Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Ô tô Trường Hải: Chấp nhận thay đổi để thành công
Thanh Hương - 18/02/2018 09:27
 
20 năm qua, Trường Hải đã rất nỗ lực để giúp nhiều người Việt Nam hiện thực hóa giấc mơ sở hữu ô tô. Nhưng cạnh tranh ngày càng khốc liệt, với Chủ tịch Trần Bá Dương, để thành công thì phải chấp nhận thay đổi.

“Khách hàng mua xe của Thaco là tin tưởng và chia sẻ với Thaco, giúp chúng tôi có sản lượng để tồn tại và phát triển, nên tôi thấy mình phải có sứ mệnh đền đáp và sẻ chia trước sự yêu mến này”.

Lời tâm sự chân thật của ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) có thể khiến nhiều người cho là hơi sến, nhưng những nỗ lực mà Trường Hải đã bỏ ra trong suốt 20 năm qua, giúp nhiều người Việt Nam nhanh chóng “bắt được” giấc mơ sở hữu ô tô thì không thể phủ nhận.

Không liên doanh, chỉ mua công nghệ

Việc Thaco dồn dập làm sự kiện trong thời điểm cuối năm 2017 - đầu năm 2018, khi mà nhiều tên tuổi ô tô nước ngoài khác đang chững lại để nghe ngóng thị trường, trước khi quyết định chuyển hướng hẳn sang nhập khẩu hay quay lại đầu tư cho sản xuất tại Việt Nam, đã cho thấy những sự khác biệt trong tầm nhìn dài hạn của ông Dương.

.
Doanh nhân Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Ô tô Trường Hải.

Trên thực tế, tầm nhìn ấy đã bắt đầu khi ông Dương chấp nhận rời Đồng Nai để ra Chu Lai, khởi đầu lại một hành trình khởi nghiệp hoàn toàn mới với ngành ô tô hồi năm 2001.

Sau 16 năm bền bỉ cùng sản xuất, năm 2017 đã đánh dấu bước ngoặt lớn với Thaco khi được hai tập đoàn ô tô lớn của thế giới là Dailmer và BMW cùng chọn để hiện thực hoá những kế hoạch kinh doanh của mình tại Việt Nam, mà không ngại ngần đang là đối thủ của nhau.

Trong mối lương duyên mới ở lần thứ 3 quay lại thị trường Việt Nam của BMW, Thaco không phải là doanh nghiệp đầu tiên được nhắm tới, bởi lúc này Thaco đang kinh doanh một loạt thương hiệu xe ô tô khác là Mazda, Peugeot và Kia. Tuy nhiên, khi có mặt ở Việt Nam để thị sát tìm hiểu, BMW đã bị hấp dẫn bởi cách làm của Thaco.

“Chúng tôi thuyết phục và BMW rất tâm đắc với việc khách hàng chỉ cần đến một nơi nhưng có thể ngắm được nhiều thương hiệu, để từ đó có thể so sánh, lựa chọn. Hiện chúng tôi đang triển khai mô hình kinh doanh showroom ô tô kết hợp với các trung tâm thương mại, giải trí, dịch vụ cao cấp, như vậy sẽ thu hút khách nhiều hơn. Hơn nữa, Thaco có cách để tạo ra sự khác biệt trong định vị của từng thương hiệu, kể cả về nhận diện thương hiệu, dịch vụ…”, ông Dương cho hay.

Không chỉ BMW lựa chọn Thaco, việc Tập đoàn Dailmer chọn Thaco để “gửi gắm” Fuso thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ và phân phối sản phẩm cũng là ví dụ sinh động khác về tầm và thế của Thaco. Trước đó, Fuso được các doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản và Đức chăm sóc nhưng vẫn èo uột.

Phương châm “ai làm tốt thì giao việc” cũng đã được áp dụng rất nhuần nhuyễn trong hoạt động của Trường Hải bấy lâu nay. Bởi vậy, khi những thương hiệu lớn tìm đến để hợp tác cũng không làm khó được ông Dương.

Tư duy của nhiều người Việt Nam là khi liên doanh, cứ để nước ngoài làm hết cho… khoẻ, chỉ cần chia lời cho mình hưởng. Điều này không đúng, bởi không ai đi làm để người khác hưởng lợi.

Bắt tay với các thương hiệu lớn, có tên tuổi lâu đời trong ngành công nghiệp ô tô thế giới cũng được ông Dương xem là một cơ hội để bộ máy hiện có của mình học hỏi và trưởng thành hơn.

“Làm việc với những đối tác đòi hỏi khắt khe, mình học thêm được rất nhiều điều, từ đó rút kinh nghiệm để áp dụng xử lý công việc bấy lâu, nâng cao trình độ và phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn”. Ông Dương vẫn thường nói thế với nhân viên, để động viên họ cố gắng, khi BMW yêu cầu Thaco có bộ máy riêng cho thương hiệu này, thay vì chung “một mối” cho các thương hiệu đang làm.

Hiểu rằng thị trường Việt Nam vẫn còn nhỏ bé, nên kết quả kinh doanh tại Việt Nam không tốt cũng không ảnh hưởng nhiều tới đối tác lớn nước ngoài ở quy mô toàn cầu, nhưng lại có thể khiến mình khốn đốn, ông Dương đã chọn con đường riêng cho mình. Làm sao để phía Việt Nam tham gia nhiều hơn và phát huy được tính sáng tạo khi làm ăn cùng đối tác lớn.

“Tư duy của nhiều người Việt Nam là khi liên doanh, cứ để nước ngoài làm hết cho… khoẻ, chỉ cần chia lời cho mình hưởng. Điều này không đúng, bởi không ai đi làm để người khác hưởng lợi. Trong khi đó, cái mình cần là công nghệ và kỹ thuật của đối tác. Bởi vậy, đến giờ này, tôi chưa liên doanh mà chỉ ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, nếu có cam kết liên doanh thì cũng sẽ nắm cổ phần chi phối”, ông Dương chia sẻ.

Nói về những thành quả ngày hôm nay, vị thuyền trưởng của Thaco cho rằng, đó là nhờ “không ngại chấp nhận sự thay đổi” và “luôn nỗ lực tìm lối ra để tồn tại và phát triển”.

Không thích loay hoay chỉ “mình” với “ta”

Không đi theo mô hình công ty gia đình, ngay từ đầu, Trường Hải đã được định hình là công ty cổ phần, nhằm tập hợp được trí tuệ của nhiều người. Ngay cả việc bán bớt cổ phần cho đối tác nước ngoài cách đây nhiều năm cũng là một tầm nhìn khác của ông Dương, với mong muốn học hỏi thêm phong cách quản trị hiện đại, thay vì chỉ loay hoay “mình” với “ta”.

Góc nhìn của doanh nhân Trần Bá Dương

Việt Nam hay mặc định, con mình có thể không tốt nhưng vì là con nên phải cho nó làm. Tôi lại tư duy, con mình mà làm không tốt thì đừng làm, để người ngoài làm, không nói nhiều.

Từ năm 2018, cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau. Sản xuất ô tô của Việt Nam sẽ phải đối mặt với cạnh tranh từ Thái Lan và Indonesia, nhưng nếu mình tìm kiếm đúng đối tác, có chiến lược đúng và có quyết tâm thì vẫn tồn tại và phát triển được.

Tôi học đức tính phụ nữ, biết chấp nhận, từ chối, thậm chí từ bỏ nếu thấy không đúng. Có những đối tác đã làm cùng nhau nhiều năm và có một giai đoạn rất khẩn trương nhưng cuối cùng phải từ chối, từ bỏ vì thấy hợp tác vậy không làm được như kỳ vọng, không mang lại điều tốt cho đất nước.

Người Việt Nam khá sành điệu, không xem xe là phương tiện mà là sự hưởng thụ cuộc sống, nên Thaco không thiên về xe nhỏ, rẻ tiền.

Từ năm 2018, Việt Nam không thể xuất khẩu xe trung cấp vào các thị trường ASEAN vì họ đã đi trước mình. Vì vậy, tôi hướng tới xe xuất xứ Hàn Quốc, Nhật Bản với đầy đủ kiểu loại và tải trọng.

Sự tự tin, vững vàng và bài bản khi đầu tư vào công nghiệp ô tô của ông Dương đã khiến Trường Hải phá vỡ luật bất thành văn “chỉ làm một thương hiệu thì tốt hơn nhiều thương hiệu” bấy lâu. Không chỉ một, mà ông Dương đã tụ họp được nhiều thương hiệu từ thấp cấp đến cao cấp đến với mình. Thậm chí định kiến “nước ngoài làm ô tô sẽ tốt hơn doanh nghiệp Việt Nam” cũng trở nên “sai sai” trong câu chuyện Trường Hải.

Thật lạ là khi tới với Thaco, các tên tuổi có vị thế nhất định trong làng ô tô thế giới như BMW, Fuso, Mazda, Peugeot, Kia vốn chả phải… khờ dại gì trên thương trường đều đã không áp dụng luật chơi “chỉ được bán xe của tôi” như đã từng. Làm ăn ngày càng khó khăn, cạnh tranh khốc liệt, người khôn của khó, nên ai giúp họ kiếm tiền tốt nhất thì họ bắt tay.

“Các liên kết này là đa chiều và khá linh hoạt. Ở phân khúc xe này, chúng ta là đối thủ của nhau, nhưng ở phân khúc khác lại có thể hợp tác cùng nhau. Đặc biệt, nếu họ thấy công ty con của mình không phát huy tốt bằng đối thủ, thì cũng không ngại ngần tìm kiếm cơ hội hợp tác để đôi bên cùng có lợi”, ông Dương chia sẻ.

Đầy trăn trở với sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô, mối bận tậm của ông Dương là làm sao nâng được tỷ lệ nội địa hoá trong chiếc xe ô tô được sản xuất tại Việt Nam và đưa sản phẩm đi xa hơn nữa, khi mà cánh cửa hội nhập ngày càng mở rộng.

“Có thị trường tiêu thụ, bán được xe thì mới có cơ hội làm ở quy mô lớn hơn, sản xuất nhiều chi tiết hơn, còn nếu làm lớn từ ban đầu mà không bán được xe, thì xã hội bị lãng phí nguồn lực và lấy đâu ra cơ hội để tiếp tục làm xa hơn”, ông Dương đã lý giải như vậy về con đường làm ô tô của mình.

Cùng với xu hướng phát triển hiện nay của kinh tế tri thức, câu chuyện tập hợp được trí tuệ, tri thức của những người trong vòng tròn của mình được Trường Hải đặc biệt quan tâm. “Facebook hay Google trở thành những ông lớn không phải là nhờ có vốn lớn, mà xuất phát điểm chính là tri thức, trí tuệ, sự sáng tạo và quy tụ được những người cùng chung chí hướng”, ông Dương nói.

Là người sáng lập ra Thaco, chỉ cho anh em từng chút một trong làm xe, nhưng ông Dương cũng cho rằng, bí quyết công nghệ phải xuất phát từ chính hệ thống sản xuất và sẽ không lệ thuộc vào một cá nhân nào đó.

Với suy nghĩ “làm nghề nào cũng phải cảm nhận được tinh tuý trong nghề đó”, ô tô với ông Dương không chỉ đơn thuần là sản phẩm của ngành cơ khí, mà còn được nâng lên mức độ tinh tế. Bởi thế, ngay cả con của mình, ông Dương bảo, cũng phải chịu khó học hỏi, chứ không thể cứ nói truyền nghề là truyền được ngay.

Cùng với tiến bộ của khoa học - công nghệ và Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Thaco cũng đang đầu tư lớn cho tự động hoá và xanh. Không chỉ Nhà máy Mazda sẽ khánh thành cuối tháng 3/2018 được đầu tư robot trong nhiều công đoạn sản xuất, hay có khuôn viên xanh mát mắt, mà ngay các nhà máy đã đầu tư tại Khu liên hợp Chu Lai - Trường Hải cũng liên tục được bổ sung, nâng cấp nhiều thiết bị tự động để tối ưu hoá chi phí sản xuất. Cảnh quan nhà máy cũng ngày càng xanh, đẹp như các resort…

THACO lập 15 showroom trong năm đầu kinh doanh BMW
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty Ô tô Trường Hải (THACO) cho hay, THACO có kế hoạch đầu tư xây dựng 15 showroom kết hợp xưởng dịch vụ cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư