Thứ Ba, Ngày 01 tháng 04 năm 2025,
Doanh nghiệp F&B và bài toán tránh tăng giá gây sốc cho khách hàng
Đức Thọ - 29/03/2025 15:21
 
Chi phí nguyên liệu được dự báo tiếp tục tăng, đòi hỏi nhà sáng lập trong mảng kinh doanh ăn uống (F&B) phải có biện pháp đối phó hợp lý.

Kinh doanh quán ăn, quán cà phê là lựa chọn phổ biến với nhiều nhà sáng lập trẻ. Nhưng trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu và chi phí nguyên liệu tiếp tục tăng như hiện nay, việc kinh doanh F&B được dự đoán sẽ có nhiều trở ngại.

Theo Báo cáo Kinh doanh Ẩm thực tại Việt Nam năm 2024 do iPOS.vn và Nestlé Professional thực hiện, ngành F&B đang bị bào mòn lợi nhuận do phải đối mặt với áp lực chi phí gia tăng. Năm 2024, có tới 44,8% doanh nghiệp F&B ghi nhận chi phí nguyên vật liệu chiếm từ 30% trở lên trong giá bán, trong đó 6,2% doanh nghiệp có chi phí vượt quá 50%, nên đẩy biên lợi nhuận vào mức nguy hiểm.

Ông Nguyễn Thái Bình, chuyên gia F&B cho hay: “Giá nguyên vật liệu tăng cao do nhiều yếu tố, như lạm phát, chi phí vận chuyển leo thang, nguồn cung khan hiếm, biến động tỷ giá và mức nhân công tăng. Dự báo, áp lực chi phí nguyên vật liệu chưa có dấu hiểu giảm trong ngắn hạn, nên doanh nghiệp F&B phải có chiến lược linh hoạt hơn. Việc cân bằng giữa giá bán, lợi nhuận và sức mua của khách hàng sẽ là bài toán sống còn trong năm 2025, khi thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt”.

Thực tế, giá sản phẩm tăng cao đột ngột có thể ảnh hưởng ảnh hưởng đến hành vi mua sắm của khách hàng. Vì vậy, năm 2025, theo báo cáo của iPOS.vn, có tới 50% doanh nghiệp F&B tham gia khảo sát quyết định không tăng giá để tránh rủi ro mất khách hàng.

Còn với những doanh nghiệp dự kiến tăng giá sản phẩm, việc tăng giá không đơn thuần là điều chỉnh chi phí, mà còn là bài toán chiến lược. Trên thị trường, có những doanh nghiệp vừa tăng giá sản phẩm, nhưng vừa phải giữ được khách hàng ở lại. Tiêu biểu là trường hợp của Highlands Coffee vào năm 2022, khi tăng giá 10-15%.

Highlands Coffee đã thành công nhờ lựa chọn thời điểm hợp lý, bởi năm 2022 là giai đoạn "chi tiêu trả thù" - người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu mạnh hơn sau thời gian dài bị hạn chế do Covid-19.

Ngoài ra, để giảm sốc cho khách hàng, Highlands Coffee không tăng giá đột ngột, mà triển khai nhiều chương trình giảm giá song song trong gần một năm, đặc biệt là chương trình mua 1 tặng 1 và đồng giá sản phẩm.

Thương hiệu này thậm chí giữ nguyên giá cho dòng sản phẩm Cà phê phin với kích cỡ nhỏ (29.000 đồng). Điều này giúp khách hàng dần quen với mức giá mới, nhưng vẫn có cơ hội tận dụng các ưu đãi để thanh toán theo giá cũ.

Nhờ đó, thương hiệu không chỉ giữ chân khách hàng trung thành, mà còn duy trì được doanh thu tăng trưởng ổn định, bất chấp giá bán thay đổi.

“Việc tăng giá sản phẩm trong năm 2025 cần được cân nhắc kỹ lưỡng do chi phí đầu vào tăng cao, nhưng sức mua thị trường suy yếu. Tăng giá đột ngột có thể ảnh hưởng đến doanh số khi khách hàng ngày càng thận trọng trong chi tiêu. Thay vì tăng giá đồng loạt, doanh nghiệp nên tối ưu chi phí bằng cách đàm phán với nhà cung cấp, điều chỉnh công thức chế biến hoặc định lượng sản phẩm. Nếu cần thiết phải tăng giá, nên áp dụng chiến lược linh hoạt theo khu vực, nhóm khách hàng và kết hợp nâng cao giá trị sản phẩm nhằm duy trì sự hấp dẫn”, ông Nguyễn Thái Bình gợi ý.

Đi tìm nhà đầu tư đầu tiên cho start-up
Làm sao để tìm kiếm được nhà đầu tư rót vốn ở những vòng đầu tiên? Đây luôn là trăn trở của nhiều start-up. Thực tế, câu trả lời đôi khi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư