Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Doanh nhân Lê Thị Bình, Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình: Kinh doanh bằng “tâm”, chinh phục bằng “tầm”
Dương Ngân - 12/12/2021 08:18
 
Luôn đặt chữ “Tâm” ở vị trí hàng đầu trong kinh doanh và mục tiêu tối thượng là sức khỏe của người dân, doanh nhân Lê Thị Bình rất khắt khe trong việc kiểm soát nguồn dược liệu.
Ảnh minh họa
Doanh nhân Lê Thị Bình, Tổng giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình.

Có công nghệ gì mới, phải “săn” cho bằng được

Từ nhỏ, chứng kiến bà và mẹ bốc thuốc cứu người, lòng thương cảm với người bệnh, với nỗi đau mà họ đang phải chịu luôn đè nặng trong lòng Lê Thị Bình. Lòng đam mê với các bài thuốc cổ truyền dân tộc đã thôi thúc cô gái quê Thanh Hóa học hành chăm chỉ và thi đỗ vào Đại học Dược Hà Nội để rồi từ đây thực hiện khát khao làm ra nhiều loại thuốc chữa lành những đau đớn của người bệnh.

Với dược sỹ Lê Thị Bình, được làm việc, được sống, được cảm nhận các hương vị thuốc Việt là niềm vui, hạnh phúc không phải ai cũng có được. Do vậy, bà luôn thấy mình may mắn vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề y.

Năm 2010, sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, bà thành lập Công ty Dược phẩm Tâm Bình - đứa con tinh thần mà bà gửi gắm nhiều khát khao. Để hiện thực hóa ước mơ người dân có thể sử dụng thuốc chất lượng, bà luôn nghiêm khắc, tỉ mỉ, cẩn trọng trong tất cả các khâu của quá trình sản xuất, từ lựa chọn nguyên liệu tới chế biến, kinh doanh, phân phối sản phẩm, tuyệt đối không dùng bất kỳ một chiêu trò nào.

Trao đổi nhanh với doanh nhân Lê Thị Bình

Theo bà, điều gì làm nên thành công của Dược phẩm Tâm Bình hôm nay?
Tâm Bình thành công bởi 2 yếu tố: các sản phẩm chất lượng, hiệu quả và giá cả hợp lý; cách truyền thông độc đáo, ấn tượng.

Mỗi sản phẩm của Tâm Bình đều gắn với những câu thơ rất giản dị, gần gũi với người Việt Nam. Từ đâu Tâm Bình lại hướng về cách truyền thông này?
Tôi là một người rất yêu thơ, nhất là thơ lục bát và tôi gửi gắm tình yêu của mình qua các sản phẩm chủ lực của Tâm Bình.

Thị trường dược phẩm của Việt Nam hiện rất đa dạng. Theo bà, các sản phẩm của Tâm Bình có ưu thế gì so với các sản phẩm khác?
Ưu thế lớn nhất của Tâm Bình chính là giá cả phù hợp với số đông người Việt Nam, song vẫn đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, chuyện khởi nghiệp của nữ doanh nhân Lê Thị Bình cũng gặp những khó khăn nhất định. Khi ấy, thương hiệu Tâm Bình hoàn toàn mới, nên sản phẩm không có người mua, ký gửi nhà thuốc cũng không nhận. Song trái tim nhiệt huyết được bồi đắp từ tình yêu với các bài thuốc Việt đã tiếp lửa cho bà trong cuộc chiến khốc liệt chốn thương trường.

Giai đoạn đầu, khi người tiêu dùng có phần hoài nghi về chất lượng của các sản phẩm nội, bà đã lựa chọn hướng đi riêng. Đó là khai thác thế mạnh của dược liệu có sẵn, kế thừa những bài thuốc cổ phương có từ lâu đời, vận dụng phương thức sản xuất hiện đại, tiên tiến để cho ra đời các dòng sản phẩm chất lượng.

“Chính vì chú trọng chất lượng, nên ngay từ những ngày đầu thành lập, Tâm Bình đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế (GMP- WHO) đặt tại Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội. Đặc biệt, Tâm Bình đã đầu tư công nghệ sản xuất vỉ thuốc khác biệt. Thay vì vỉ 10 viên truyền thống, Tâm Bình sử dụng công nghệ sản xuất vỉ 12 viên, vừa tạo được vị thế độc quyền, vừa tăng quyền lợi cho người tiêu dùng”, bà cho biết.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng sản phẩm, hội nhập quốc tế, Tâm Bình đang tiến hành thay đổi công nghệ sản xuất từ viên nang sang viên nén. Tương lai, kỳ vọng mà Tâm Bình hướng tới không chỉ là các sản phẩm “Nam dược trị nam nhân” mà sẽ vươn ra thế giới, khẳng định vị thế của doanh nghiệp dược Việt.

Trong số hàng trăm doanh nghiệp dược lớn nhỏ đang hoạt động trên thị trường hiện nay, tiếng vang mà Dược phẩm Tâm Bình đạt được khiến giới chuyên môn nể phục. Song doanh nhân Lê Thị Bình quan niệm, không ai có thể đứng mãi trên đỉnh vinh quang nếu không có sự đổi mới. Do vậy, bà cùng các cộng sự không ngừng kiếm tìm các giải pháp công nghệ hiện đại để áp dụng vào sản xuất.

“Cứ có công nghệ gì mới là tôi phải “săn” bằng được, dù có phải một mình lặn lội kiếm tìm khắp nơi, dù phải mất nhiều thời gian và tiền bạc. Tôi quan niệm, công nghệ mới sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng quyền lợi cho người tiêu dùng”, bà tâm sự.

Làm ăn chân chính sẽ bền lâu

Theo CEO Lê Thị Bình, trong suốt hơn 10 năm chèo lái con thuyền Tâm Bình, bà luôn gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, nhiều trong số đó có sự cạnh tranh không lành mạnh, song bà vẫn giữ vững niềm tin rằng, làm ăn chân chính sẽ bền lâu.

Dù bận rộn thế nào, bà Bình cũng dành thời gian tới nhà máy để tham gia các công đoạn sản xuất, bào chế thuốc, kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất cho tới khi ra thành phẩm. Bản thân bà cũng là nhà sáng chế ra chiếc máy bóc vỏ mãn tiền, tiết kiệm nhiều thời gian và công sức cho công nhân.

Với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường dược phẩm như hiện nay, để tồn tại, bất cứ công ty nào cũng muốn nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. “Lời giải với Tâm Bình là mô hình sản xuất khép kín, chuẩn hóa đầu vào dược liệu, sản xuất trên dây chuyền hiện đại, tự làm truyền thông về sản phẩm, trực tiếp phân phối các mặt hàng cho các đại lý, nhà thuốc nên kiểm soát chặt chẽ được giá bán sản phẩm”, bà cho biết.

Gia đình luôn là ưu tiên lớn

Dù công việc chiếm phần lớn quỹ thời gian, nhưng chưa khi nào bà lơ là nghĩa vụ của người vợ, người mẹ. Bà vẫn dành thời gian dạy dỗ con cái, nấu các món ăn ngon cho gia đình, làm những việc “nữ công gia chánh” như đơm cho con chiếc cúc áo, khâu lại cho chồng tà áo sứt chỉ hay tự thiết kế để may những bộ quần áo giản đơn cho bản thân và các thành viên trong gia đình.

Trong câu chuyện của mình, nữ doanh nhân không giấu được ánh mắt rạng ngời hạnh phúc, xen lẫn tự hào khi trong công việc và cuộc sống, bà luôn được chồng ủng hộ hết lòng. Với các con, nhờ bàn tay chăm sóc tận tâm, song cũng có phần nghiêm khắc của bà, nên cả hai đã trưởng thành và đang dần từng bước nối nghiệp gia đình.

Được biết, con trai lớn của bà đã tốt nghiệp thạc sỹ dược học tại Anh và đang làm giảng viên Đại học Dược Hà Nội. Và để rèn luyện con, bà yêu cầu con trai về làm việc tại Tâm Bình với tư cách là người học việc, thực hiện những công việc nhỏ nhất để hiểu về nghề. Con gái thứ hai của bà cũng xuất sắc được nhận học bổng học du học ngành dược tại Anh để nối nghiệp mẹ làm thuốc cứu người.

Bà quan niệm, con cái sẽ chịu ảnh hưởng lớn từ nền tảng giáo dục gia đình và cách ứng xử của cha mẹ với cuộc sống. Vậy nên, trong nhiều năm qua, bà luôn nỗ lực ở mức cao nhất làm gương cho các con để hai con luôn cảm thấy tự hào về gia đình.

Cùng với đó, Tâm Bình không ngừng nâng cao trình độ quản lý của cán bộ và tay nghề của công nhân; đổi mới trang thiết bị, công nghệ máy móc nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm. Hiểu được tầm quan trọng của truyền thông và giá trị thương hiệu, Tâm Bình đã đầu tư nghiên cứu một cách bài bản lĩnh vực này để chuyển tải tới người dùng những thông điệp dễ nhớ và bao hàm đầy đủ ý nghĩa gắn với từng sản phẩm.

Song song với các hoạt động đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, Tâm Bình rất chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp bằng việc quan tâm, chăm lo tới đời sống của người lao động. Những chuyến thăm quan du lịch, những món quà, phần thưởng cuối năm, những cuộc giao lưu văn nghệ, thể thao trong những dịp lễ tết, ngày thành lập Công ty đã tạo không khí vui vẻ, thoải mái để các thành viên cảm thấy gắn bó, đoàn kết, coi doanh nghiệp như một đại gia đình để cùng nhau cố gắng.

Bên cạnh đó, Tâm Bình cũng chú trọng việc đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ, nhân viên bằng các lớp học chuyên sâu về kỹ năng quản lý - bán hàng chuyên nghiệp, tạo động lực và đổi mới tư duy làm việc, để mỗi thành viên hiểu được vai trò của mình trong sự vận hành chung của bộ máy, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp.

Ngoài hoạt động chuyên môn, Tâm Bình thường xuyên tổ chức các đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho các gia đình chính sách, người cao tuổi, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, tặng áo ấm, trao học bổng cho các học sinh, tích cực ủng hộ phong trào đền ơn đáp nghĩa, hiến máu nhân đạo...

“Tôi thấy mình là một người phụ nữ may mắn khi đã được nhận rất nhiều trái ngọt từ cuộc sống và công việc. Mong ước duy nhất của tôi lúc này là có đủ sức khỏe để chèo lái con thuyền Tâm Bình vươn xa, không chỉ trở thành một trong những thương hiệu Đông dược hàng đầu Việt Nam, mà còn vươn ra thế giới, khẳng định vị thế của doanh nghiệp dược Việt”, bà chia sẻ.

Doanh nhân Trần Túc Mã: Trong khủng hoảng, thành công phụ thuộc vào tốc độ thay đổi
Dù giai đoạn khó khăn vẫn chưa thể dự báo rõ điểm kết thúc, doanh nhân Trần Túc Mã, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Traphaco vẫn nhìn thấy cơ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư