Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 23 tháng 12 năm 2024,
Doanh nghiệp nhà nước không thể đứng ngoài nhịp độ tăng trưởng
Khánh An - 23/07/2018 08:55
 
Sự sụt giảm của dòng vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại.
TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp nhà nước... yếu dần đều

So với cùng kỳ năm ngoái, kết quả đầu tư của khu vực nhà nước chỉ tăng có 3,1% trong 6 tháng đầu năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ này ở khu vực ngoài nhà nước là 17,5%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 8,5%.

Đáng nói là, đầu tư bằng vốn tự có của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giảm 7,9%, vốn tín dụng đầu tư theo kế hoạch của nước cũng giảm tới 23,4%.

Cần áp kỷ luật hành chính mạnh với các DNNN trong thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin.
Cần áp kỷ luật hành chính mạnh với các DNNN trong thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin.

“Đây là điểm đáng lo. Đáng ra, đầu tư của khu vực này phải đảm bảo yêu cầu dẫn hướng, đầu tư vào các dự án kết nối quy mô lớn theo kế hoạch để thúc đẩy đầu tư của các khu vực khác”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) bày tỏ lo ngại khi nhìn vào các chỉ số kinh tế vĩ mô.

Vốn là người ủng hộ sự giảm xuống của tỷ trọng đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư toàn xã hội, là người chia sẻ liên tục quan điểm nhà nước phải rút chân khỏi các ngành, lĩnh vực tư nhân có thể làm được để mở đường cho khu vực kinh tế tư nhân, nhưng lần này, ông lại là người cảnh báo sớm về sự suy giảm trong đầu tư của DNNN.

“Chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao khu vực có nhiều nguồn lực, dư địa, nhiều tiềm năng... lại giảm đầu tư. Nghiên cứu của CIEM về hiện trạng DNNN còn cho thấy khu vực này giảm cả hiệu quả hoạt động”, ông Cung nói.

Theo nghiên cứu của CIEM,  tỷ suất lợi nhuận của DNNN trong giai đoạn từ 2011-2016 giảm đều. ROE (tỷ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) giảm 39%; ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản) giảm 30%.

Tâm lý chần chừ

Phải nói thêm, tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN trong khoảng thời gian này đang chậm lại. Theo báo cáo của Bộ Tài chính về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN, trong 6 tháng đầu năm 2018, có 8 DNNN được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Con số này quá nhỏ so với kế hoạch ít nhất 85 doanh nghiệp nhà nước phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018.

Tình hình thoái vốn cũng tương tự, 6 tháng mới có 5 đơn vị thực hiện, thoái được 2.506 tỷ đồng vốn, thu về 6.458 tỷ đồng so với kế hoạch 181 doanh nghiệp phải thực hiện trong năm nay. Nhưng nếu tính lũy kế thì cũng mới có 16 doanh nghiệp trong số 316 phải thoái vốn trong 2 năm 2017-2018 theo Quyết định số 1232 /2017/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020.

Như vậy, sự sụt giảm đang nhìn thấy trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của khu vực DNNN không phải do chuyển dịch sang khu vực khác như mong muốn của các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế.

“Tôi nhìn thấy tâm lý chần chừ, chờ đợi của các doanh nghiệp nhà nước khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập. Mặc dù về lý thuyết, sự chuyển dịch nguyên trạng sẽ ít mang lại xáo trộn, nhưng tâm lý chờ đợi , không muốn thực hiện khi chưa biết chắc sẽ về đâu trong các DNNN là có”, ông Cung phân tích.

Cũng phải nói thêm, theo ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM), cho tới thời điểm này, vẫn có ý kiến hoài nghi về cách thức tổ chức và trách nhiệm giải trình của Ủy ban trong bối cảnh cơ chế giám sát hiện hành bị xem là thiếu hiệu lực, kém hiệu quả, nhất là khi cơ quan này dự kiến sẽ nhận về 820 ngàn tỷ đồng vốn chủ sở hữu của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, cùng với đó là 1,5 triệu tỷ đồng tài sản doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đề xuất của CIEM trong giai đoạn này là lấy lại niềm tin cho các DNNN, để nguồn lực lớn đang nằm trong khu vực này tham gia vào tăng trưởng kinh tế một cách chủ động và tích cực nhất.

“Ủy bản Quản lý vốn nhà nước trong doanh nghiệp cần phải đi vào hoạt động sớm, phải được hoạt động thực sự như một nhà đầu tư”, ông Trung nói.

Cần kỷ luật hành chính

Trên Cổng thông tin doanh nghiệp, lần đầu tiên cái tên Công ty Quản lý tài sản (Ngân hàng Nhà nước) được ghi nhận.

Như vậy, sau hơn 2 năm rưỡi kể từ ngày quy định về công bố thông tin quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP có hiệu lực (5/11/2015), doanh nghiệp này mới thực hiện công bố thông tin. 17 báo cáo hoạt động các năm 2015, 2016 và 2017 được doanh nghiệp gửi lên Cổng thông tin doanh nghiệp.

Tình trạng này không phải quá cá biệt. Năm 2017 cũng chỉ có gần 43% trong số 622 doanh nghiệp nhà nước phải công khai thông tin thực hiện nghĩa vụ này.

“Nhưng chưa có doanh nghiệp nào bị phạt vì không thực hiện nghĩa vụ này. Nếu không có thông tin cập nhật, đầy đủ, đúng yêu cầu, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng không thể xoay chuyển tình thế”, ông Trung nói.

Đơn cử Công ty Quản lý tài sản vừa mới gửi tới 17 báo cáo hoạt động 3 năm vừa qua. Giả thuyết có vấn đề cần cảnh báo, điều chỉnh trong hoạt động của Công ty này những năm đó, không cơ quan nào, kể cả cơ quan quản lý nhà nước cũng như đại diện chủ sở hữu kịp hành động.

“Phải áp kỷ luật hành chính mạnh với các DNNN trong thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin, nhất là khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đang hoàn thiện hệ thống quản lý trực tuyến tại doanh nghiệp, để đánh giá sức khỏe, tự động cảnh báo các vấn đề từ doanh nghiệp”, ông Trung đề xuất.

Chỉ khi đó, khu vực DNNN mới thực sự trở lại đường chạy của chính mình trong nền kinh tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư