Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Động cơ, phương pháp và hệ sinh thái cho hoạt động khởi nghiệp
Khởi nghiệp có hai dạng: khởi sự mới và khởi nghiệp trên nền tảng sẵn có. Năng lực khởi nghiệp được cấu thành bởi nhiều yếu tố như động cơ, cách thức tiếp cận thực hiện dự án và hệ sinh thái khởi nghiệp.
Nhiều bạn trẻ chọn lĩnh vực công nghệ để khởi nghiệp. Ảnh: Quý Hòa
Nhiều bạn trẻ chọn lĩnh vực công nghệ để khởi nghiệp. Ảnh: Quý Hòa

Phần lớn các dự án khởi nghiệp thành công thực hiện tốt từ giai đoạn hình thành ý tưởng đến đánh giá khả thi, lập kế hoạch kinh doanh, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa vào vận hành và quản trị vận hành. Ngược lại, các dự án thất bại thường gặp sai lầm trong hình thành ý tưởng, kế hoạch kinh doanh không rõ ràng, công tác chuẩn bị các điều kiện trước khi đưa vào vận hành không kỹ lưỡng, quản trị vận hành thường gặp nhiều sai lầm.

Hiện nay, hệ sinh thái khởi nghiệp được hình thành tương đối đầy đủ trên các khía cạnh chính sách hỗ trợ tài chính, công nghệ, pháp lý..., nhưng hoạt động khá rời rạc, chưa có cơ chế thống nhất trong việc kết nối chúng với nhau, chưa tạo được hiệu ứng tích cực hỗ trợ cho hoạt động khởi nghiệp.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh sự đóng góp quan trọng của tinh thần khởi sự kinh doanh đối với sự phát triển và phồn vinh của một quốc gia. Tinh thần khởi sự kinh doanh mang lại sự sáng tạo, đổi mới công nghệ, phương thức kinh doanh, tạo ra nhiều công ăn việc làm, từ đó đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của quốc gia.

Chính phủ các nước đáp ứng sự kỳ vọng của tinh thần khởi nghiệp bằng cách tạo cơ chế để cho ra đời nhiều tổ chức hoạt động với sứ mệnh hỗ trợ những doanh nhân, bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy tinh thần, phát triển ý tưởng kinh doanh, ươm tạo các hoạt động khởi nghiệp thông qua các biện pháp hình thành các mô hình công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp, hỗ trợ vốn mồi, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp; cũng như khuyến khích các tổ chức phi chính phủ hình thành và hoạt động với sứ mệnh ươm tạo khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, chính phủ các nước còn tạo ra các sự kiện thường niên để tôn vinh cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp như ngày doanh nhân ở các quốc gia.

Có nhiều yếu tố tác động đến tinh thần khởi nghiệp của một quốc gia. Trước hết là thể chế kinh tế biểu hiện qua chính sách xác lập quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh và các định chế hỗ trợ dự án khởi nghiệp. Đây là những điều kiện cần để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Điều kiện đủ là hệ thống chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô trong việc đảm bảo sự bình đẳng trong cạnh tranh để doanh nghiệp tự do sáng tạo ý tưởng kinh doanh, ý tưởng mới hoặc phát minh...

Khả năng sáng tạo của một doanh nghiệp tùy thuộc vào việc doanh nghiệp xây dựng được đội ngũ nhân lực sáng tạo, thiết kế hệ thống quản trị có khả năng tiếp thu được tri thức. Nhờ vào khả năng này giúp các quốc gia mở rộng khả năng sản xuất.

Thực tế ở nước ta, chưa có một nghiên cứu đánh giá toàn diện các yếu tố trên để nhận diện rõ thực trạng, ưu và nhược điểm, cũng như đặc thù của môi trường khởi nghiệp. Do đó, chưa đưa ra được các chỉ dẫn cho cá nhân, doanh nghiệp xây dựng động cơ khởi nghiệp đúng đắn, cách tiếp cận khởi nghiệp phù hợp; cũng như các khuyến nghị xây dựng cơ chế chính sách tạo lập hệ sinh thái phát triển năng lực khởi nghiệp phù hợp với bối cảnh Việt Nam.

Thực tiễn và nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, nhân tố động cơ tiêu cực thúc đẩy khởi sự mới là phổ biến như mất việc, thay đổi công ty, dư thừa thời gian, không hài lòng với công việc... Do đó, cá nhân khởi nghiệp chưa có sự trang bị đầy đủ các yếu tố cần thiết để khởi nghiệp và dễ dẫn đến thất bại. Trong khi đó, động cơ khởi nghiệp trên nền tảng sẵn có chủ yếu đến từ sự phấn chấn bởi thành công trong quá khứ nhưng doanh nghiệp còn hạn chế trong việc thiết lập hệ thống nhận diện dấu hiệu khởi nghiệp.

Trong những năm gần đây, nhiều Hiệp định Thương mại Tự do (FTAs) thế hệ mới được ký kết tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp tận dụng để phát triển kinh doanh, khởi nghiệp; đồng thời cũng tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh mới. Để chủ động nắm bắt cơ hội từ hội nhập, đòi hỏi phải đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp.

Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020: "Xây dựng doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh".

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, đòi hỏi nhiều giải pháp đồng bộ từ chính sách của Chính phủ trong việc tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; cũng như bản thân người khởi nghiệp cũng cần nắm bắt phương pháp tiếp cận phù hợp để khám phá và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp.

Theo điều tra năm 2015 do Cục Thống kê TP.HCM thực hiện trên 1.167 doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long, các cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh doanh phi chính thức đang là thành phần kinh doanh lớn ở Việt Nam. Đối tượng này thiếu động cơ thành lập doanh nghiệp vì ngại phiền phức về các vấn đề pháp lý, thủ tục thuế, thiếu am hiểu quản lý vận hành doanh nghiệp.

Trong số 50 cơ sở sản xuất được khảo sát thì có 73% cơ sở sản xuất không có ý định chuyển mô hình hoạt động lên doanh nghiệp. Ngoài ra, các khó khăn doanh nghiệp gặp phải như thiếu vốn (chiếm đến 60%), thủ tục hành chính, cạnh tranh kém, thiếu nhân lực, mặt bằng sản xuất, giá thành cao... dẫn đến sự bế tắc trên con đường khởi nghiệp.

Khởi nghiệp khi thị trường đóng băng
Con đường lập nghiệp của mỗi doanh nhân mỗi khác, nhưng hầu hết đều chung mục tiêu là phải dấn thân, làm chủ sự thay đổi và kinh doanh thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư