Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Trần Đình Quyền, Chủ tịch, TGĐ Tín Thành Group: Quy tụ công nghệ và thế mạnh của Việt Nam để vươn ra biển lớn (Bài 1)
Trọng Tín - 19/04/2023 15:47
 
Bằng sự khác biệt, Tín Thành Group đã nắm giữ được “trái tim” của những gã khổng lồ sản xuất trong ngành thực phẩm, cao su, giấy và bao bì, dệt may… bằng hơi bão hòa, giúp đối tác tiết kiệm được hàng trăm tỷ đồng và giảm phát khí thải không dưới 1 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Thành công và ghi dấu ấn trong ngành năng lượng môi trường với hoạt động sản xuất hơi bão hòa cho các ngành công nghiệp, nhưng doanh nhân Trần Đình Quyền vẫn đang ấp ủ một dự án năng lượng, vận tải và môi trường mới. Dự án này đã vượt ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Bài 1: Người thầm lặng góp công giảm phát khí thải

Với những người hoạt động trong ngành sản xuất hơi bão hòa cho các ngành công nghiệp như chế biến thực phẩm, nhuộm vải, cao su, sản xuất giấy, bao bì…, tên tuổi của doanh nhân Trần Đình Quyền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tín Thành Group không còn xa lạ. Gần đây, ông Quyền được nhắc đến nhiều hơn, sau thương vụ “bắt tay” King Coffee xây dựng một nhà máy đắp lốp, tái chế lốp xe và sản xuất dầu nhớt tại tiểu bang Nam Carolina (Mỹ).

Lễ động thổ Nhà máy Đắp lốp xe, tái chế lốp xe và sản xuất dầu nhớt có phụ gia Graphene của Tín Thành Group tại tiểu bang Nam Carolina (Mỹ)
Lễ động thổ Nhà máy Đắp lốp xe, tái chế lốp xe và sản xuất dầu nhớt có phụ gia Graphene của Tín Thành Group tại tiểu bang Nam Carolina (Mỹ)

Chúng tôi có dịp gặp ông Quyền tại trụ sở Tín Thành Group vào một buổi chiều trung tuần tháng 4. Ông hào hứng giới thiệu về các dự án của Tín Thành Group đang hoạt động tại Việt Nam và trên thế giới được trưng bày ở phòng truyền thống, trong đó có sa bàn dự án xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp tuần hoàn cùng với dự án phát điện công - nông nghiệp khép kín từ cây cao lương (sorghum)… mà Tín Thành đã và đang đầu tư hơn 20 năm qua.

Nghe ông giới thiệu về các dự án, ai nấy đều rất thán phục. Nhưng, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên hơn là, dường như bất chấp tuổi tác, dù đã ngoài 60 tuổi, ông chủ của Tín Thành vẫn luôn mang trong mình ngọn lửa khát khao làm việc, nghiên cứu, mong muốn quy tụ nhiều nhà khoa học của Việt Nam và thế giới... để hiện thực hóa các ý tưởng mới. Tiêu chí mà ông đặt ra là phải tạo ra nhiều việc làm và phúc lợi cho xã hội, bảo vệ môi trường, giảm phát khí thải nghiêm ngặt; dự án phải lớn, khác biệt và đem lại lợi nhuận cao.

Xuất thân từ ngành xây dựng, cơ duyên nào đưa ông đến với lĩnh vực cung cấp năng lượng từ nhiên liệu tái tạo cho các nhà máy công nghiệp tại Việt Nam?

Sau khi tốt nghiệp đại học ngành xây dựng, tôi từng khởi nghiệp đúng với thế mạnh của mình bằng việc thành lập Công ty Xây dựng Hưng Thịnh. Vào những năm 1990, doanh thu của Hưng Thịnh đã đạt hơn 100 tỷ đồng mỗi năm. Hưng Thịnh đã thực hiện nhiều dự án lớn như Thủy điện Thác Mơ, Thủy điện Hàm Thuận Đami, Thủy điện Ialy, Quốc lộ 1A, nút giao thông Hàng Xanh…

doanh nhân Trần Đình Quyền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tín Thành Group
Doanh nhân Trần Đình Quyền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tín Thành Group

Tuy nhiên, vì những bước đi táo bạo khiến công ty gặp khó, tôi cùng các cộng sự quyết định dừng lại và thành lập Công ty TNHH An Sinh, chuyên hoạt động trong lĩnh vực xử lý rác thải. Chúng tôi đầu tư vào Dự án Nhà máy xử lý rác thải Thủy Phương tại thị xã Hương Thủy và Dự án Nuôi tôm trên cát tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng.

Quá trình hoạt động cũng gặp nhiều gian nan, nên chúng tôi phải hợp tác và thành lập Công ty Tâm Sinh Nghĩa. Dù vậy, cả hai dự án chưa thành công như mong đợi, tôi quyết định chuyển hết cho Tâm Sinh Nghĩa để khởi nghiệp lại. Lúc này, tôi vẫn đi tìm một công nghệ mới đốt rác phát điện phù hợp với đặc tính của rác thải Việt Nam.

Sau một thời gian mày mò, tôi có cơ duyên gặp Tiến sĩ Nguyễn Thanh Quang, giảng viên Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ông là tác giả của hệ thống lò hơi tầng sôi dùng nhiên liệu Biomass gồm trấu, mùn cưa, cành cây, củi mục, các loại phế phẩm trong ngành chế biến gỗ.

Công dụng của lò hơi này dùng để nấu bia, nấu sữa, nấu cà phê, giấy, bao bì và thậm chí là hấp được cả lốp xe, hấp cao su, sấy thuốc lá với chi phí sản xuất rất rẻ. Ví dụ, 1 lít bia nếu được nấu bằng gas sẽ tốn 10 đồng, nấu bằng dầu tốn 9 đồng, nấu bằng than thì tốn 5 đồng, còn nếu nấu bằng củi, bằng vỏ trấu thì chỉ tốn 2 - 3 đồng ở thời điểm đó.

Ngoài lợi ích về kinh tế, lợi ích về môi trường còn lớn hơn rất nhiều. Nếu đốt 1 tấn dầu FO, môi trường sẽ nhận 3,6 tấn khí CO2. Trong khi đó, nếu dùng nhiên liệu như mùn cưa hoặc trấu để đốt, lượng khí CO2 thải ra môi trường chỉ còn 0,7 kg.

Với lợi ích như vậy, năm 2007, tôi quyết định dừng nghiên cứu ngành đốt rác phát điện và hợp tác với Tiến sĩ Nguyễn Thanh Quang để phát triển ngành cấp hơi bão hòa cho các nhà máy công nghiệp.

Kết quả đến nay thế nào, thưa ông?

Tín Thành đang cung ứng hơi bão hòa cho trên 40 doanh nghiệp ở khắp cả nước, trong đó có nhiều thương hiệu lớn như Sabeco, Habeco, Carlsberg, Coca-Cola, Cao su DRC Đà Nẵng, Cao su miền Nam (Casumina), Tập đoàn Hoa Sen, Công ty Cholimex, dầu ăn Vocarimex, bao bì Sovi, Nhà máy Giấy Sài Gòn, Nhà máy Giấy Long Thành, Dệt may Huế…

Với việc sử dụng công nghệ của Tín Thành, các đối tác đã giảm được chi phí đáng kể, thậm chí có doanh nghiệp tiết kiệm được cả trăm tỷ đồng mỗi năm. Còn với bà con nông dân, thay vì vứt bỏ trấu, mùn cưa…, hoặc chỉ mang về làm nhiên liệu đốt sinh hoạt, thì giờ có thể thu gom để bán cho Tín Thành. Mỗi năm, Tín Thành chi 200 - 300 tỷ đồng để mua nguyên liệu đốt.

Ngoài ra, chúng tôi đã được Liên hợp quốc công nhận và cấp Tín chỉ Carbon giảm phát khí thải hằng năm không nhỏ hơn 1 triệu tấn CO2.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn tự hào khi những việc mình làm đã giúp ngành công nghiệp chuyển đổi năng lượng thay thế, sản xuất sạch hơn. Xu hướng này đang ngày càng lan rộng và cũng được Chính phủ khuyến khích. Tất cả đều xuất phát từ Tín Thành.

Ông đã thành công nhờ sự khác biệt. Để có được sự khác biệt đó, quá trình học hỏi, thử nghiệm… chắc hẳn không dễ, thưa ông?

Đúng là hoàn toàn không dễ dàng! Nhưng Tín Thành khác biệt ở chỗ dám làm, dám nghĩ và dám chịu trách nhiệm, luôn luôn áp dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động kinh doanh của mình.

Thời đó, Tín Thành chỉ có công nghệ. Còn với các nhà máy sản xuất, họ có nhiều lý do e ngại khi phải thay đổi thói quen sử dụng nhiên liệu và lo sợ sẽ bị xáo trộn quy trình hoạt động.

Lúc này, tôi thuyết phục một doanh nghiệp cho phép Tín Thành đảm nhận đầu tư toàn bộ, từ nhà xưởng đến lắp đặt thiết bị, cung cấp nhiên liệu cũng như vận hành hệ thống lò hơi và chỉ bán lại cho phía sử dụng với giá giảm 30% so với chi phí dùng dầu. Tôi còn cam kết sẽ đền bù toàn bộ thiệt hại khi vận hành gặp trục trặc khiến lô hàng bị hỏng và chịu trách nhiệm với cơ quan quản lý về môi trường nếu có khí thải ô nhiễm phát ra…

Tôi đã thuyết phục khách hàng như vậy. Và hơn 15 năm nay, rất nhiều đối tác đã giao “trái tim” của họ cho Tín Thành.

Từ những thành công có được, tôi đã chuẩn bị để làm những điều lớn lao hơn. Tôi dồn sức và toàn bộ lợi nhuận cho một dự án đốt rác phát điện kèm tuần hoàn với Dự án Phát điện sinh khối từ cây cao lương, mà đến nay, Dự án đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận Đề tài cấp quốc gia cho cây cao lương với hơn 45 chủng giống được thuần hoá phù hợp thổ nhưỡng của Việt Nam.

Ông vừa nói về dự án đốt rác điện. Đây có phải là dự án công - nông nghiệp khép kín mà Tín Thành đã trưng bày trong phòng truyền thống?

Đúng vậy. Đến thời điểm này, Tín Thành đã chi hơn 500 tỷ đồng để đầu tư, nghiên cứu hệ thống liên hoàn xử lý rác và cây cao lương với 10 bằng phát minh và chứng chỉ công nghệ được cấp bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Riêng Dự án Khu công nghệ cao đang thực hiện tại tỉnh Phú Yên chiếm 250 tỷ đồng.

Hiện nay, Tín Thành đã hoàn tất thủ tục, đền bù đất đai ở Phú Yên để chuẩn bị nhiên liệu cho các nhà máy năng lượng hơi cùng 5 nhà máy điện sinh khối mà Tín Thành đã trình Chính phủ và Bộ Công thương đưa vào Quy hoạch Điện VIII.

Tuy nhiên, chúng tôi quyết định tạm ngưng để phát triển Dự án Dịch vụ vận hành trọn gói các loại xe tải của Tín Thành trên đất Mỹ, một cuộc cách mạng cho ngành logistics, các xe vận tải.

Đó có phải là lý do ông “bắt tay” King Coffee để xây dựng một nhà máy đắp lốp, tái chế lốp xe và sản xuất dầu nhớt tại tiểu bang Nam Carolina (Mỹ) vào tháng 3 vừa qua?

Tổng vốn đầu tư của Dự án là 1,7 tỷ USD, riêng nhà máy này có vốn đầu tư 68 triệu USD trên diện tích đất 47,3 arces (khoảng 19,14 ha). Đây cũng là viên gạch đầu tiên để Tín Thành hiện thực hóa chiến lược đầu tư như tôi đã chia sẻ ở trên. Dự kiến, nhà máy bắt đầu được xây dựng trong quý III/2023 và đến quý III/2024 sẽ đưa vào hoạt động.

Ngoài nhà máy này, chúng tôi dự kiến hợp tác với hơn 50 nhà máy vệ tinh trên toàn nước Mỹ, chuyên gia công cho Tín Thành; đồng thời phát triển 2.000 trạm dịch vụ liên quan đến Dự án Dịch vụ vận hành trọn gói các loại xe vận tải trên khắp nước Mỹ.

(Còn tiếp)

Trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 9/2023/QĐ-TTg ngày 12/4/2023 quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư