Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp logistics trước sức ép từ các FTA
Hương Dịu (HQ Online) - 01/06/2015 13:48
 
Trước hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sẽ được ký kết, các doanh nghiệp logistics trong nước phải tìm cách nâng cao năng lực, cơ sở hạ tầng, đầu tư thêm dịch vụ mới...
Doanh nghiệp logistics Việt Nam đang có nhiều bước tiến để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh. Ảnh: Thái Bình
Doanh nghiệp logistics Việt Nam đang có nhiều bước tiến để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh. Ảnh: Thái Bình

Khẩn thiết

Ngành logistics Việt Nam luôn được các chuyên gia đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải nhiều vấn đề không thể giải quyết trong ngày một ngày hai.

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tiếp vận Avina, khi nhiều FTA được ký kết, đặc biệt là việc thành lập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) vào cuối năm nay, không những luồng hàng XNK của các doanh nghiệp tăng lên mà đầu tư nước ngoài cũng đã, đang và sẽ có những tăng trưởng mạnh mẽ. Trong số đó, khá nhiều doanh nghiệp logistics các nước thuộc khối ASEAN đã sang Việt Nam đầu tư mở rộng thị trường. Điều đáng nói, doanh nghiệp các nước này có một sự am hiểu về luật lệ cũng như phong tục, văn hóa làm việc của Việt Nam tốt hơn các doanh nghiệp đến từ quốc gia khác, do đó khả năng phát triển và hòa nhập của họ sẽ dễ dàng hơn.

Cũng nói về vấn đề này, ông Ngô Thế Hùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần logistics Thắng Lợi cho biết thêm, các doanh nghiệp logistics nước ngoài khi sang Việt Nam có lợi thế lớn về vốn và “tính dân tộc”, nhiều doanh nghiệp FDI có lượng hàng giao dịch, XNK lớn thường lựa chọn những doanh nghiệp logistics có nguồn đầu tư từ đất nước họ. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể chen chân làm việc cùng những “ông lớn” này.

Chính từ những áp lực kể trên, nhiều doanh nghiệp logistics trong nước đã có những bước đi chiến lược, tìm cách tăng vốn để đầu tư thêm cơ sở vật chất, phát triển và củng cố dịch vụ. Ông Trần Huy Hiền, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, đây là hướng đi tất yếu để các doanh nghiệp Việt Nam tạo lập sự vững chắc, nâng cao sức cạnh tranh.

Mới đây nhất, Công ty Cổ phần Gemadept đã rót hơn 340 tỷ đồng để đầu tư vào Dự án xây dựng Trung tâm logistics tại Khu Công nghiệp Sông Hậu (Hậu Giang). Đây là một con số “khủng” đối với đa số các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Tuy vậy, bằng nỗ lực của mình, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang dốc vốn để mở rộng sản xuất.

Theo ông Ngô Thế Hùng, Công ty đang đầu tư thêm 3-4 tỷ để nâng cấp, tìm thêm kho bãi giúp mở rộng khách hàng. Bên cạnh đó, Công ty đang đầu tư về phương tiện vận tải nhằm nâng cao năng lực vận tải đường bộ từ Thái Lan, Lào, Campuchia về Việt Nam hoặc sang Trung Quốc. Hướng đi này trong thời gian tới sẽ rất có lợi trong AEC vì giúp hàng hóa giao thương nhanh chóng hơn đường biển mà rẻ hơn đường hàng không rất nhiều.

Đây cũng là một trong những hướng đi tương tự với Avina logistics, bà Lê Hoàng Oanh cho hay, với kế hoạch tăng 20% doanh thu trong thời gian tới, Công ty sẽ đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự, phát triển công nghệ quản lý qua các giải pháp và thiết bị thông minh, tiện ích để quản lý lộ trình lưu chuyển của hàng hóa nhanh chóng, chính xác, hiệu quả… Bên cạnh đó, Avina còn xúc tiến việc liên kết hợp tác, thậm chí mua bán và sáp nhập (M&A) với các doanh nghiệp logistics khác, trong đó chú trọng đến doanh nghiệp vận tải đường bộ.

Phải vượt khó

Đối với những hướng phát triển của doanh nghiệp, bà Lê Hoàng Oanh đánh giá, xu thế mở rộng của các doanh nghiệp tuy rằng đã bắt kịp với nhịp độ phát triển của thị trường nhưng vẫn đi chậm hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… đã quan tâm trước, kịp thời đến mở văn phòng tại Việt Nam để đón đầu làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp của quốc gia của họ.

Nói về khó khăn của các doanh nghiệp logistics khi mở rộng, theo ông Trần Huy Hiền, khó khăn nhất là vốn bởi các doanh nghiệp logistics Việt Nam đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc kinh doanh vẫn là “gia công” cho các doanh nghiệp lớn nên tính chủ động bị hạn chế. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nước ta còn yếu về công nghệ, nhân lực cũng như kinh nghiệm. Với những khó khăn như thế, nhiều doanh nghiệp vẫn phải đứng ngoài cuộc đua phát triển hoặc chấp nhận M&A với các doanh nghiệp lớn.

Để giải quyết bài toán khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp logistics cho rằng, các doanh nghiệp cần có sự liên kết với nhau, tạo thành chuỗi mắt xích để hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Nhưng việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp nội vẫn rất “lỏng lẻo” và vẫn còn tâm lý dè chừng lẫn nhau khiến các doanh nghiệp nước ngoài có cơ hội nhảy vào chiếm lĩnh.

Tuy nhiên, bên cạnh tự thân doanh nghiệp phải vận động, phát triển, doanh nghiệp rất cần đến sự trợ giúp từ các tổ chức, Hiệp hội và cơ quan Nhà nước. Đại diện Công ty Avina logistics cho hay, logistics là ngành “thu tiền lẻ”, việc lên kế hoạch kinh doanh hay đầu tư đều cần thời gian vận hành lâu dài mới thu được vốn. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách vay vốn dành riêng cho các doanh nghiệp logistics. Hơn nữa, để giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp trong giao thông vận tải thì hạ tầng giao thông, bến bãi, thủ tục… cần có chiến lược cải thiện đồng bộ, rút ngắn thời gian và chi phí cho các thủ tục thông quan hàng hóa, giao thông vận tải…

Có thể thấy, với đặc thù của ngành nghề, các doanh nghiệp logistics trong nước cần phải có năng lực nhìn nhận, đánh giá đúng cái thị trường cần để vượt qua những khó khăn kể trên, tìm ra hướng đi chiến lược, phù hợp với năng lực và khả năng của mình.

Doanh nghiệp nên chọn giải pháp logistics nào?
Chuyên nghiệp hóa hoạt động logistics là một đòi hỏi tất yếu, bởi đây là một khâu quan trọng trong quá trình sản xuất - kinh doanh và phân phối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư