Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
“Đơn hàng đau khổ” của “Vua quạt đất Bắc”
Thanh Huyền - 19/01/2019 08:19
 
Doanh nhân Trần Văn Lê lần đầu tiên trải lòng về quá khứ từng điêu đứng vì “đơn hàng lớn nhất trong đời” và cách mà ông thoát khỏi khủng hoảng để trở thành “Vua quạt đất Bắc”.
.
"Vua quạt đất Bắc" Trần Văn Lê (ngồi giữa) bên Bàn tròn CEO cùng hai vị chuyên gia

Sau hai tuần phát sóng, “Những câu chuyện thật” đã nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Đơn giản là bởi, sự thay đổi format từ năm 2019 đã giúp chương trình CEO - Chìa khóa thành công tạo ra cầu nối không chỉ giữa các doanh nhân, mà còn giữa những doanh nhân thành đạt với cộng đồng thông qua câu chuyện kinh doanh của mình.

Yếu tố “thật” đã được khai thác tối đa cùng với những tình tiết được đẩy lên cao trào, khiến bài học được CEO gửi gắm xuyên suốt 45 phút của chương trình trở nên nhẹ nhàng, nhưng thu hút như đang xem một bộ phim. Đặc biệt, tuy không còn phần tranh luận giữa CEO và cổ đông như trước đây, thay vào đó, phần tranh luận sôi nổi không kém phần “máu lửa” của các thành viên câu lạc bộ CEO - Chìa khóa thành công lại tạo sự thích thú cho người xem.

Tuần này, “Những câu chuyện thật” tiếp tục mang đến câu chuyện cũng vô cùng thú vị về doanh nhân Trần Văn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh - người vẫn được giới doanh nhân thân mật gọi là “Vua quạt đất Bắc”.

Câu chuyện diễn ra vào đầu những năm 2000, khi những mặt hàng công nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài với mức chi phí rất cao.

Nhờ năm tháng tích lũy kinh nghiệm từ nghề thu mua, sửa chữa, bảo dưỡng các máy loại máy móc thiết bị cũ, ông Trần Văn Lê đã sớm nhận ra nhu cầu, nên quyết định mạnh dạn thành lập công ty sản xuất và lắp ráp quạt công nghiệp. Công ty Phương Linh lúc bấy giờ đã chế tạo, lắp ráp thành công sản phẩm này với chất lượng tốt và được khách hàng gần xa biết đến.

Năm 2005, Giám đốc một công ty chè tại Sơn La đã tìm tới Phương Linh đặt mua một lúc 7 chiếc quạt công nghiệp đường kính 0,7 m để lắp đặt vào máng héo chè (nhằm hút khí nóng, thổi vào máng làm héo chè, trước khi chuyển vào công đoạn tiếp theo).

Gặp được đơn hàng lớn nhất trong đời, nên dù chưa đủ vốn, trong khi mới chỉ nhận được tiền đặt cọc ước lệ, CEO Trần Văn Lê vẫn vay mượn tiền để thực hiện đơn hàng này. Đúng hẹn sau hơn 1 tháng, khách quay lại cửa hàng và nhận đủ 7 chiếc quạt với đánh giá cao về chất lượng và lời hứa về lắp xong sẽ xuống thanh toán.

Tuy nhiên, trong lúc chờ tiền về, thì ông Lê bất ngờ nhận được thông báo phũ phàng: quạt không vừa với máng héo chè, nên không dùng được. Khách trả lại quạt và yêu cầu làm lại 7 chiếc quạt khác đường kính 0,8 m.

Để giữ khách hàng, ông Lê cắn răng vay vốn, đi tìm động cơ, sản xuất cánh và vỏ quạt cho kịp tiến độ. Nhưng một lần nữa, đối tác trả hàng để yêu cầu quạt đường kính 0,9 m.

“Họa vô đơn chí”, nhưng đâm lao đành phải theo lao, vì làm tiếp thì còn có cơ vừa gỡ lại một phần vốn, vừa mở ra thị trường lớn. Vì vậy, dù đã cạn vốn, song ông Lê vẫn phải huy động tài chính để sản xuất đơn hàng và trả tiền lương nhân viên.

Một tháng sau, quạt giao đúng hạn với chất lượng cao. Khách hàng vui vẻ nhận 7 chiếc quạt đường kính 0,9 m và hứa thanh toán sớm. Nhưng một lần nữa khách quay lại, quạt “quay đầu” cùng yêu cầu: “Nốt lần này, quạt đường kính 1m chắc chắn được!”.

Một lần nữa, ông Lê cắn răng chạy vạy làm tiếp. Đúng ngày giao hàng, vị giám đốc công ty chè tại Sơn La còn tổ chức liên hoan mừng thắng lợi. Trớ trêu là 3 ngày sau, khách hàng lại tiếp tục báo không dùng được.

Nhìn 4 lô hàng gồm 28 chiếc quạt bày ngổn ngang trong cửa hàng kiêm xưởng lắp ráp nhỏ bé, đơn sơ, trong lòng CEO Trần Văn Lê tuyệt vọng và cay đắng, rồi tự trách mình đã vội vàng, không giao ước kỹ khi nhận đơn hàng.

Phương Linh lúc này trở nên tuyệt vọng, bởi vốn liếng cạn kiệt, nợ đọng chưa thanh toán, công nhân chán nản. “Sản xuất tiếp thì đào đâu ra vốn. Nếu lại bị trả hàng thì chỉ còn cách nhảy lầu hoặc bỏ đi biệt xứ, vì bao giờ mới trả hết nợ mọi người và thợ thuyền?”, ông Lê nhớ lại.

Đối mặt với bài toán khủng hoảng, CEO Trần Văn Lê đã lựa chọn cách giải quyết như thế nào? Ông đã làm gì để vượt qua khó khăn, đưa Phương Linh từng bước phát triển và bản thân ông được tôn vinh là “Vua quạt đất Bắc”?

Câu chuyện sẽ lần đầu tiên được vị doanh nhân này bật mí trong “Những câu chuyện thật” với chủ đề “Có chí thì nên” vào lúc 10h sáng Chủ nhật tuần này, ngày 20/1 trên kênh VTV1 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEO - CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG của Youtube.

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất, với sự đồng hành của Thời trang OWEN, PwC Việt Nam, Trung ương Hội các hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam (VCCI).

Doanh nhân Lê Thanh Tùng, CEO Công ty Tiến Thịnh International: “Người có tâm thì mới có tầm”
Ông Lê Thanh Tùng, CEO Tiến Thịnh International luôn tâm niệm điều này, dù làm công việc phục vụ khách hàng, kết nối toàn diện doanh nghiệp Việt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư