Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
EuroCham khuyến nghị Việt Nam kiên trì phát triển khung pháp lý cho chuyển đổi xanh
Hoài Sương - 22/08/2024 08:45
 
Để nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU, việc đáp ứng tiêu chí bền vững là yếu tố quan trọng, đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.

Còn nhiều tiềm năng để khai thác

Ngày 21/8, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức “Diễn đàn Quốc gia về thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam - EU phát triển bền vững” tại TP.HCM nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với thị trường EU, góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI chia sẻ tại toạ đàm.

Theo ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch VCCI, trải qua gần 4 năm thực thi EVFTA, trong đó có đến hơn 2 năm Việt Nam, EU và cả thế giới phải hứng chịu những tác động to lớn đến từ đại dịch Covid-19 nhưng EVFTA đã cho thấy vai trò to lớn trong việc giữ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng và tạo ra xung lực mới cho thương mại hai bên cũng như xu hướng tăng đầu tư của EU vào Việt Nam.

Hiện nay, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa EU và Việt Nam rất tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 2 chiều giữa Việt Nam và EU trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 32,39 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu hàng hoá sang EU tăng 15,4%, đạt trên 24,69 tỷ USD; nhập khẩu tăng 7,7%, đạt trên 7,69 tỷ USD.

Theo ông Thành, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều rất tích cực nhưng vẫn còn khá nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa; tương xứng với tiềm năng, mong muốn của doanh nghiệp và Chính phủ hai bên. 

Nâng cao khả năng phát triển bền vững

Trong thời gian tới, thị trường sẽ tiếp tục có những thay đổi mạnh mẽ; quá trình toàn cầu hóa, khu vực hóa sẽ ngày càng sâu sắc và thiết thực hơn, cũng sẽ đòi hỏi doanh nghiệp hai bên phải chủ động, tích cực hơn nữa để bắt kịp với các xu thế mới.

Ông Võ Tân Thành cho hay, trong năm 2024, EU đã ban hành hàng loạt đạo luật mới như: Đạo luật Cơ chế điều chỉnh carbon biên giới (CBAM), Quy định chống suy thoái rừng (EUDR)… Những đạo luật này, hay Thỏa thuận Xanh châu Âu sẽ tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực mũi nhọn như nông nghiệp, dệt may, da giày, gỗ, cao su...

Do vậy, để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam việc đáp ứng các “tiêu chí bền vững” là yếu tố hết sức quan trọng, đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường.

“Đây có thể được nhìn nhận như thách thức xen lẫn cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất nội tại, gia tăng sức cạnh tranh, phát triển xuất khẩu theo hướng bền vững, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu”, Phó chủ tịch VCCI chia sẻ.

Nâng cao khả năng phát triển bền vững để khai thác hết tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Đồng tình với ý kiến, ông Jean Jacques Buouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, chuyển đổi xanh hướng đến nền kinh tế xanh, bền vững đòi hỏi các quốc gia có một cách tiếp cận với tầm nhìn toàn diện và những cam kết thực hiện những mục tiêu cụ thể.

Vừa qua, Việt Nam đã xây dựng một khung chính sách về phát triển kinh tế xanh và có những cam kết mạnh mẽ về phát triển kinh tế xanh, bền vững với các mục tiêu cụ thể của Chiến lược quốc gia về phát triển xanh phấn đấu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như các chiến lược phát triển quốc gia về rừng, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững...

Việt Nam cũng đã có những chuyển động tích cực khi kinh tế xanh đã gia tăng nhanh trong tỷ trọng nền kinh tế quốc gia, hướng tới sự phát triển kinh tế bền vững.

“Tuy nhiên, nhìn chung Việt Nam vẫn còn thiếu những khung pháp lý quy định về phát triển kinh tế xanh cho từng ngành, từng lĩnh vực cũng như những quy định về việc huy động nguồn vốn hỗ trợ tài chính cho sự phát triển kinh tế xanh”, Phó Chủ tịch EuroCham nhận định.

Đâu là giải pháp

Trước bối cảnh này, ông Jean Jacques Buouflet khuyến nghị Việt Nam kiên trì phát triển các khung pháp lý, gia tăng nguồn lực xã hội trong triển khai hành động thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh; tận dụng kinh nghiệm, kiến thức quốc tế trong phát triển kinh tế xanh để không bị chệch hướng, không phí nguồn lực xã hội.

“EuroCham mong muốn và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi xanh cho nền kinh tế, nhất là trong các lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, giao thông xanh, tài chính xanh... Chúng tôi cam kết phối hợp chặt chẽ, chia sẻ kinh nghiệm với từng ngành của Việt Nam trong đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh phát triển bền vững”, ông Jean Jacques Buouflet chia sẻ.

Do đó, ông Võ Tân Thành mong muốn phía EU nói chung và EuroCham nói riêng sẽ tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng chính sách và mô hình phát triển theo hướng xanh, hiện đại, hiệu quả.

Đồng thời hỗ trợ tăng cường năng lực cho Việt Nam, bao gồm hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật - chuyển giao công nghệ, giúp Việt Nam xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế.

Xuất khẩu nông sản của Việt Nam phải tuân thủ quy định EUDR
Bắt đầu từ tháng 12/2024, các mặt hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư