Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
EU thông qua biện pháp hạn chế giá khí đốt tự nhiên
Đông Phong - 20/12/2022 09:26
 
Các bộ trưởng năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất mức trần "động" đối với giá khí đốt tự nhiên vào ngày 19/12 sau hai tháng đàm phán căng thẳng.
Đường ống kết nối một ụ nổi lưu trữ và tái hóa khí với khu vực đất liền ở Wilhelmshaven, miền bắc nước Đức vào ngày 17/12/2022. Ảnh: AFP
Đường ống kết nối một ụ nổi lưu trữ và tái hóa khí với khu vực đất liền ở Wilhelmshaven, miền bắc nước Đức vào ngày 17/12/2022. Ảnh: AFP

Việc áp hạn mức giá khí đốt nhập khẩu từ Nga là vấn đề gây tranh cãi trong các quan chức châu Âu nhiều tháng qua. Nhiều quốc gia thành viên EU lập luận rằng việc áp giá trần khí đốt là cần thiết để giảm chi phí năng lượng cao ngất ngưởng cho người tiêu dùng, trong khi một số quốc gia khác trong EU lo ngại về tác động tiềm ẩn của chính sách này đến thị trường.

"Chúng tôi đã làm công việc của mình, chúng tôi đã có thỏa thuận", Jozef Sikela, Bộ trưởng Công nghiệp của Cộng hòa Czech (quốc gia giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU), nói tại buổi họp báo.

Các bộ trưởng năng lượng EU đã giải quyết được mối bất đồng và nhất trí với cái mà họ gọi là "cơ chế điều chỉnh thị trường" đối với giá khí đốt. Cơ chế này sẽ tự động được kích hoạt trong 2 trường hợp: Nếu các hợp đồng khí đốt tháng trước vượt quá mức giá 180 EUR (tương đương 191 USD) mỗi megawatt trên sàn giao dịch DTTF của Hà Lan - cơ sở tham chiếu giá khí đốt tự nhiên của châu Âu  - trong ba ngày làm việc liên tiếp; và cao hơn 35 EUR so với giá tham chiếu đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường toàn cầu trong cùng thời kỳ.

Cơ chế giá trên sẽ được áp dụng từ ngày 15/2/2023. Khi được kích hoạt, nó sẽ có hiệu lực trong ít nhất 20 ngày làm việc.

Giá khí đốt được giao dịch trên sàn TTF đạt khoảng 109 EUR mỗi megawatt giờ trong ngày giao dịch 19/12.

Bộ trưởng Jozef Sikela nhấn mạnh rằng đó không phải là mức giới hạn giá nghiêm ngặt, vì nó có khả năng vượt quá giới hạn nếu giá trên thị trường LNG vượt quá một mức nhất định. "Nói cách khác, đây không phải là giới hạn cố định mà là giới hạn động", Bộ trưởng Công nghiệp Czech nói thêm.

"Hôm nay, chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về đề xuất cơ chế điều chỉnh thị trường để bảo vệ người dân và nền kinh tế trước tình trạng [giá năng lượng] quá cao", Tinne Van der Straeten, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ, viết trên Twitter vào ngày 19/12.

"Ngay từ đầu, một mục tiêu chung đã được xác định: kiểm soát giá cả và đảm bảo nguồn cung an toàn. Hôm nay, chúng tôi đã đạt được mục tiêu này", Bộ trưởng Năng lượng Bỉ nhấn mạnh.

Theo đánh giá của Hội đồng châu Âu, châu lục này đang trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có. Các nước EU đang phối hợp giải quyết vấn đề giá năng lượng tăng cao kỷ lục và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng cho người dân.

Hội đồng châu Âu cho rằng sự phối hợp chặt chẽ nhiều hơn nữa của EU là chìa khóa để châu lục này đương đầu với mùa đông đang tới.

Tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu trong tháng này, các nhà lãnh đạo EU đã xem xét tiến độ thực hiện các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng và kêu gọi Hội đồng châu Âu hoàn thiện các đề xuất về quy định mới nhằm tăng cường đoàn kết năng lượng, đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo và thiết lập cơ chế điều chỉnh thị trường cho giá khí đốt.

Hội đồng châu Âu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sự phối hợp của EU trong các mùa đông tới. Đặc biệt, EU xác định rằng cần đẩy nhanh việc mua chung khí đốt và trao đổi với các đối tác tin cậy để có được hợp đồng cung cấp dài hạn; đảm bảo việc bơm nạp khí hiệu quả vào các cơ sở lưu trữ khí và giám sát các kế hoạch bơm nạp; tiết giảm nhu cầu và chuẩn bị nguồn cung dự phòng cho mùa đông.

Giá năng lượng tăng cao và sự gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng là mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo EU và Hội đồng châu Âu. Sự đoàn kết giữa các quốc gia thành viên EU được cho là điều cần thiết giúp khối này đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có tiền lệ, giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng và hạn chế rủi ro. Trong đó, việc nhập khẩu chung năng lượng được xem là giải pháp giúp cắt giảm chi phí nhập khẩu.

Trong bối cảnh tình trạng gián đoạn nguồn cung, nhất là nguồn cung năng lượng của Nga có nhiều bất ổn, sự đoàn kết giữa các quốc gia EU cũng cần thiết để hỗ trợ cho những quốc gia phụ thuộc nhiều hơn vào năng lượng của Nga vì các quốc gia này sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi bất kỳ động thái cắt giảm nguồn cung.

Các mục tiêu chính mà EU đề ra để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, gồm: đảm bảo năng lượng giá cả phải chăng và cạnh tranh cho người tiêu dùng; tăng cường an ninh năng lượng và sự sẵn sàng của EU trong trường hợp khẩn cấp; tăng cường khả năng phục hồi năng lượng và quyền tự chủ của các nước EU.

Để đạt được các mục tiêu trên, các quốc gia thành viên EU đang hợp tác để tăng cường sự đoàn kết, chia sẻ cùng cắt giảm chi phí năng lượng cho hộ gia đình và doanh nghiệp; giảm sự phụ thuộc năng lượng của EU; đảm bảo nguồn cung cấp khí; và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.

Trước đó vào tháng 10/2022, Hội đồng châu Âu đã đạt được thỏa thuận về các biện pháp tiếp theo sẽ được áp dụng ở cấp EU để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Các nhà lãnh đạo kêu gọi Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu khẩn trương trình các quyết định cụ thể về: mua chung khí đốt; giá khí tham chiếu; cải thiện hoạt động của thị trường năng lượng; các biện pháp đoàn kết năng lượng trong trường hợp gián đoạn cung cấp khí đốt; và nỗ lực tiết kiệm năng lượng.

Đức tiếp tục nhập khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga qua đường biển
Theo Viện Kinh tế thế giới (IfW) có trụ sở tại thành phố Kiel (Đức), khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga tiếp tục được đưa tới Đức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư