Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Đơn hàng xuất khẩu gỗ, nội thất tiếp tục phục hồi
Hoài Sương - 18/09/2024 17:55
 
Theo các doanh nghiệp ngành gỗ và nội thất, hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đóng vai trò quan trọng để gia tăng đơn hàng những tháng cuối năm 2024 và đón đầu cơ hội năm 2025.

Thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 10,24 tỷ USD, tăng 20,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA).

Nhận định về tình hình xuất khẩu của ngành trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cho hay, tình hình xuất khẩu ghi nhận sự khả quan nhất định, dự đoán từ nay đến cuối năm, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và nội thất đạt 14,5-15 tỷ USD.

Hiệp hội và các doanh nghiệp trong ngành hy vọng, sau cú huých về đầu tư công của Chính phủ và các doanh nghiệp bất động sản có sự phục hồi thì sang năm 2025, ngành gỗ và nội thất nội địa sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn. 

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là thị trường chính. Các thị trường này đã đổ một lượng lớn tiền để gom mua mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của nước ta trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc AA thông tin, cho đến thời điểm này, đơn hàng xuất khẩu của AA đã ổn định và ngày càng gia tăng với các công trình nội thất ở nước ngoài như: Mỹ, Trung Đông và các khu du lịch nổi tiếng thế giới. Mặc dù đơn hàng chưa đạt như năm 2022, nhưng rất khả quan so với những tháng đầu năm. 

“Về thị trường trong nước, tình hình đơn hàng trong 6 tháng đầu năm còn chậm, nhưng chúng tôi đang hy vọng sang năm 2025 sẽ khả quan hơn. Do đó, trong lúc thị trường còn khó, doanh nghiệp đẩy mạnh đa dạng sản phẩm, tăng cường tiếp thị… để thu hút nhiều khách hàng hơn”, ông Khanh chia sẻ. 

Theo các doanh nghiệp, trong bối cảnh ngành xây dựng trong nước chào đón đợt tăng trưởng đầu tiên sau 4 năm trì trệ, ngành xây dựng quốc tế liên tục đổi mới bám sát mục tiêu net zero, Triển lãm Nội thất và Xây dựng Việt Nam (VIBE) được giới chuyên môn nhận định sẽ phát triển chuỗi cung ứng ngành toàn diện dành cho thị trường nội địa và tiếp tục mở rộng ra quốc tế trong các kỳ tiếp theo.

VIBE hứa hẹn một không gian kết nối sôi động, hiệu quả.

Triển lãm diễn ra từ ngày 2 - 5/10, được tổ chức bởi Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) cùng Hiệp Hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TP.HCM (SACA), với sự đồng hành của các đối tác uy tín trong nước và quốc tế.

Theo đó, triển lãm hội tụ 150 nhà triển lãm hàng đầu trong các lĩnh vực nội thất, xây dựng và công nghệ như Nippon, Takara Standard, Vicostone, Phúc Mỹ Gia, Nhà Xinh, Bo Concept… và đạt quy mô hơn 500 gian hàng.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, sự kiện quy tụ chọn lọc những doanh nghiệp sở hữu cá tính thương hiệu đặc thù, đa dạng lĩnh vực và phong cách riêng. Đồng thời, tại VIBE có hoạt động B2D2C (Business to Designer to Consumers) - mô hình trong đó doanh nghiệp thông qua cộng đồng kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất, nhà thầu, đối tượng chuyên môn để cung cấp trực tiếp dịch vụ, sản phẩm cho người tiêu dùng cuối cùng. Áp dụng mô hình này, VIBE 2024 sẽ trở thành nền tảng triển lãm toàn diện, quy tụ các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng ngành.

Đồng tình với ý kiến, ông Nguyễn Quốc Thống, Phó chủ tịch Hội Nội thất Việt Nam (VNIA) chia sẻ: “Thông qua triển lãm lần này, nhóm doanh nghiệp thiết kế sản phẩm của VNIA sẽ kết hợp với Hawa và các Hiệp hội thủ công mỹ nghệ khác để đưa sản phẩm nội thất có hàm lượng thiết kế của Việt Nam, đặc biệt là các sản phẩm mang bản sắc Việt ra thị trường trong và ngoài nước.”

Xuất khẩu gỗ lấy lại đà tăng trưởng, doanh nghiệp chọn hướng đi mới
Sự phục hồi đơn hàng từ các thị trường nhập khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Canada đã giúp ngành gỗ tiến gần đến kỷ lục 17,5...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư