Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
FPT Retail mờ mịt triển vọng lợi nhuận
Lâm Vũ - 24/04/2021 09:49
 
Động lực tăng trưởng mới Long Châu vẫn trong quá trình đầu tư lớn và đối mặt với nhiều rủi ro khiến triển vọng lợi nhuận của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) trở nên mờ mịt.

Lợi nhuận 2020 giảm, kế hoạch 2021 thận trọng

Kết thúc năm 2020, báo cáo tài chính của FPT Retail cho biết, doanh thu thuần đạt 14.661 tỷ đồng, giảm 11,7% so với năm 2019, đánh dấu năm sụt giảm doanh thu đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây. Doanh thu giảm, nhưng các chi phí bán hàng và quản lý vẫn gia tăng, chủ yếu do đẩy mạnh đầu tư cho mảng dược phẩm, khiến hoạt động kinh doanh chính của FPT Retail chỉ thu về 77,5 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 77,5% so với thực hiện năm 2019.

Dù chi phí tài chính giảm nhẹ nhờ việc giảm các khoản vay ngắn hạn và các khoản thu nhập khác (đạt 15 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm 2019), song FPT Retail chỉ thu về vỏn vẹn 28,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 24,7 tỷ đồng, giảm 88,3% so với 2019.

Xét về cơ cấu, doanh thu bán lẻ thiết bị tin học, điện thoại và linh kiện, phụ kiện đã giảm 16,1% so với năm 2019, nhưng vẫn là nguồn đóng góp chính, chiếm 91,9% doanh thu của FPT Retail. Biên lợi nhuận trước thuế của mảng này cũng bị thu hẹp đáng kể khi chỉ đạt 1,05% (năm 2019 đạt 1,98%).

Đại dịch Covid-19 được đánh giá là nguyên nhân quan trọng tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh của FPT Retail, khi những đợt giãn cách xã hội và các cửa hàng phải đóng cửa đã ảnh hưởng đáng kể đến doanh số bán hàng và biên lợi nhuận (do vẫn phải gánh các khoản chi phí cố định).

Bên cạnh đó, thu nhập khả dụng và nhu cầu tiêu dùng yếu hơn cũng tác động tiêu cực đến sức mua các mặt hàng, bất chấp ngành hàng laptop trở thành điểm sáng, với mức tăng trưởng doanh số gần 60% nhờ hưởng lợi từ nhu cầu tăng mạnh từ việc học tập, làm việc tại nhà tăng trong bối cảnh dịch bệnh.

Đối với mảng dược phẩm, dù doanh thu ghi nhận mức tăng trưởng tới 133%, nhưng do tỷ trọng đóng góp còn nhỏ, nên chỉ giúp hạn chế mức giảm doanh thu hợp nhất. Trong khi đó, việc đẩy mạnh mở rộng mạng lưới đã khiến mảng kinh doanh này lỗ 113,1 tỷ đồng trong năm 2020, tăng gấp 2,7 lần năm 2019, qua đó, kéo giảm đáng kể lợi nhuận hợp nhất cả năm 2020 của FPT Retail.

Trước thềm Đại hội đồng cổ đông 2021 dự kiến tổ chức vào ngày 29/4 tới, Hội đồng Quản trị FPT Retail sẽ công bố kế hoạch kinh doanh năm 2021, với doanh thu 16.400 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng. So với kết quả thực hiện 2020, kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của FPT Retail lần lượt ghi nhận mức tăng 12% và 320%. Tuy nhiên, đây vẫn được đánh giá là các con số khá thận trọng, bởi kế hoạch doanh thu thấp hơn 1,4%, còn kế hoạch lợi nhuận thấp hơn 56% so với năm 2019. Mức tăng trưởng cao chủ yếu do nền tảng thấp của năm 2020, khi thị trường chịu cú sốc bởi Covid-19.

Kế hoạch kinh doanh năm 2021 của FPT Retail không phân chia cụ thể kế hoạch cho từng mảng kinh doanh. Nhưng mảng dược phẩm tiếp tục được đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh, với kế hoạch mở rộng chuỗi nhà thuốc lên con số 350 vào cuối năm 2021 cùng kỳ vọng chiếm 30% thị phần bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc trong 2 năm tới và đóng góp khoảng 25% cơ cấu doanh thu của Công ty với hơn 5.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, FPT Retail đang khá thận trọng với mục tiêu tăng trưởng doanh thu của mảng bán lẻ thiết bị công nghệ. Nguyên nhân của sự thận trọng có thể đến từ việc thị trường mảng bán lẻ thiết bị công nghệ được đánh giá là đang cạnh tranh gay gắt trong một thị trường bão hòa với tốc độ tăng trưởng ngày càng chậm lại từ trước khi Covid-19 bùng phát do tỷ lệ thâm nhập của các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh đã ở mức khá cao...

Mảng dược phẩm: Tiềm năng nhưng nhiều thách thức

Trong bối cảnh thị trường bán lẻ điện thoại, laptop đang tiến dần về điểm bão hòa, FPT Retail đã lựa chọn ngành bán lẻ dược phẩm là “con bài chiến lược” để duy trì tăng trưởng. Sau khi M&A chuỗi nhà thuốc Long Châu vào đầu năm 2017 và vận hành thử nghiệm, đến quý III/2018, Công ty Dược phẩm FPT Long Châu với số vốn điều lệ 100 tỷ đồng (trong đó FPT Retail đóng góp 75%) đã được thành lập.

Thâm nhập mảng bán lẻ dược phẩm, lãnh đạo FPT Retail đánh giá, đây là ngành hàng tiềm năng, bởi quy mô thị trường tương đương ngành hàng điện thoại, nhưng không phụ thuộc vào tình hình kinh tế, tốc độ tăng trưởng luôn đảm bảo hai chữ số và chi tiêu của người Việt Nam cho dược phẩm vẫn còn thấp. Trong khi đó, thị trường còn phân mảnh và chưa xác định được đối thủ dẫn đầu rõ rệt. FPT Retail lại sẵn kinh nghiệm vận hành, quản trị nền tảng công nghệ mạnh mẽ để chuyển từ ngành bán lẻ điện thoại, máy tính sang áp dụng cho bán lẻ dược phẩm.

Trong 2 năm trở lại đây, mạng lưới cửa hàng của Long Châu ngày càng được mở rộng nhanh chóng, cho thấy FPT Retail đang thực sự tập trung nguồn lực mạnh mẽ cho lĩnh vực này. Nếu cuối năm 2018, Long Châu mới có 22 cửa hàng, thì tính đến cuối năm 2019, đã tăng lên 70 cửa hàng và riêng trong năm 2020, 130 cửa hàng mới đã được mở, nâng số cửa hàng trong toàn hệ thống lên con số 200, trải rộng trên 43 tỉnh, thành phố.

Tốc độ mở cửa hàng dự kiến được duy trì ở mức cao trong năm 2021, khi theo kế hoạch trình Đại hội đồng cổ đông 2021, FPT Retail dự kiến nâng số cửa hàng Long Châu lên 350 đến cuối năm nay, tương ứng mở mới 150 cửa hàng. Tính đến đầu tháng 4/2021, theo giới thiệu trên hệ thống, số cửa hàng Long Châu đã tăng lên 217, trong đó TP.HCM có mật độ dày đặc nhất với 81 cửa hàng, bỏ xa vị trí thứ hai là Hà Nội với 14 cửa hàng.

Sự mở rộng về quy mô cũng giúp doanh thu mảng dược phẩm tăng lên nhanh chóng. Trong năm 2020, mảng này đem về 1.190,8 tỷ đồng doanh thu, tăng 133,2% so với năm 2019, tỷ trọng đóng góp vào cơ cấu doanh thu tăng lên 8,1%, từ mức 3,1% của năm 2019. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng dược đã góp phần đáng kể giúp giảm ảnh hưởng từ sự suy giảm doanh thu của mảng bán lẻ ICT.

Nếu duy trì được tốc độ mở cửa hàng hiện nay, mục tiêu trên với FPT Retail hoàn toàn khả thi. Nhưng vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm là khi nào hệ thống này có thể đem về lợi nhuận, khi việc mở rộng cửa hàng nhanh kéo theo các chi phí cố định và lưu động tăng mạnh khiến mảng kinh doanh này lỗ “vượt dự kiến”.

Tại Đại hội đồng cổ đông 2019, Ban lãnh đạo FPT Retail chia sẻ kỳ vọng Long Châu sẽ lỗ khoảng 20 tỷ đồng trong năm 2019, tiến tới hòa vốn vào năm 2020 và có lợi nhuận từ năm 2021. Tuy vậy, kết thúc năm 2019, lỗ trước thuế của mảng này là 41,8 tỷ đồng và kết thúc năm 2020, con số lỗ tăng gấp 2,7 lần, lên 113,1 tỷ đồng.

Trong một chia sẻ giữa năm 2020, lãnh đạo FPT Retail đánh giá, thời gian hoà vốn dự kiến của Long Châu sẽ rơi vào năm 2022 (kế hoạch ban đầu có lãi trong năm 2021). Tuy vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu này đang bị đặt dấu hỏi lớn.

Nhìn sang Pharmacity, chuỗi nhà thuốc lớn nhất ở Việt Nam hiện có gần 500 cửa hàng, gấp hơn 2 lần số cửa hàng của Long Châu và có mặt ở Việt Nam từ cuối năm 2011. Theo báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh do Pharmacity công bố, doanh nghiệp đã gánh lỗ sau thuế lên đến 194 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020 (cùng kỳ năm 2019 lỗ 122 tỷ đồng). Trước đó, Pharmacity đã lỗ ròng 265 tỷ đồng trong năm 2019. Số lỗ của Pharmacity tăng mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp tăng tốc mở rộng chuỗi cửa hàng.

Nhận định của FPT Retail về tiềm năng thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam là có cơ sở và trùng với nhiều phân tích đánh giá của các tổ chức nghiên cứu độc lập. Kinh nghiệm quản trị, điều hành, áp dụng công nghệ cũng là lợi thế sẵn có của doanh nghiệp. Thêm vào đó, các quy định ngày càng khắt khe của ngành y tế, cũng như xu hướng thận trọng của người tiêu dùng cũng ủng hộ cho mô hình chuỗi nhà thuốc hiện đại trong dài hạn.

Tuy vậy, điều này cũng chưa đảm bảo rằng, chuỗi bán lẻ thuốc sẽ thành công, nhất là trong ngắn hạn khi tại Việt Nam, nhà thuốc đơn lẻ vẫn đang áp đảo với lợi thế về khả năng len lỏi ở khắp các ngóc ngách và sự quen thuộc với người tiêu dùng trong các khu vực nhỏ, trong khi bảo hiểm y tế chỉ chi trả trong kênh bệnh viện, hay các bệnh viện tư đều có nhà thuốc riêng.

Thực tế không ít chuỗi nhà thuốc sau cả chục năm xuất hiện như Mỹ Châu hay Phano vẫn để lại dấu ấn khá mờ nhạt. Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) - doanh nghiệp dẫn đầu thị phần mảng bán lẻ thiết bị ICT (vị trí thứ 2 thuộc về FPT Retail) cũng đã mua lại chuỗi nhà thuốc Phúc Khang (sau đổi tên thành An Khang) vào đầu năm 2018, nhưng sau thời gian đầu tư ban đầu, đã giảm nhịp độ rót vốn để tập trung cho mảng bán lẻ thực phẩm với chuỗi cửa hàng Bách hóa Xanh.

Một khó khăn đáng kể mà những doanh nghiệp bán lẻ, trong đó có FPT Retail phải đối mặt là sự phụ thuộc rất lớn vào địa điểm, khi càng mở rộng, việc tìm được các địa điểm phù hợp để nhân rộng thành công của các cửa hàng đầu tiên ngày càng khó khăn hơn. Nếu không có chính sách đóng cửa, thay đổi cửa hàng kém hiệu quả song song với việc mở cửa hàng mới, các cửa hàng này có thể trở thành gánh nặng với bài toán lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ.

Trước khi FPT Retail niêm yết trên sàn chứng khoán, 2 quỹ VinaCapital và Dragon đã có lúc đã sở hữu tổng cộng hơn 34% vốn tại đây. Tuy vậy, từ cuối năm 2020, cả 2 nhóm quỹ đã liên tục giảm sở hữu và đến đầu tháng 3/2021, tỷ lệ sở hữu của nhóm quỹ VinaCapital đã giảm xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn. Nhóm quỹ Dragon Capital cũng không còn là cổ đông lớn tại FPT Retail từ cuối năm 2020. Trên thị trường, thị giá cổ phiếu FRT của FPT Retail vẫn thấp hơn khoảng 60% so với mức giá khi mới niêm yết vào năm 2018, sau khi điều chỉnh các quyền cổ tức được nhận.
Doanh thu chuỗi nhà thuốc Long Châu mang về cho FPT Retail gần 1.200 tỷ đồng
Năm 2020, FPT Retail đẩy mạnh đầu tư mở rộng chuỗi cửa hàng Long Châu với 130 cửa hàng được mở mới, đưa doanh thu của chuỗi nhà thuốc Long Châu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư