Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Doanh nhân Trần Hải Triều, Giám đốc Công ty B5: Đem lại cuộc sống dễ thở hơn cho người lao động phổ thông
Công Sang - 29/05/2016 08:48
 
Chưa từng qua trường lớp đào tạo nào về ngành giao nhận, nhưng ông Trần Hải Triều, Nhà sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH B5 lại là cái tên đang nổi trong lĩnh vực phân phối và giao hàng có hạn sử dụng ngắn ngày cho các nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam.

Từ thương vụ được trả bằng... giấy

Trong những năm 2010-2012, Trần Hải Triều điều hành một công ty truyền thông. Lần đó, công ty của ông hợp tác với Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn “chạy” chương trình đổi giấy đã sử dụng lấy giấy mới.

Dự án kết thúc khá thành công, lãnh đạo Giấy Sài Gòn rất hài lòng. Mặc dù quy mô không lớn, thậm chí một phần chi phí được đổi bằng... giấy, nhưng với ông Triều, thương vụ này lại là điểm chốt để có B5.

.
.

Ông Triều kể, hồi đó, việc giao giấy là một bài toán khó. Theo cách giao nhận truyền thống, nhà sản xuất phải vận chuyển hàng tới kho, xả hàng, sau đó công ty giao nhận sẽ chất hàng lên xe và chở đến các điểm phân phối. Đã vậy, giấy thường được giao bằng thùng nên thường cồng kềnh.

“Với nhiều công đoạn như vậy, nhưng cơ cấu chi phí vận chuyển chỉ được phép nằm trong 3% tổng doanh thu, vì nhiều hơn là chỉ có lỗ. Các công ty vận chuyển rất ngại nhận vận chuyển hàng này”, ông Triều nói.

Chính vì phát hiện điều này, nên khi bắt tay vào dự án với Giấy Sài Gòn, ông Triều đã tìm tòi rất nhiều, quyết định thử áp dụng mô hình giao hàng như Hãng máy tính Dell (Mỹ). Mô hình này là giao hàng theo đơn đặt hàng. Công ty sẽ tổng hợp đơn hàng của khách, sắp xếp, lên lịch trình giao vào các ngày trong tuần. Như vậy, đơn vị giao nhận sẽ đi thẳng đến nhà sản xuất là Giấy Sài Gòn, sau đó đến các điểm giao hàng đã định sẵn. Việc bỏ qua hai khâu là vận chuyển tới kho, rồi từ kho vận chuyển đến các điểm giao hàng giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí cho các bên.

Vậy là, từ thử nhiệm, chỉ trong một thời gian ngắn, doanh thu giao nhận với Giấy Sài Gòn của ông Triều đã tăng ở mức 3 đến 4 tỷ đồng/tháng, một con số đáng mơ so với vài trăm triệu đồng/tháng trước đó.

Sau thành công với mô hình giao nhận mới cho Giấy Sài Gòn, ông Triều bắt đầu có tên trong giới giao nhận. Tiếng lành đồn xa, đến tai Mondelez Kinh Đô khi doanh nghiệp này đang tìm 4 đối tác giao mặt hàng bánh tươi ở TP.HCM. Vậy là ông Triều có thêm đơn hàng lớn. Từ 100 triệu đồng/tháng, sau một năm, doanh thu giao mặt hàng bánh tươi của Mondelez Kinh Đô đạt trung bình 2 tỷ đồng/tháng. Đáng nói là công ty do ông Triều điều hành trở thành doanh nghiệp duy nhất phân phối mặt hàng này tại khu vực TP.HCM.

Tháng 5/2015, để mở rộng quy mô hoạt động, Công ty TNHH B5 được thành lập.

“B5 có nghĩa là “be the best business bridge for buyers”. Câu này mang ý nghĩa là cây cầu nối kinh doanh tốt nhất cho người mua và người bán, nhưng cũng là mong muốn hanh thông, tốt đẹp. Đây cũng là mong muốn tôi muốn gửi tới khách hàng của mình”, ông Triều giải thích cho cái tên công ty khá đặc biệt này.

Kể từ ngày thành lập, B5 tập trung vào việc giao các sản phẩm có hạn ngắn ngày từ nhà sản xuất đến các siêu thị. Chức năng phân phối và tiếp thị sản phẩm cho nhiều mặt hàng, nhất là thực phẩm được mở thêm.

Sau Mondelez Kinh Đô, B5 hợp tác giao hàng và phân phối thêm nhiều doanh nghiệp lớn như C.P (Thái Lan), CJ (Hàn Quốc), TH True Milk, Lộc Trời, Tam Nông, Đông Bắc Á… Kênh phân phối mở rộng với hơn 600 điểm bán tại TP.HCM, từ siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống đến các khu công nghiệp, trường học...

Thực ra, đây là cách đi khó mà ông Triều chọn cho B5. Lý do là, loại hàng hóa này đòi hỏi yêu cầu vận chuyển phức tạp hơn, thời gian ngắn hơn, vì thế rủi ro lớn trong khi tỷ suất lợi nhuận lại khá thấp. Nhưng cũng chính vì khó mà thị trường đang rất rộng.

“Độ lớn cả thị trường hiện chỉ mới đạt con số 2 triệu USD/tháng. Tôi tin là con số sẽ tăng ít nhất gấp đôi khi có nhiều doanh nghiệp có quy mô tham gia. Chúng tôi đang nỗ lực để có vị trí dẫn đầu trong thị trường giao các sản phẩm có hạn ngắn ngày”, ông Triều nói.

Đến nguyên tắc kinh doanh đàng hoàng

Khá cởi mở khi nói về kinh doanh, nhưng ông Triều lại kín tiếng khi chia sẻ các vấn đề liên quan đến cá nhân.

Sinh năm 1980, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TP.HCM, ông Triều khởi nghiệp năm 29 tuổi sau khi từ bỏ công việc quản lý tài chính cho một tờ báo.

Lý do khởi nghiệp cũng đơn giản: ông muốn được hiện thực hóa nhiều ý tưởng kinh doanh “cứ ngồn ngộn trong đầu mỗi ngày”. Quan điểm làm giàu của ông là đem lại cuộc sống dễ thở hơn cho những người lao động phổ thông và ông đang cố gắng làm điều đó với gần 40 nhân viên của mình.

Nhưng, ý tưởng và mộng làm giàu khác quá xa so với hiện thực. Quản lý một công ty phân phối và giao hàng cần cả nghệ thuật và kinh nghiệm, khi mà lao động chủ yếu là phổ thông, có thể ngay lập tức bỏ việc, hủy nhiệm vụ không cần có lý do. Cũng không dễ áp các quy định, quy chế theo cung cách quản lý hiện đại, vì quá căng họ sẽ tìm cách bung ra, còn nếu nhẹ tay, để nhân viên tự do, kết quả cũng chẳng khá hơn việc siết chặt là mấy.

“Nhiều lần tôi thất bại, không phải vì mô hình, mà vì không quản được lao động. Lắm lúc tôi nghĩ, có khi phải cần một chút vô tình, bên cạnh tình cảm và “thủ thuật” ở người điều hành”, ông Triều chia sẻ.

Tất nhiên, ông Triều nhấn mạnh, điều cốt lõi của người kinh doanh vẫn là sự đàng hoàng, tử tế.

“Ở bất cứ môi trường nào, với nguồn lao động có trình độ ra sao, thì đây vẫn là điều quan trọng nhất để gắn kết người điều hành với người lao động thông qua việc đào tạo, định hướng tương lai, quan tâm đến cuộc sống và gia đình của nhau. Chính thái độ, chứ không phải khả năng mới là điều quyết định tất cả”, ông Triều nói và chỉ về khẩu hiệu treo trên tường như phương châm kinh doanh và phục vụ của cả Công ty: “Dịch vụ tận tay - Phục vụ tận tâm - Làm việc tận tụy - Thành quả cùng tận hưởng”.

Theo kế hoạch, đầu tháng 6 tới, một nhánh mới của B5 sẽ được thành lập, chuyên giao thực phẩm tươi sống như thịt, trứng cá. Hàng sau khi đặt sẽ được giao trong vòng 4 tiếng ở khu vực nội thành, trước mắt là TP.HCM. Dự kiến, giá thành của các sản phẩm này sẽ rẻ hơn thị trường đến 20% khi cắt giảm được nhiều khâu trung gian.

Kênh giao thực phẩm sạch này của B5 sẽ chỉ hợp tác với các doanh nghiệp có thương hiệu lớn, uy tín, có đầy đủ giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm trên thị trường. Mục tiêu của Công ty là đáp ứng khoảng 1.000 đơn hàng mỗi ngày.

Để làm được việc này, B5 đẵ bắt tay với một doanh nghiệp công nghệ thông tin để tham gia vào quá trình xử lý đặt hàng trước, xây dựng dữ liệu của khách hàng, tiếp thị truyền thống và tiếp thị trực tuyến... Bên cạnh đó, ông Triều tiết lộ, đây là dự án hợp tác với một nhóm nhà sản xuất tâm huyết trong việc đưa thực phẩm sạch và an toàn đến tay người tiêu dùng.

Cũng chính vì vậy, câu hỏi phải đặt ra cho  Giám đốc điều hành Trần Hải Triều là: liệu B5 có quá tham vọng?

“Đây đơn thuần chỉ là kênh bán hàng siêu thị trực tuyến. Nó kết hợp với kênh bán hàng và phân phối truyền thống để tăng hiệu quả cho nhà sản xuất. Chúng tôi có sự khác biệt lớn với mô hình thương mại điện tử khi chủ động được hàng hóa, giá cả, giao nhận. Nhưng bạn đừng bận tâm đến khái niệm mô hình phân phối nào. Sẽ đến lúc người dùng chỉ còn quan tâm đến chất lượng dịch vụ, sản phẩm và giá cả”, ông Triều phân tích.

Ông cũng cho biết, sẽ đẩy mạnh việc kết nối với các doanh nghiệp trong nước để hỗ trợ họ phân phối hàng hóa trực tiếp đến người tiêu dùng.

B5 cũng đang hướng đến việc cung cấp giải phải toàn diện từ tiếp thị, kiểm soát hàng tồn cho đến giao hàng cho các nhà sản xuất. Bởi như trước đây, các nhà sản xuất chỉ cần quan tâm đến việc sản xuất, còn tiêu thụ đã có các nhà phân phối lo.

Hiện nay, hàng hóa ngày càng đa dạng, cạnh tranh càng quyết liệt và thói quen mua sắm của người dùng đang thay đổi, buộc các nhà sản xuất phải thay đổi cách làm truyền thống để phản ứng kịp thời với nhu cầu thị trường.

Để vận hành mảng kinh doanh mới, Công ty dự kiến sẽ tăng gấp đôi lượng nhân viên, nhưng điều đó dường như không làm ông Triều quá lo lắng.

“Quan điểm của tôi là trở về những điều cơ bản nhất. Điểm cốt lõi để vận hành bất cứ công ty nào cũng là quản lý con người. Mà quản lý con người đó chính là công việc giúp người khác và bản thân tốt hơn mỗi ngày”, ông Triều nói.

Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng tổ chức Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp 2016
Tại cuộc họp báo sáng nay (26/5/2016), Vườn ươm Doanh nghiệp TP Đà Nẵng (DNES) cho biết, ngày 18/6/2016 sẽ tổ chức sự kiện “StartupFair 2016 - Hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư