Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 09 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Hồ Minh Hoàng, CEO Tập đoàn Đèo Cả: Vượt khó như một lẽ sống
Lê Quân - 06/11/2022 11:37
 
Ông Hồ Minh Hoàng quan niệm, những việc thông thường mà nhiều doanh nghiệp làm được, thì khó đến lượt mình.
doanh nhân Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả
Doanh nhân Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả

Với tinh thần “Nghĩ khác biệt, tạo cách biệt”, ông cùng đội ngũ không ngại những công trình, dự án thách thức, mà dồn sức lực, tâm huyết để chinh phục, khẳng định năng lực và bản lĩnh của nhà đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam.

Coi thành công là áp lực

Sau khi Bộ Giao thông - Vận tải phát động 120 ngày “nước rút” thông xe 4 dự án cao tốc vào cuối năm 2022, những ngày này, ông Hồ Minh Hoàng tất bật đi kiểm tra, đôn đốc để đưa dự án về đích đúng tiến độ.

Dù rất bận rộn, ông vẫn dành thời gian để trò chuyện với chúng tôi. Người đứng đầu Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư hạ tầng giao thông hàng đầu Việt Nam ở thời điểm hiện tại gây ấn tượng đặc biệt với người đối diện bằng sự thân thiện, gần gũi.

Vị doanh nhân thế hệ 7x chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn khi thực hiện Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả (Phú Yên). Nói về ý tưởng làm đường hầm xuyên Đèo Cả, ông Hoàng cho biết, chứng kiến nhiều tai nạn thảm khốc trên Đèo Cả, ông có thêm động lực để thực hiện dự án, dù biết sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, từ vấn đề kỹ thuật, đến việc đảm bảo độ an toàn cũng như thu xếp nguồn vốn. Ban đầu, Dự án có tổng mức đầu tư khái toán là 1 tỷ USD, nhưng trong quá trình thực hiện đã được tiết giảm, chỉ còn khoảng 600 triệu USD.

Không chỉ xuất sắc trong điều hành công việc, ông Hồ Minh Hoàng còn rất yêu ca hát và thích làm thơ. Ông đã sáng tác bài hát “Lặng lẽ” để tri ân các vị cố vấn cấp cao của Tập đoàn, tri ân những con người đã đóng góp sức lực và trí tuệ cho sự phát triển của Đèo Cả.

 Chủ tịch HĐQT Đèo Cả cũng rất coi trọng tinh thần khuyến học. Ông đã “treo giải thưởng” 1 tỷ đồng cho mỗi nghiên cứu sinh ở cấp chiến lược của Tập đoàn khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, đáp ứng yêu cầu gắn liền với ứng dụng thực tế hoạt động của Tập đoàn.

Tập đoàn Đèo Cả hiện có hơn 50 cán bộ cấp quản lý đang theo học chương trình Thạc sĩ Điều hành cao cấp - Executive MBA - tại Trường đại học Kinh tế Quốc dân trên giáo trình đúc kết thực tiễn thành lý thuyết. Các môn học tổ chức hành vi, quản trị tài chính, thị trường chứng khoán… đều đưa ra các tính huống điển hình mà Đèo Cả đã thành công trong thực tiễn hoạt động.

“Từ chỗ bị cho là điên rồ, Tập đoàn Đèo Cả với cách làm khác biệt đã thực hiện thành công Dự án, bồi đắp niềm tin cho chính chúng tôi, cho cơ quan nhà nước, cho người dân để tiếp tục triển khai những dự án khó khác”, ông Hoàng tâm sự.

Thành công với hàng loạt dự án hầm đường bộ có vốn đầu tư ngàn tỷ đồng, giờ đây, ông Hồ Minh Hoàng không còn xa lạ trong giới doanh nhân, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông.

Được mệnh danh là “vua đào hầm”, nhưng ông thành thật chia sẻ, mình không có nhiều thời gian để nghĩ về danh xưng này. “Nếu là một cái tên để ghi nhận, thì điều đó thể hiện niềm tin của mọi người dành cho tôi và Đèo Cả. Chúng tôi coi đó như một áp lực cho chính mình, phải luôn tốt hơn từng ngày, phải luôn đi trên mặt đất, không ngủ quên trên chiến thắng”, ông Hoàng nói.

Dấu ấn từ tư duy khác biệt

Thời điểm hiện tại, Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai thi công rất nhiều dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia thuộc Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, như đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Nghi Sơn - Diễn Châu, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cam Lộ - La Sơn…

Có thể nói, những thành công của Tập đoàn Đèo Cả đều gắn liền với dấu ấn của Chủ tịch HĐQT.

Đích thân ông Hồ Minh Hoàng đã chọn slogan cho Tập đoàn Đèo Cả: “Nghĩ khác biệt, tạo cách biệt”. Ông lý giải, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu không có tư duy khác biệt, thì sẽ không dám làm, và nếu không tạo ra sự cách biệt, thì không cạnh tranh được.

Điều khác biệt này được Chủ tịch HĐQT Đèo Cả minh chứng bằng việc xây dựng thành công các dự án hầm đường bộ Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân. Đây là những sản phẩm “made in Việt Nam”, được thực hiện bởi chính các kỹ sư người Việt mà ông Hồ Minh Hoàng là người tiên phong.

Sau khi hoàn thành các công trình hầm xuyên núi, ông Hoàng cùng cộng sự tham gia xây dựng nhiều dự án đường bộ cao tốc từ Bắc vào Nam. Trong đó, phải kể đến vụ “giải cứu” 2 dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận sau nhiều năm ngưng trệ. Được người dân và Chính phủ đặt nhiều kỳ vọng, nhưng khi đó, cả hai dự án này đều lâm vào cảnh “đắp chiếu” do nhà đầu tư cũ không đủ năng lực thực hiện.

Nhắc lại chuyện này, ông Hoàng chia sẻ, một trong những lý do quan trọng khiến ông và cộng sự quyết định “giải cứu” cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn là những giọt nước mắt của nhiều nhà đầu tư trong liên danh cũ. Thậm chí khi đó, có nhà đầu tư đã nói: “Nếu dự án phá sản, tôi chỉ còn cách là phải tự tử”… Còn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là mong ước của hơn 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long, thời điểm đó, công trình đã lỡ hẹn 1 thập kỷ. 

“Tôi nghĩ, việc thông thường mà nhiều doanh nghiệp làm được, thì khó đến lượt mình. Với sứ mệnh luôn nỗ lực vì cuộc sống an toàn cho người dân và đất nước Việt Nam, chúng tôi đã dấn thân, dồn sức lực, tâm huyết bằng mọi giá phải hoàn thành 2 dự án này”, ông Hồ Minh Hoàng nói.

Việc chinh phục được 2 dự án cao tốc “khó nhằn” này một lần nữa khẳng định năng lực, kinh nghiệm và nền tảng tài chính vững chắc của Tập đoàn Đèo Cả, thể hiện sự đột phá trong mô hình quản trị điều hành của doanh nghiệp và trở thành lời giải mẫu cho những bài toán khó về đầu tư hạ tầng giao thông mà các địa phương đang gặp phải.

Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Đèo Cả (hàng trên, thứ nhất  từ phải sang) tặng quà động viên cán bộ, nhân viên nỗ lực  hoàn thành Dự án đúng tiến độ
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Đèo Cả (hàng trên, thứ nhất từ phải sang) tặng quà động viên cán bộ, nhân viên nỗ lực hoàn thành dự án đúng tiến độ.

Thành công với mô hình “Tam quản”

Ông Hồ Minh Hoàng không nhắc đến tên mình trong những thành công của Tập đoàn Đèo Cả, mà luôn nhấn mạnh, ở Đèo Cả có sự kết hợp giữa Hội đồng Cố vấn giàu kinh nghiệm, đa lĩnh vực với sự trẻ trung, nhiệt huyết của các cấp lãnh đạo điều hành, đội ngũ cán bộ, người lao động lành nghề. Cùng với đó, là nền tảng văn hóa doanh nghiệp khác biệt và mô hình quản trị tối ưu.

Mô hình quản trị được Đèo Cả áp dụng rất thành công là “Tam quản”: Quản người - Quản việc - Quản lợi nhuận, cùng với việc tuân thủ chiến lược tăng trưởng tập trung, không làm dàn trải.

Theo đó, doanh nghiệp xác định rõ các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thực hiện. Mục tiêu ngắn hạn là tập trung sản xuất, thi công để tạo ra giá trị tích lũy, tạo nguồn lực để phát triển. Mục tiêu trung hạn là kiểm soát hoạt động thu phí, tối ưu chi phí quản lý, khai thác, vận hành công trình đường, hầm… để tạo ra giá trị thặng dư ổn định, đảm bảo duy trì các hoạt động thường xuyên không bị gián đoạn. Mục tiêu dài hạn bao gồm phát triển các dự án mới nhằm gia tăng giá trị cho Tập đoàn.

Tập đoàn Đèo Cả luôn đề cao tính chủ động: chủ động về nhân sự, sẵn sàng thay thế và hỗ trợ nhau, tuyển dụng và đào tạo lớp nhân sự kế cận; chủ động về nguồn vật liệu để đối mặt với biến động giá và khan hiếm nguyên vật liệu.

Dưới sự chèo lái của thuyền trưởng Hồ Minh Hoàng, Tập đoàn Đèo Cả đang triển khai một loạt gói thầu, dự án tại tuyến cao tốc Bắc - Nam như đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, hầm Thung Thi, hầm Trường Vinh, cầu Hải Giang…, đảm bảo tiến độ và chất lượng. Tập đoàn cũng đang tiếp tục cùng với các địa phương đề xuất đầu tư, triển khai các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) như tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Tân Phú - Bảo Lộc, Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn II… Với các dự án đã đưa vào khai thác cũng như tiếp tục thi công, Tập đoàn Đèo Cả đang từng bước hiện thực hóa khát vọng của người dân về những con đường cao tốc mang lại giá trị cho phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, ông Hồ Minh Hoàng và đội ngũ Đèo Cả đang tích cực chuẩn bị và đào tạo nguồn lực, đầu tư máy móc, thiết bị, kết nối với các đối tác doanh nghiệp Việt để sẵn sàng cùng Chính phủ hiện thực hóa mục tiêu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhìn vào khối lượng công việc mà Đèo cả đang và sẽ triển khai, càng thấy rõ quyết tâm và nội lực của Tập đoàn.

“Vượt khó như một lẽ sống, cùng với khát vọng cống hiến, quyết tâm cháy bỏng, những người Đèo Cả sẵn sàng đối diện và vượt qua những thử thách mới”, ông Hồ Minh Hoàng khẳng định.

Hồ Minh Hoàng: CEO của những công trường
Nhiệt huyết, khoa học, nói đi đôi với làm là phong cách của vị Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả Hồ Minh Hoàng. Với ông, chỉ có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư