Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 12 tháng 09 năm 2024,
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Nguy cơ khê đọng kiến nghị kiểm toán
Bảo Như - 25/09/2019 09:21
 
Khả năng cao là nhiều kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tại Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ phải có thêm thời gian hoàn tất.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết khi nào mới đi vào vận hành. Ảnh: Đức Thanh
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết khi nào mới đi vào vận hành. Ảnh: Đức Thanh

Khác biệt

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 8282/BGTVT - TC gửi KTNN báo cáo việc thực hiện kết luận của KTNN về Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Đây là công trình đường sắt đô thị lần đầu tiên được triển khai theo hình thức EPC, sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc, do Cục Đường sắt Việt Nam, sau đó là Bộ GTVT làm chủ đầu tư; Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt là đại diện chủ đầu tư; tổng thầu là Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2018, KTNN đã có Thông báo số 869/TB - KTNN về kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư công trình nhiều tai tiếng này.

Ngoài việc chỉ ra các sai sót, khiếm khuyết tại Dự án, KTNN đã đưa ra một loạt kiến nghị và yêu cầu Bộ GTVT phải báo cáo các kết quả thực hiện các kiến nghị này trước ngày 30/9/2019.

Được biết, sai sót đầu tiên được KTNN chỉ ra tại Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên quan đến công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Theo đó, KTNN cho rằng, Bộ GTVT tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.769,97 tỷ đồng, lên 18.001,59 tỷ đồng (tăng 9.231,62 tỷ đồng, tương đương 205,27%) tại Quyết định số 513/QĐ - BGTVT ngày 23/2/2016 khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và chỉ đạo xin chủ trương của Quốc hội về việc điều chỉnh là thực hiện chưa đúng quy định tại Điều 10, Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội và Điều 7, Điều 106 của Luật Đầu tư công. 

Theo quy định tại Luật Đầu tư công 2014, dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên thuộc dự án trọng điểm quốc gia, phải trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ ra quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, khi kéo dài thời gian thực hiện dự án từ một năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Tuy nhiên, trong Công văn số 8282, Bộ GTVT cho rằng, quá trình thẩm định, phê duyệt Dự án, Bộ GTVT đã thực hiện theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và đề nghị KTNN xem xét lại nội dung đánh giá này.

Trước đó, trong trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc (Đoàn TP.HCM), Bộ GTVT cũng khẳng định chủ đầu tư không “xé rào” trong việc phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án.

Cụ thể, trong quá trình triển khai Dự án, Bộ GTVT đã từng 2 lần thay mặt Thủ tướng Chính phủ thực hiện báo cáo Quốc hội về Dự án tại các kỳ họp cuối năm (Báo cáo số 554/BC-CP ngày 21/10/2015 và số 490/BC-CP ngày 13/10/2018).

Ngoài ra, theo Điều 7 và Điều 106, Luật Đầu tư công, do Dự án đã có trong kế hoạch đầu tư, nên quá trình thực hiện, Bộ GTVT tiếp tục là cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Dự án (chỉ xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ). Khi thực hiện, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1178/BGTVT-KHĐT ngày 6/2/2014 và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Văn bản số 4179/BKHĐT-KTĐN ngày 26/6/2015, xin phê duyệt bổ sung vốn. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 2650/VPCP-KTN ngày 17/4/2014 và số 1046/TTg-QHQT ngày 13/7/2015 giao Bộ GTVT thẩm định, quyết định và chịu trách nhiệm về việc điều chỉnh Dự án.

Nguy cơ khê đọng

Cần phải nói thêm rằng, đây là sự khác biệt duy nhất giữa Bộ GTVT và Kiểm toán Nhà nước trong cách đánh giá về quá trình triển khai Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Trong Thông báo số 869/TB - KTNN , KTNN cho rằng, việc Bộ GTVT cho phép Ban Quản lý dự án giao cho nhà thầu phê duyệt thiết kế kỹ thuật là không đúng quy định.

Đối với nội dung này, Bộ GTVT cho biết, việc giao cho tổng thầu phê duyệt thiết kế kỹ thuật một số hạng mục xuất phát từ  tính chất đặc thù về kỹ thuật, công nghệ của Dự án lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều hạng mục công trình và thiết bị phải áp dụng quy trình, công nghệ, định mức, đơn giá của Trung Quốc, nên còn lúng túng trong việc thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công… dẫn đến việc bị kéo dài thời gian, gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án.

Để tháo gỡ khó khăn nêu trên, Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù đối với Dự án thực hiện theo hình thức Hợp đồng EPC. Theo đó, đề xuất ủy quyền cho Tổng thầu thực hiện công tác phê duyệt thiết kế kỹ thuật và Tư vấn giám sát phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công đối với các hạng mục công trình của Dự án.

Trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý, để đảm bảo tiến độ thực hiện Dự án, Bộ GTVT đã cho phép Ban QLDA Đường sắt giao Tổng thầu phê duyệt thiết kế kỹ thuật một số hạng mục công trình. Đồng thời, Bộ GTVT tiếp tục có nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế trên. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục thực hiện việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công của Dự án theo đúng quy định hiện hành.

Bộ GTVT nhận thấy, việc tạm cho phép Ban QLDA Đường sắt giao cho Tổng thầu phê duyệt thiết kế kỹ thuật và Tư vấn giám sát phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công (thời điểm 28/10/2015 đến 18/8/2016), trong khi Thủ tướng Chính phủ chưa chấp thuận là không thực hiện đúng trình tự thủ tục về quản lý chất lượng công trình theo quy định.

Vì vậy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có ý kiến không chấp thuận áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công đối với Dự án, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt và các đơn vị liên quan thu hồi các quyết định mà Tổng thầu và Tư vấn giám sát đã thẩm định, phê duyệt từ thời điểm 28/10/2015 đến 18/8/2016 để tổ chức thẩm định, phê duyệt lại thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công theo đúng quy định hiện hành.

Liên quan đến đánh giá của KTNN về dự toán Dự án sai khối lượng, sai đơn giá và các chế độ khác, Bộ GTVT cho biết, do sự thiếu đồng bộ, thống nhất về quy trình, quy phạm, định mức xây dựng và mua sắm thiết bị giữa Việt Nam và Trung Quốc; đồng thời, do một số hạng mục công trình phải thay đổi, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công nhiều lần... dẫn đến khối lượng một số hạng mục trong Dự toán công trình có sự sai lệch.

Bên cạnh đó, Dự án được sử dụng đồng thời cả hai hệ thống định mức, đơn giá của Việt Nam và Trung Quốc, nên việc áp dụng định mức, đơn giá trong bước lập, thẩm định, phê duyệt dự toán của Dự án có sự khác biệt về quan điểm áp dụng định mức của KTNN, đặc biệt là định mức tính theo tỷ lệ %. Đồng thời nhiều hạng mục công trình phải áp dụng định mức ca máy của Trung Quốc, dẫn đến một số các sai lệch về đơn giá dự toán.

Để khắc phục những sai sót trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban QLDA Đường sắt và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh những sai sót về khối lượng, đơn giá dự toán, cũng như các chế độ khác theo kết luận của KTNN trong giai đoạn hậu kiểm, thanh toán, quyết toán của Dự án.

Liên quan đến kiến nghị của KTNN yêu cầu giá trị xử lý tài chính là 874,5 tỷ đồng, Bộ GTVT cho biết, đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, thực hiện giảm trừ thanh toán, thu nộp ngân sách nhà nước đúng quy định.

Theo Ban QLDA đường sắt, do một số kiến nghị liên quan đến nhiều đơn vị nên việc đảm bảo tiến độ thực hiện kết luận của KTNN trước ngày 30/9/2019 là khó thực hiện, Ban QLDA đường sắt kiến nghị Bộ GTVT báo cáo KTNN đề nghị gia hạn thời gian thực hiện kết luận đến tháng 3/2020.

Trước đó, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Ban QLDA đường sắt phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân và tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định đối với những sai sót, tồn tại trong việc tham mưu thẩm định, phê duyệt phê duyệt tổng mức đầu tư dự án còn nhiều sai sót.

Điều đáng nói là một trong những kiến nghị quan trọng nhất của KTNN đối với Dự án là việc sớm đưa công trình tai tiếng này vào khai thác vẫn đang là ẩn số đối với chính Bộ GTVT.

Tại thời điểm 30/4/2019 - mốc tiến độ hoàn thành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do chính Tổng thầu EPC cam kết với lãnh đạo Bộ GTVT hồi giữa năm 2018, khối lượng xây lắp hoàn thành tại Dự án đã đạt tới 99%. Cho tới đầu tháng 9/2019, các công việc mà Tổng thầu Trung Quốc còn nợ chủ đầu tư là hoàn thiện kiến trúc các nhà ga và các đơn thể khu Depot; đấu nối thoát nước khu gian ga Vành đai 3; đấu nối hệ thống cấp nước với hệ thống cấp nước của thành phố; thi công trạm xử lý nước thải, trạm bơm tăng áp, đường nội bộ, cảnh quan, cây xanh… trong khu Depot.

Bên cạnh đó, 4 chuyên ngành hạng mục thiết bị quan trọng nữa vẫn chưa xong gồm: thu soát vé tự động AFC, cảnh báo cháy FAS, thiết bị công nghệ khu Depot, biển báo chỉ dẫn Nhà ga...

Trong công văn thúc tiến độ Dự án vào tháng 8/2019, Bộ GTVT đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt phải yêu cầu Tổng thầu nghiêm túc thực hiện trách nhiệm của Tổng thầu đối với Dự án; xác định mốc thời gian hoàn thành đưa Dự án vào vận hành khai thác. Đây là cơ sở để Bộ GTVT  tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép gia hạn tiến độ Dự án, làm cơ sở để thực hiện các công việc tiếp theo tuân thủ đúng quy định hiện hành.

Ban QLDA đường sắt cũng được giao khẩn trương rà soát toàn bộ các hợp đồng, thỏa thuận liên quan đến Dự án, đặc biệt là hợp đồng EPC để làm rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan, thẩm quyền, quy trình xử lý tranh chấp, đồng thời so sánh với thực tế thực hiện để xác định nguyên nhân, có chế tài xử phạt đối với vi phạm hợp đồng.

Các sai sót tại dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông:

Vượt tổng mức đầu tư từ 8.769 tỷ đồng, lên 18.001 tỷ đồng (tăng 205%), nhưng Bộ GTVT không báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội.

Không giảm 5% giá dự toán thiết bị theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Chủ đầu tư tạo điều kiện cho nhà thầu Trung Quốc chỉ định thực hiện 13.751 tỷ đồng (chiếm 77%) tổng mức đầu tư.

KTNN kiểm toán khối lượng dở dang và xử lý tài chính là 874,5 tỷ đồng, trong đó nộp ngân sách, giảm thanh toán là 695 tỷ đồng.

Bộ GTVT cho phép Ban QLDA giao cho nhà thầu phê duyệt thiết kế kỹ thuật không đúng quy định.

Dự toán sai khối lượng, sai đơn giá và các chế độ khác.

Dự án chậm thực hiện 5 năm so với kế hoạch.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Đào tạo 800 người vận hành thuần thục mới hoạt động
Bộ Giao thông vận tải đã thuê một số tư vấn nước ngoài, trong đó tư vấn Pháp đứng đầu để đánh giá an toàn hệ thống. Sau khi phía tư vấn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư