Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Doanh nghiệp nhà nước trong lằn ranh thúc thủ và bứt tốc - Bài 4: Chiếc áo mới và sứ mệnh lịch sử
Khánh An - 07/07/2020 08:20
 
Không ai có thể nghĩ, doanh nghiệp nhà nước lại có lúc rơi vào tình thế khó lớn, nói đúng ra là không thể lớn thêm. Sẽ không có quyết định hành chính nào xoay chuyển được tình thế này.

Đã đến lúc, khu vực nắm giữ nguồn lực lớn nhất của nền kinh tế phải được hoạt động đúng là doanh nghiệp, đầy đủ quyền tự chủ kinh doanh theo nguyên tắc thị trường, được quản trị theo thông lệ quốc tế tốt để thoát khỏi tâm thế thúc thủ và bứt tốc.

Bài 4: Chiếc áo mới và sứ mệnh lịch sử

VNPT được thực hiện thí điểm cơ chế quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng từ tháng 4/2020. Ảnh: Đức Thanh
VNPT được thực hiện thí điểm cơ chế quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng từ tháng 4/2020. Ảnh: Đức Thanh

Doanh nghiệp nhà nước và nguồn lực của Nhà nước trong khu vực này sẽ bừng lên, thúc đẩy nền kinh tế phục hồi nhanh và tìm lại nhịp độ tăng trưởng. Đó là xu thế tất yếu, cũng như sự tất yếu cần phải thay đổi tư duy về doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế.

Nỗi niềm của người không được thua dù 1 trận

Khoảng một năm trước, trong buổi tọa đàm bàn về vai trò, vị trí của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế, để góp ý cho Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xin phát biểu với đầy tâm tư.

“Đọc các đánh giá về doanh nghiệp nhà nước toàn kém hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu, chúng tôi cảm thấy rất buồn. Chúng tôi đã cố gắng rất nhiều. Các chỉ tiêu Chính phủ giao, EVN đều làm được. Chúng tôi cũng thay đổi cách làm để chỉ số tiếp cận điện năng của Việt Nam tăng liên tục, đang đứng 27/190 nền kinh tế trong Bảng xếp hạng Doing Business 2019 của Ngân hàng Thế giới… Nhưng, chúng tôi cũng phải làm công cụ điều tiết kinh tế, phải đưa điện ra đảo, phải giữ giá điện theo yêu cầu…”, ông Nam phân trần.

Thực ra, nỗi niềm của lãnh đạo EVN cũng như nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được giãi bày nhiều và cũng được chia sẻ một cách rõ ràng. Giới chuyên gia nghiên cứu cũng sòng phẳng khi đánh giá hoạt động của khu vực này ở các khía cạnh.

Trên thực tế, lợi nhuận và hiệu quả kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn. Riêng 7 tập đoàn kinh tế nhà nước đã nắm giữ 66% tài sản, 66,7% vốn chủ sở hữu nhà nước, tạo ra 61,7% doanh thu, 56,5% lợi nhuận trước thuế và 56,7% thu ngân sách nhà nước của toàn bộ khối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Song, các vị trí lãnh đạo các doanh nghiệp có doanh thu tiền tỷ USD chỉ được nhận lương trung bình khoảng 60 triệu đồng/tháng theo các quy định về tiền lương, thưởng của doanh nghiệp nhà nước. Chỉ có Viettel và từ tháng 4/2020, VNPT, Vietnam Airlines và Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) được phép thực hiện cơ chế thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng…, nhưng so với các tập đoàn tư nhân cùng quy mô, thì khoảng cách thực sự còn rất xa.

Nhưng, nỗi ấm ức của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không chỉ là quyền và trách nhiệm không tương xứng, khó kiểm soát.

Cách đây 6 tháng, tại Hội nghị Triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh năm 2020 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chạm tới tâm can của những người… nhà nước mà ông đã kinh qua khi nhiều năm làm lãnh đạo Viettel.

“Cách quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện nay không cho phép doanh nghiệp được rủi ro, trăm trận trăm thắng, thua 1 trận là có tội. Cách này làm doanh nghiệp nhụt trí và mất sức cạnh tranh”, ông Hùng nói về cách quản lý doanh nghiệp nhà nước theo cách làm, thay vì quản lý theo giao mục tiêu, khiến cơ quan quản lý phình to bộ máy, nhưng lại trói tay, trói chân doanh nghiệp.

Sứ mệnh lịch sử

Vấn đề là, những nỗi niềm và ấm ức trên đã kéo dài nhiều năm nay. Ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) kể, ông đã tham gia thảo luận các yêu cầu tách bạch nhiệm vụ, vai trò công ích và kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, tách bạch trong đánh giá hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp nhà nước, của khu vực kinh tế nhà nước hơn 20 năm nay và giờ lại bàn.

Thực tế, khi xem xét vai trò của doanh nghiệp nhà nước, cũng như bất cứ loại hình doanh nghiệp nào, phải đặt hiệu quả, nhất là hiệu quả tài chính, lên hàng đầu.

“Khoác cho doanh nghiệp nhà nước chiếc áo doanh nghiệp, thì phải để cho họ là doanh nghiệp thực sự, có cơ chế để doanh nghiệp thực hiện mục tiêu được giao với hiệu quả cao nhất. Khi đó, việc đánh giá doanh nghiệp, đánh giá các vị trí điều hành sẽ đơn giản, rõ ràng”, ông Cường phân tích.

Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc không thể khoác cho doanh nghiệp nhà nước quá nhiều trách nhiệm. Vào thời điểm này, câu hỏi có nên sử dụng doanh nghiệp nhà nước như công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô không đang được đặt ra.

Có thể phân tích trường hợp của EVN là ví dụ. Khi xu hướng giá trên thị trường đang lên, vì là công cụ điều tiết, EVN không được điều chỉnh tăng giá, cho dù giá đầu vào của các sản  phẩm đều trong xu hướng lên. Ngược lại, khi thị trường đang bình ổn giá cả, EVN có thể lại bị yêu cầu điều chỉnh giá tăng…

“Quy luật thị trường bị can thiệp, làm cho doanh nghiệp bị gọi là công cụ ổn định kinh tế vĩ mô bị đè nén, làm sai lệch tín hiệu của thị trường. Trong điều kiện kinh doanh như vậy, doanh nghiệp không thể tránh tình trạng thua lỗ, cho dù có lãnh đạo tài ba đến đâu”, ông Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phân tích.

Trong khi đó, với nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp nhà nước, họ phải được giao mục tiêu rõ ràng, tương xứng, thay vì yêu cầu bảo toàn và phát triển vốn chung chung.

Trong nghiên cứu về doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, CIEM  đã đề xuất giao nhiệm vụ mới cho doanh nghiệp nhà nước, như năng suất lao động và tỷ suất lợi nhuận cao hơn mức bình quân của toàn bộ các doanh nghiệp có lợi nhuận trong nền kinh tế và không thấp hơn mức bình quân của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu nhà nước hằng năm phải đạt ít nhất 15%/năm trong giai đoạn 2021 - 2015. Chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh phải đặt trên thị trường quốc tế. Mức độ áp dụng công nghệ không thấp hơn mức bình quân của doanh nghiệp FDI trong cùng ngành, lĩnh vực. Đi cùng là cơ chế áp đặt kỷ luật thị trường nghiêm ngặt, chấm dứt quản lý kiểu hành chính với doanh nghiệp nhà nước...

Phải nhắc lại câu nói của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng rằng, doanh nghiệp nhà nước là nơi để người tài thỏa sức, không dành cho tất cả mọi người.

Vai trò thực sự của doanh nghiệp nhà nước sẽ đến từ những thay đổi tư duy về khu vực này, cả trong quản lý nhà nước và trong doanh nghiệp.

Nhưng, đó phải là một tư duy mới, đột phá, theo đúng quy luật thị trường.

Ý KIẾN - NHẬN ĐỊNH

Nhà đầu tư nhà nước phải có mua đi, bán lại, gia tăng hiệu quả phần vốn nhà nước.
Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Phần vốn nhà nước trên thị trường chứng khoán ước chiếm 1/3 lượng cổ phần trên thị trường. 2/3 còn lại thuộc về vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng phần giao dịch chỉ nằm ở 2/3. Gần như 1/3 đứng im trên thị trường, đợi các quyết định thoái vốn. Phần 1/3 vốn nhà nước này chỉ có bán ra, chứ không hề mua vào.

Tại sao phần vốn nhà nước chỉ có thể bán đi, mà không thể mua lại, để gia tăng hiệu quả sử dụng đồng vốn? Có phải tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chỉ được hiểu theo chỉ có bán đi, không có mua lại.

Khi lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Nhà nước xác định rõ vai nhà đầu tư nhà nước trong doanh nghiệp. Nhà đầu tư phải có mua đi, bán lại, gia tăng hiệu quả phần vốn nhà nước một cách tốt nhất, chứ không thể chỉ là nhà đầu tư đi bán hàng. Bán xong thì hết, ai dám bán? Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán hết vốn nhà nước thì có cần tồn tại nữa không?

Doanh nghiệp nhà nước ra quyết định chậm, tức là thua và thiệt.
Ông Nguyễn Đức Chi, Tổng giám đốc SCIC

Chúng tôi hoạt động trong môi trường bình đẳng với các doanh nghiệp, gồm cả doanh nghiệp tư nhân trong nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cơ chế ra quyết định của họ khác, nhanh hơn rất nhiều. Doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn, tổng công ty nhà nước ra quyết định chậm, tức là thua và thiệt.

Tổng công ty nhà nước lại kém hiệu quả, thành điều tiếng doanh nghiệp nhà nước làm ăn không tốt.

Một trong những nguyên nhân tác động đến tính hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước là cơ chế ra quyết định.

Phải thay đổi tư duy để thay đổi số phận doanh nghiệp nhà nước.
Ông Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Đây là thời điểm chúng ta cần phải thẳng thắn, một cách khoa học và thực tế. Đến lúc này, mọi thứ đã đặt ra một cách rõ ràng, vấn đề là chúng ta có muốn nhận diện hay không.

10 năm tái cơ cấu nền kinh tế vừa qua chủ yếu là tái cơ cấu khu vực nhà nước, từ vốn đầu tư công, hệ thống tài chính – chủ yếu là ngân hàng nhà nước, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, nhưng rất ì ạch.

Lập trường của tôi là không thể chỉnh sửa cách làm, mà phải có cách làm mới với tư duy mới để thay đổi số phận doanh nghiệp nhà nước.

Không thể để doanh nghiệp nhà nước giằng xé quá nhiều mục tiêu”.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế

Câu hỏi cần phải trả lời rõ là Nhà nước muốn gì ở doanh nghiệp nhà nước; muốn doanh nghiệp nhà nước làm kinh tế, làm công cụ điều tiết vĩ mô hay để làm gì…

Phải trả lời rõ, nhưng không thể để doanh nghiệp nhà nước giằng xé quá nhiều mục tiêu. Như vậy sẽ khó làm và cũng khó đánh giá hiệu quả của khu vực này.

Tới đây, khi khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm quy mô, thì bài toán là phải tăng hiệu quả. Cần bộ tiêu chí liên quan đến quản trị doanh nghiệp nhà nước, với nguyên tắc minh bạch, công khai.
Doanh nghiệp nhà nước trong lằn ranh thúc thủ và bứt tốc - Bài 2: Ngoài đất, doanh nghiệp nhà nước có gì?
Không ai có thể nghĩ, doanh nghiệp nhà nước lại có lúc rơi vào tình thế khó lớn, nói đúng ra là không thể lớn thêm. Sẽ không có quyết định hành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư