Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
Doanh nhân thời 4.0
Khánh Hoa - 15/10/2017 10:47
 
Những tấm băng rôn tự kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ mình được nhiều doanh nghiệp Việt Nam chăng lên đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2017).

Có quá nhiều tâm trạng trái ngược. Người ủng hộ, người không, nhưng nổi lên câu hỏi, chẳng lẽ doanh nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác để tìm kiếm sự đồng hành của người tiêu dùng Việt Nam? Doanh nhân điều hành các hãng taxi truyền thống, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đang nghĩ gì về dư luận xã hội mà họ đang tạo ra?

Cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang nghĩ gì?

.
Thị trường bán lẻ xăng dầu đã được mở cửa cho các doanh nghiệp ngoại, để giữ chân người tiêu dùng doanh nghiệp nội không thể chỉ trông chờ vào... khẩu hiệu, biểu ngữ

Rõ ràng, công nghệ đang thay đổi mọi trật tự xã hội, phân chia lại ngành nghề, lao động, giá trị... Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thực sự đã vào vòng xoáy của cuộc cạnh tranh không giới hạn cả về ranh giới địa lý lẫn công cụ, phương pháp và quan trọng là không giới hạn về tư duy kinh doanh...

Trong cuộc cạnh tranh này, quy mô, thương hiệu và  thậm chí là kinh nghiệm lâu đời cũng không còn là quyền lực vô đối như chúng đã từng nắm giữ.         

Nhiều doanh nhân kỳ cựu đã nhận ra sự thay đổi của thời thế, xác định cốt lõi của thành công, thành danh trong kinh doanh là phải thay đổi chính mình, tạo những giá trị để được người tiêu dùng, được thị trường thời công nghệ 4.0 lựa chọn.

Nhiều doanh nhân đã chấp nhận bước ra khỏi vòng hào quang, chấp nhận thử thách mới, bắt đầu cuộc chinh phục mới với thị trường, với người tiêu dùng thế hệ mới.

Nhiều doanh nhân đã quyết định khởi nghiệp lần 2, trong thế giới của công nghệ 4.0, với một sự thức tỉnh và làm mới, định hình lại đường đi và cách làm.

Trước đó, Taxi Mai Linh từng tuyên bố sẽ kiện Grab và Uber vì đã làm ảnh hưởng đến vận mệnh của các hãng taxi truyền thống. Tuy nhiên, Mai Linh đã thay đổi bởi theo ông Hồ Huy, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, cốt lõi là phải thay đổi chính mình. Mai Linh đã dành nguồn lực đầu tư công nghệ, thay đổi hệ thống quản trị, áp dụng tổng đài thông minh thay thế cho nhân viên thủ công, giảm đến 50% nhân lực nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nhưng phải thẳng thắn, thay đổi thực sự là bài toán khó, thậm chí là rất khó với nhiều doanh nghiệp lão làng, doanh nghiệp quy mô lớn, trong những ngành, lĩnh vực kinh doanh then chốt của nền kinh tế.

Sự thay đổi càng khó khăn hơn khi môi trường kinh doanh với những cơ chế, chính sách còn đậm chất “đặc thù”; với hàng rào điều kiện kinh doanh vốn chỉ làm khó cho những doanh nghiệp mới, những doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Sự thay đổi cũng vô cùng khó khăn khi cơ chế, chính sách chưa thực sự nâng đỡ, bao bọc những ý tưởng kinh doanh mới, những cách làm ăn chưa có tiền lệ, những tư tưởng kinh doanh phi truyền thống. Trong không ít trường hợp, những tiền lệ cũ, tư duy quản lý cũ đã làm hao mòn tinh thần đổi mới, nhu cầu thay đổi để bắt kịp thời cuộc của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là dòng lũ dữ, sẽ quét sạch những vùng đất mà nó đi qua, nhưng lại có thể dự báo trước thời điểm xuất hiện. Cuộc cách mạng 4.0 đang len lỏi trong từng con người, từng doanh nghiệp, âm thầm, nhưng sẽ biến đổi tư duy của người tiêu dùng, của thị trường, của cơ chế, chính sách theo một cách rất khác.

Doanh nhân Việt Nam thời 4.0 không có cách nào khác, sẽ phải một lần nữa khởi nghiệp!

Doanh nhân Việt Nam cần cả hoa hồng và bánh mỳ
Sự ghi nhận cao nhất vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế chính là xóa bỏ sự khu biệt về thành phần kinh tế....
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư