Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Gần 4 triệu đồng/cổ phiếu, startup công nghệ Việt khiến giới đầu tư "phát cuồng"
PV (ICTNews/TTT) - 13/10/2016 07:40
 
Gần 4 triệu đồng cho 1 cổ phiếu Vexere.com, 2 triệu đồng cho 1 cổ phiếu Topica, gần 700 nghìn đồng cho 1 cổ phiếu VNG... Giá cổ phiếu của các start-up gợi nhớ lại một thời kỳ oanh liệt của TTCK Việt Nam giai đoạn sơ khai 10 năm trước.

Trong số hơn 700 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán, chỉ có hơn chục cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng, chủ yếu là cổ phiếu của các doanh nghiệp tên tuổi đầu ngành như Vinamilk, Dược Hậu Giang, Nhựa Bình Minh, Thiên Long…

Tuy nhiên, trong thế giới của các start-up Việt Nam, mức giá vài trăm nghìn đồng thậm chí lên đến vài triệu đồng – tức gấp tới cả 100 lần mệnh giá lại không phải là chuyện hiếm.

Theo tìm hiểu, trong năm 2014, một công ty quản lý quỹ đầu tư trong nước nhận ủy thác của một quỹ nước ngoài đã chi ra tới 2,1 tỷ đồng chỉ để mua 1.112 cổ phiếu của startup Vexere.com, tương ứng giá mua lên đến 1.900.000 đồng/cp.

1,9 triệu đồng/cp cũng là mức giá năm 2014 của CTCP Đầu tư và Phát triển Đào tạo E.D.H – công ty sở hữu 99,9% cổ phần của Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica.

Sang năm 2015, khi công ty quản lý trên mua thêm 2.222 cổ phiếu Vexere cho khách hàng của mình, số tiền phải chi ra đã lên đến 8,54 tỷ đồng, tương ứng 3.841.000 đồng/cp – gấp đôi so với năm trước đó.

Việc Vexere.com và E.D.H có mức giá cổ phiếu lên đến hàng triệu đồng một phần vì các doanh nghiệp này có vốn điều lệ khá nhỏ. Hiện Vexere chỉ có vốn điều lệ 133 triệu đồng - tương ứng số cổ phiếu đang lưu hành chỉ có 13.334 cổ phiếu hay vốn điều lệ của E.D.H chỉ có 2,5 tỷ đồng.

Vốn điều lệ “siêu nhỏ”, chỉ từ vài ba tỷ đến chục tỷ đồng cũng là đặc điểm chung của hầu hết các start-up tại Việt Nam. Vốn nhỏ dẫn đến lượng cổ phiếu “cô đặc” chính vì vậy nhiều start-up có triển vọng không quá khó để bán cổ phiếu với giá gấp vài chục lần mệnh giá cho các quỹ đầu tư.

Trong năm 2015, quỹ đầu tư CyberAgent của Nhật Bản đã thoái một phần vốn khỏi start-up Foody với mức giá xấp xỉ 300.000 đồng/cp và mua vào cổ phiếu của CTCP So sánh Việt Nam (Websosanh) với giá 284.000 đồng/cp.

Năm 2016 cũng có một số thương vụ đình đám như SCPE đầu tư vào ví điện tử Momo hay VNG đầu tư vào trang thương mại điện tử Tiki.

Quỹ đầu tư SCPE thuộc ngân hàng Standard Chartered đã chi ra 25 triệu để mua 20% cổ phần của Momo; tương ứng Momo được định giá lên đến 125 triệu USD – trở thành một trong những công ty công nghệ đắt giá nhất Việt Nam. Mức giá mà SCPE trả là gần 360.000 đồng/cp.

CTCP VNG – doanh nghiệp game online lớn nhất Việt Nam đã chi 384 tỷ đồng để mua 38% cổ phần của trang thương mại điện tử Tiki.vn với mức giá 103.442 đồng/cp. Tại mức giá này, vốn hóa của Tiki đạt hơn 1.000 tỷ đồng (45 triệu USD) – tăng gấp 4 lần so với năm 2013.

Bản thân VNG cũng là một trong những công ty công nghệ có giá cao nhất hiện nay. Tháng 3/2015, VNG đã chào bán thành công lượng cổ phiếu có mệnh giá 2,9 tỷ đồng thu về hơn 194 tỷ đồng – tương ứng giá phát hành 666.000 đồng/cp. VNG cũng có kế hoạch mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ với giá 542.000 đồng/cp. Với các mức giá này, giá trị của VNG dao động trong khoảng từ 15.000-18.000 tỷ đồng.

Khi lên sàn vào cuối năm 2006, cổ phiếu FPT từng có giá hơn 600.000/cp. Tuy nhiên, sau nhiều biến động của thị trường cũng như chia thưởng cổ phiếu, hiện cổ phiếu FPT chỉ còn quanh mức 45.000 đồng.

Hiện vốn hóa của FPT đạt 20.000 tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với mức 19.700 tỷ đồng của Thế giới Di động. Giá trị của Thế giới Di động đã tăng gần gấp 4 lần so với khi lên sàn cách đây 2 năm.

Startup công nghệ: Lỗ nhiều định giá càng cao
Đối với nhiều công ty khởi nghiệp, quá trình lỗ có thể kéo dài cả chục năm. Đôi khi càng lỗ nhiều lại càng được định giá cao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư