Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Doanh nghiệp Việt: Thiệt vì chưa hiểu rõ “luật chơi” CPTPP
Hồng Sơn - 24/04/2019 09:02
 
Ngay sau khi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, bên cạnh những doanh nghiệp được hưởng lợi, vẫn còn nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng do chưa hiểu rõ luật chơi.
TIN LIÊN QUAN
.
.

Dễ bị đối tác làm khó

Theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi bước ra thương trường quốc tế rất chủ quan trong khâu soạn thảo, giao kết hợp đồng và không nhận thức rõ về các vấn đề như bản chất hàng hóa, nhãn hiệu, nhượng quyền, sở hữu trí tuệ... Điều này khiến doanh nghiệp Việt dễ gặp bất lợi trước đối tác nước ngoài và bị thiệt hại nặng.

Luật sư Lê Nết (Công ty Luật LNT & Partners) nêu một câu chuyện điển hình về rắc rối liên quan đến sở hữu trí tuệ. Đó là trường hợp của một doanh nghiệp cà phê đình đám từng đăng ký sở hữu trí tuệ nhãn hiệu cà phê chồn ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong quá trình tìm kiếm đối tác phân phối cà phê tại thị trường Hoa Kỳ, doanh nghiệp lại không tiến hành các thủ tục này ở thị trường mới và đã vướng vào vụ kiện thương mại liên quan đến sở hữu trí tuệ với đối tác. Kết quả là, doanh nghiệp phải mất hàng trăm ngàn USD và tốn rất nhiều thời gian, công sức mới lấy lại được nhãn hiệu của mình.

Cũng theo ông Lê Nết, do không chuẩn bị pháp lý từ trước, nhiều lô hàng của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất đi, đã bị phía đối tác nước ngoài lấy lý do không đạt chất lượng nên không thanh toán. Đối mặt với sự việc này, phía doanh nghiệp Việt xét thấy chi phí dành cho kiện tụng quá cao nên chán nản và từ bỏ vụ kiện, chấp nhận thiệt hại. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có bộ phận pháp lý hỗ trợ, lại muốn tiết kiệm thời gian nghiên cứu, nên họ soạn thảo điều khoản hợp đồng lỏng lẻo, dễ bị đối tác giải thích theo hướng bất lợi khi xảy ra tranh chấp.

Trong khi đó, ông Trần Xuân Chi Anh, đại diện Công ty Luật Rajah & Tann LCT lại nêu chi tiết về rủi ro mà doanh nghiệp Việt Nam thường gặp trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng kinh doanh quốc tế. Theo đó, thời gian qua, Việt Nam có mối giao thương thường xuyên với một số quốc gia như Singapore, Nhật Bản… Khi CPTPP có hiệu lực, mối quan hệ này càng chặt chẽ hơn, tỷ lệ xuất nhập khẩu hàng hóa cũng tăng dần.

“Việc xuất nhập khẩu được đẩy mạnh cũng đồng nghĩa với việc các sai sót, mâu thuẫn xảy ra ngày càng nhiều. Trong đó, ngành hàng được xác định thường phát sinh tranh chấp là các ngành chiếm tỷ trọng lớn như nông sản, gỗ, dệt may…”, ông Chi Anh nhìn nhận và nhấn mạnh, để giao kết các hợp đồng kinh doanh quốc tế an toàn, doanh nghiệp cần hết sức chú trọng đến việc nhận diện và phân loại các rủi ro nhằm tránh những tổn thất, thiệt hại.

Tìm giải pháp phù hợp

Thực tế cho thấy, ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, nhiều ngành hàng, doanh nghiệp Việt lập tức được hưởng lợi. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản trong quý I/2019 đạt 4,62 tỷ USD, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2018. Kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu sang Nhật Bản đều tăng trưởng và lý do được nhìn nhận là nhờ CPTPP. Theo đó, Nhật Bản lần đầu tiên cam kết xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho đại đa số hàng nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Doanh nghiệp nên hợp tác với giới luật sư
Theo luật sư Lê Nết, doanh nghiệp Việt Nam làm ăn ở quốc gia nào thì phải chú ý hệ thống pháp luật của quốc gia đó. Khi tham gia hoạt động kinh doanh quốc tế, rất khó bao quát hết toàn bộ điều khoản quy định trong nội dung của các hiệp định, công ước… Do đó, các doanh nghiệp nên tìm đến một luật sư có chuyên môn sâu về một lĩnh vực pháp lý để nhờ tư vấn.

Phân tích thêm về vấn đề này, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM cho biết, trong 11 nước thành viên CPTPP, Việt Nam đã ký kết FTA song phương với 7 nước, trong đó có 4 nước có kim ngạch xuất nhập khẩu song phương với Việt Nam tương đối cao, đạt gần 7 tỷ USD. Với các nước chưa ký kết FTA song phương như Canada hay Mexico…, kim ngạch xuất khẩu cũng tương đối khá, lần lượt là 4,6 tỷ USD và 3,4 tỷ USD trong năm 2018. Tuy nhiên, với các thị trường này, xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm từ 1% đến hơn 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu trên toàn thế giới của mỗi nước.

“Với CPTPP, các nước sẽ tăng cường mở rộng hợp tác kinh doanh trên cơ sở tận dụng các ưu đãi, đặc biệt là ưu đãi lớn về thuế”, ông Hòa dự báo và cho rằng, doanh nghiệp Việt cần cẩn trọng hơn khi đàm phán, thiết lập hợp đồng, hạn chế tối đa rủi ro về pháp lý và tìm ra phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất.

Từ thực tiễn giải quyết các tranh chấp, ông Châu Việt Bắc, Phó tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ với các doanh nghiệp nhiều cách thức hữu ích về soạn thảo hợp đồng. Thông qua việc chỉ ra các mặt đối lập của doanh nghiệp Việt và đối tác trong việc soạn thảo hợp đồng, ông đã giúp doanh nghiệp trang bị nhiều kiến thức hơn với các “cạm bẫy” xuất phát từ giao kết các bên; chủ động phòng tránh và tận dụng được quyền lợi của mình…

“Với những tranh chấp phát sinh, trọng tài thương mại sẽ là phương thức hiệu quả giúp doanh nghiệp hạn chế tối đa những tổn thất, thiệt hại có thể xảy ra khi giao dịch với đối tác”, ông Bắc nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư