Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nghiệp sản xuất ô tô mong được gia hạn nộp thuế và giảm phí trước bạ
Thanh Hương - 04/08/2021 08:37
 
Gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đến hết năm 2021 và giảm lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước được các doanh nghiệp kiến nghị khi dịch bệnh diễn biến nặng nề.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ông Lê Trí Thanh đã có công văn gửi tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ Tài chính, Công thương đề nghị một số giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 hiện nay.

Hai giải pháp ngắn hạn được tỉnh Quảng Nam đề xuất là cho phép tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước đến hết năm 2021 như đã áp dụng trong năm 2020 theo Nghị định 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020.

Giải pháp thứ hai là cho phép tiếp tục giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước thêm một khoảng thời gian phù hợp như đã áp dụng trong năm 2020 theo Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020.

Sản xuất ô tô tại Khu kinh tể mở Chu Lai
Sản xuất ô tô tại Khu kinh tể mở Chu Lai
Báo cáo của Tổng Cục Thuế (Bộ tài chính) cho biết, quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 đến 31/12/2020 đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, từ giữa tháng 5/2021 trở lại đây, đại dịch Covid-19 tiếp tục lây lan rộng và đang diễn biến hết sức phức tạp tại hầu hết các tỉnh thành trọng điểm trên cả nước, trong đó có nhiều tỉnh thành là nơi tiêu thụ ô tô lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng… đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô nói chung, đặc biệt là sản xuất lắp ráp xe chở người từ 09 chỗ trở xuống, xe bus và mini bus.

Nhiều nhà máy phải đóng cửa, tạm dừng sản xuất, bố trí lao động nghỉ luân phiên, trong đó có các công ty, nhà máy thuộc Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải - THACO đóng trên địa bàn Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, mức độ ảnh hưởng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn do chưa dự báo được thời điểm kiểm soát được dịch bệnh trên thế giới cũng như tại Việt Nam, trong khi đó, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước quy định tại Nghị định 109/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021.

Để giảm áp lực nộp thuế, tạo nguồn vốn và khôi phục sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19; sau khi xem xét đề nghị của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải và đề nghị của Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ 2 chính sách, giải pháp trong ngắn hạn như nói trên.

Cũng đề nghị hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước có cơ hội vượt khó trước thách thức của đại dịch, Công ty TC MOTOR cũng đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép tái áp dụng chính sách về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ tới ít nhất hết năm 2021.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc TC MOTOR cho hay, việc tiếp tục hỗ trợ như đề xuất sẽ tác động trực tiếp tới thu ngân sách Nhà nước, nhất là trong bối cảnh thu ngân sách Nhà nước vẫn đang bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch bệnh nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, việc giảm lệ phí trước bạ không những không làm giảm số thu ngân sách, ngược lại còn tăng số thu thuế, phí thu được nhờ tăng trưởng doanh số bán xe mang lại.

Nhận định này được ông Đức dẫn chứng bằng báo cáo của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính). Theo đó, quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 28/6 đến 31/12/2020 đã giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng.

Trong khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước phải đối mặt với khó khăn do dịch bệnh thì sản lượng nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc lại tăng trưởng đột biến.

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, cộng dồn 06 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc đã tăng 99,6% về lượng và tăng đến 102,5% về giá trị.

Nếu so sánh số liệu tháng 6/2021 với cùng kỳ năm ngoái, thì tăng trưởng lên tới 324,9% về lượng và tăng 265,1% về giá trị.

Số liệu của TC MOTOR cho thấy, năm 2020, tỉ trọng xe nhập khẩu nguyên chiếc đã lên tới 41% trong nửa đầu năm, đạt mức tăng cao nhất trong vòng 05 năm trở lại đây, đe dọa mất cân bằng tương quan với sản xuất nội địa.

Tuy vậy, nhờ Nghị định 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành kịp thời với việc giảm lệ phí trước bạ 50% cho xe sản xuất lắp ráp trong nước mà chỉ tính riêng từ ngày 28/06/2020 tới hết 31/12/2020, tỉ trọng xe ô tô nhập khẩu đã giảm về mức 27%, đảm bảo tương quan tỉ trọng. Sang tới nửa đầu 2021, tỉ lệ này đã tăng lên 34%
VinFast chung tay phát triển công nghiệp ô tô toàn cầu
Theo tờ Motoring (Australia), VinFast dự kiến đưa Trung tâm thử nghiệm ô tô tại Australia đi vào hoạt động vào tháng 10/2020.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư