đề nghị không sử dụng lương tối thiểu làm căn cứ khởi điểm để xây dựng hệ thống thang, bảng lương và làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG (Thái Nguyên) cho hay,  với mức tăng lương tối thiểu 7,3%, nếu đươc thông qua, đương nhiên chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng lên theo và bài toán “co kéo” để không thiếu trước hụt sau, sản phẩm vẫn có thể cạnh tranh được là không dễ dàng.

Với hơn 1 vạn lao động, theo tính toán của Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, tăng lương tối thiểu 2016 đã khiến DN này phải gia tăng thêm chi phí mỗi tháng 1 tỷ đồng, cả năm khoảng 12 tỷ VND. Mức tăng lương tối thiểu 7,3% của năm 2017 cũng sẽ khiến DN này gia tăng thêm 12 tỷ đồng/năm.

"Chúng tôi nghĩ rằng trong việc tăng tiền lương sắp tới, mức tăng phải phù hợp để doanh nghiệp duy trì được hoạt động và có động lực để phát triển", ông Thời nói.

Sự điều chỉnh tiền lương tối thiểu trong những năm qua, với mức tăng mỗi năm từ 12-15% đã khiến doanh nghiệp phải ghánh thêm chi phí nhân công lớn, làm thủ tiêu sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may cũng tính toán, với cơ cấu chi phí cho lao động gần 70% giá gia công xuất khẩu thì mức tăng lương tối thiểu hàng năm đã khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đắt hơn khoảng 8-10%.

Đơn hàng xuất khẩu "rớt" sâu

Xuất khẩu dệt may từ đầu năm 2016 tiếp tục duy trì mức tăng thấp, bất chấp sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.

7 tháng đầu năm, ước tính xuất khẩu chỉ tăng trên dưới 6%, chỉ hơn 14 tỷ USD, trong khi mục tiêu cả năm là 30-31 tỷ USD. Những tháng còn lại sẽ rất áp lực với các doanh nghiệp trong việc gia tăng mạnh đơn hàng và giá trị xuất khẩu.

Do đơn hàng giảm, chi nhập khẩu các loại nguyên phụ liệu của ngành dêt may từ đầu năm đến nay đã giảm đi trông thấy. 7 tháng, chi nhập khẩu vải tạm tính khoảng 6 tỷ USD, chỉ tăng 2%.

Lo ngại trước nhưng diễn biến thị trường xuất khẩu không thuận và có thể tiếp diễn trong những tháng tới, ngành dệt may dự kiến, kim ngạch xuất khẩu cả năm chỉ đạt 29 tỷ USD.

Thực tế, việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm đi đôi với tăng tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, phí công đoàn đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp. Lương tối thiểu tăng, doanh nghiệp không chỉ lo lương cho người lao động, đi kèm theo đó là gia tăng thêm hàng loạt chi phí, đặc biệt là tăng phí  bảo hiểm, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may hiện đã trả lương cao hơn mức lương tối thiểu theo quy định.

Đại diện trong Hội đồng tiền lương quốc gia, ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thừa nhận, sức ép chi trả lương, và các chi phí khác với giới sử dụng lao động là không nhỏ, dù tình hình kinh doanh đã có bước phục hồi nhưng vẫn còn rất khó khăn. Do đó, bất kỳ sự thay đổi nào cũng khiến doanh nghiệp đứng trước sự lựa chọn tồn tại hay không tồn tại.

Trước những vấn đề nêu trên, Vitas cho hay sẽ tiếp tục đề xuất không tăng lương tối thiểu vùng năm 2017 và chỉ nên điều chỉnh tăng sau 2-3 năm/lần, thay vì là hàng năm như hiện nay.

Theo Hiệp hội Dệt may, chính sách tăng lương tối thiểu thường xuyên đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày… đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ tính từ giai đoạn 2008 – 2016 mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp trong nước đã tăng bình quân 26,4%/năm và đối với các doanh nghiệp FDI đã tăng 18,1%/năm.

Doanh nghiệp dệt may kêu khó, đề nghị giãn thời gian tăng lương tối thiểu
Các doanh nghiệp dệt may tiếp tục đề nghị Chính phủ nghiên cứu giãn lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đến 2020 hoặc 2022 và không tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư