Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Đồng tình “nâng cấp” Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
Hàn Tín - 11/09/2016 10:00
 
Bộ Tài chính đang bắt tay xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, thay thế cho Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện hành.

Việc phải có sự thay thế này, theo ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính là do Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước chưa điều chỉnh đối với các loại tài sản nhà nước khác như tài sản của các dự án vốn nhà nước, kết cấu hạ tầng, đất đai, tài nguyên thiên nhiên...

Các loại tài sản này hiện được điều chỉnh tại nhiều luật khác nhau, chưa có luật chung quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý, sử dụng, khai thác. Hậu quả là, công tác quản lý tài sản nhà nước bị buông lỏng trong thời gian dài một phần là do ý thức, trách nhiệm của nhiều cấp, nhiều ngành, cơ quan, đơn vị chưa cao, phần khác là do chưa có luật chuyên ngành về quản lý tài sản nhà nước nói chung.

.

“Nhiều dự án đầu tư bằng vốn nhà nước, hoặc vốn đi vay, sau khi hoàn thành, bàn giao nhưng đến 3-5 năm sau vẫn chưa trả lại xe ô tô để phục vụ dự án. Khi bàn giao lại thì xe đã gần như nát hết, nhưng không ai chịu trách nhiệm do xe ô tô phục vụ dự án là tài sản công, nhưng lại không bị điều chỉnh bởi Luật Quản lý, sử dụng tài sản  nhà nước”, ông Chí dẫn chứng.

Nhắc tới thực trạng quản lý, sử dụng tài sản công hiện nay, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cảm thấy xót xa khi cho rằng, tình trạng thất thoát, lãng phí, sử dụng kém hiệu quả, tham ô, tham nhũng tài sản công diễn ra phổ biến gây bức xúc trong dư luận. Không những thế, các cơ quan được giao trách nhiệm quản lý còn dửng dưng trước tài sản công bị huỷ hoại, đó là môi trường sống bị huỷ hoại, tàn phá.

“Vùng biển 4 tỉnh miền Trung bị tàn phá là dẫn chứng rõ ràng nhất trong khi vùng trời, vùng biển, đất đai không chỉ là tài sản công mà còn là tài sản công đặc biệt, cần phải được quản lý đặc biệt”, ông Phong dẫn chứng và mong muốn Quốc hội sớm thông qua Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản công vừa được Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức, tất cả đại biểu đều đồng tình “nâng cấp” Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu băn khoăn, quy định về việc khai thác, sử dụng tài sản tại đơn vị công lập vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết.

Theo Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác, sử dụng tài sản để cho thuê, liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân nếu tài sản chưa sử dụng hết công suất; tài sản được đầu tư, xây dựng để phục vụ hoạt động cho thuê, liên doanh, liên kết; việc khai thác, sử dụng tài sản để cho thuê, liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

“Đơn vị sự nghiệp công sử dụng xe ô tô biển xanh cho thuê mà người thuê xe sử dụng xe biển xanh đi buôn lậu thì vô cùng nguy hiểm”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, ông Nguyễn Hữu Quang băn khoăn.

Hiện, rất nhiều bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước có nhà nghỉ, nhà khách nhằm mục tiêu phục vụ hoạt động của ngành, đơn vị. Nhưng trên thực tế, các nhà nghỉ, nhà khách này không phục vụ hết công suất, nên đã thực hiện khai thác dịch vụ. “Đây là tài sản được đầu tư từ trước, đã khấu hao hết, thậm chí lương nhân viên cũng được trả lương bằng nguồn khác. Nếu cho phép họ kinh doanh, liên doanh, liên kết sẽ dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh với các thành phần kinh tế khác vì các nhà nghỉ, nhà khách này sẵn sàng giảm giá để giành thị phần. Hơn nữa, Nhà nước cũng bị thất thu vì khách vào nhà nghỉ, nhà khách loại này thường không bao giờ lấy hoá đơn”, ông Quang phát biểu.

Để sử dụng tài sản công đạt hiệu quả cao nhất, PGS -TS Đặng Văn Du (Học viện Tài chính) cho rằng, cần phải cho đơn vị sự nghiệp công được cho thuê, liên doanh, liên kết. “Khi thị trường có nhu cầu, có muốn cũng không cấm được các đơn vị sự nghiệp sử dụng tài sản công được giao để cho thuê, liên doanh, liên kết. Không ai muốn mặt tiền của nhiều đơn vị sự nghiệp, nhà văn hoá, bảo tàng, sân vận động... cho thuê bán hàng, mở quán bia, tổ chức đám cưới..., nhưng có cấm cũng chẳng được, chẳng lẽ suốt ngày đi thanh tra, kiểm tra thì chỉ làm xấu hình ảnh của cơ quan nhà nước”, ông Du phát biểu và nhấn mạnh, không cấm được thì nên mở ra để quản lý.

“Chúng ta phải thừa nhận hiện có một khối lượng tài sản công rất lớn đã được đầu tư như nhà nghỉ, nhà khách, trung tâm bồi dưỡng, hội trường, trung tâm hội nghị, đất giao, nhưng không giao tiền để xây trụ sở... nếu không cho thuê, liên doanh, liên kết sẽ dẫn tới lãng phí và Nhà nước vẫn phải bỏ tiền ra để duy tu, bảo dưỡng, nuôi bộ máy được giao quản lý”, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) bày tỏ quan điểm.

Cũng như ông Du và nhiều đại biểu khác, ông Hoan cho rằng, dù có muốn cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể cấm được đơn vị sự nghiệp công “cho thuê chui”. “Tài sản đã đầu tư cần phải khai thác tối đa công suất và phải thu tiền cho thuê về ngân sách hoặc giảm phần ngân sách cấp cho đơn vị sự nghiệp”, ông Hoan phát biểu.

Lộ nhiều sai phạm trong mua sắm đấu thầu, sử dụng tài sản tại Tổng công ty Đường sắt
Thanh tra Chính phủ vừa kết luật hàng loạt hạn chế, sai phạm trong việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư