Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Giá sữa như con ngựa bất kham
Phan Đức - 10/03/2014 08:41
 
Tất cả các em nhỏ đang cần sữa ở Việt Nam vừa nhận thêm một đòn choáng váng.

Từ trước Tết đến nay, hầu hết các nhãn sữa đã thông báo điều chỉnh tăng giá. Hay nhất là sữa tăng giá đúng vào thời điểm mới được đưa vào diện bình ổn giá theo Thông tư 30 của Bộ Y tế (có hiệu lực từ tháng 11-2013). Còn nhớ trong năm 2013, sữa dành cho trẻ em tăng giá đồng loạt, dư luận kêu trời, các cơ quan chức năng tìm mãi, tìm mãi mới thấy nguyên nhân: sữa đã được đưa ra khỏi danh mục hàng bình ổn giá.

Vậy là kiểm điểm, quy trách nhiệm v.v…và khẩn cấp đưa ngay trở lại vào diện bình ổn giá. Nhưng giá sữa là kẻ ngoan cố, đưa vào diện bình ổn giá mà nó không ngoan ngoãn chấp hành mà tiếp tục tăng giá, tăng giá một cách công khai, tăng giá một cách không coi ai ra gì. Nhưng kịch bản hài hước chưa dừng ở đó.


(Minh họa Internet)


Cơ quan chức năng quyết liệt: Chưa nắm được gì?

Sáng 4-3, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính khẳng định với báo giới: “Việc quản lý giá sữa từ trước tới nay được Bộ Tài chính làm rất nghiêm túc và quyết liệt, căn cứ vào Pháp lệnh Giá từ năm 2003 tới nay”. Quá tốt. Chỉ tiếc là trước đó trong khi trả lời báo chí, chính ông Tuấn đã nói rõ: “Hiện nay, chúng tôi chưa thống kê hết được có bao nhiêu công ty kinh doanh sữa trên cả nước.

Chúng tôi chỉ quản lý việc kê khai giá ở 6 công ty sữa song, chúng tôi cũng chưa có một số liệu nào đánh giá 6 công ty này thực chất chiếm bao nhiêu thị phần. Còn cảm nhận qua doanh số, theo báo cáo của doanh nghiệp thì thị phần của họ chiếm khoảng 60% trên cả nước”. Ông còn nhấn mạnh: “Chúng tôi chưa có tài liệu so sánh giá sữa ở Việt Nam với các nước khu vực” và “mong sẽ có cơ quan nào đó thống kê giúp”.

Một thông tin quan trọng hơn, đó là kết quả thanh tra, kiểm tra về vi phạm các doanh nghiệp sữa vào cuối năm 2013, Cục Quản lý giá đã trả lời rõ ràng: đó là lĩnh vực của thanh tra và lực lượng quản lý thị trường! Theo nhiều chuyên gia của chính Cục Quản lý giá, Cục này quản lý giá chủ yếu qua điện thoại và báo cáo của các doanh nghiệp(!). Một Cục phó cục Quản lý giá kể chuyện: Trước 31-1, ngày Nestle kê khai tăng giá thì Cục đều có gọi điện hỏi, song doanh nghiệp khẳng định là không tăng giá.

Đến ngày 24-2, qua kênh báo chí, thấy có phản ánh hiện tượng tăng giá, Cục cũng đã gọi điện đến doanh nghiệp này thì nhận được 2 thông tin. Cô nhân viên kê khai giá của Nestle khẳng định là “chúng em chưa tăng giá”, nhưng khi hỏi “vặn” lại về thông tin báo chí nêu, Giám đốc phụ trách đối ngoại của doanh nghiệp mới bảo “Công ty đã tăng giá từ ngày
1-2”. Nhưng Cục hỏi cũng là để hỏi thôi, bởi sau khi biết thông tin tăng giá thì Cục Quản lý giá… tắt điện thoại và không có hành động gì.

Và mới đây nhất, khi hàng loạt các doanh nghiệp sữa tăng giá sữa theo cùng tỷ lệ, cùng một ngày, việc tăng giá cùng thời điểm như trên tương tự như việc ngày 16-10-2013, các doanh nghiệp Viễn thông Viettel, Mobifone, Vinaphone đã đồng loạt tăng cước dịch vụ 3G lên 40%. Dư luận đặt nghi vấn, có phải các doanh nghiệp sữa cùng bắt tay nhau “bóp mũi” trẻ em không? Câu trả lời của của Bộ Công thương là: Không.

Chưa có dấu hiệu(?). Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương đã trả lời: “Chúng tôi chưa kết luận là 3 hay 4 doanh nghiệp bắt tay nhau tăng giá song những hành vi như vậy Cục Quản lý cạnh tranh phải phối hợp với các bộ ngành liên quan để tập hợp số liệu, thông số nếu khi phát hiện có hành vi cụ thể chúng tôi sẽ ra quyết định điều tra sơ bộ”. Ông Nguyễn Phương Nam, Cục phó, cho biết rằng, thời gian để các cơ quan chức năng điều tra sơ bộ đối với nghi án liên kết làm giá của doanh nghiệp sữa là 30 ngày.

Nếu điều tra sơ bộ mà phát hiện hành vi vi phạm sẽ chuyển cơ quan điều tra điều tra chính thức và thời gian cho quá trình này là 180 ngày. Trong trường hợp vụ việc phức tạp, cơ quan điều tra có thể gia hạn điều tra 2 lần, mỗi lần không quá 60 ngày. Các em, các cháu chờ thôi. Theo một lang y, nước cháo loãng cũng có thể dùng thay cho sữa một thời gian.

Hay thật, quản lý giá như vậy là quản lý kiểu gì? Và có thể con ngựa bất kham giá sữa đang lồng lộn là bởi cơ quan quản lý giá đã bán mất sợi dây cương?

Một cơ chế không chấp nhận nổi

Cơ chế quản lý giá hiện nay được thực hiện như sau. Bộ Tài chính quản lý về giá, Bộ Công thương quản lý về thị trường. Vậy cho nên ông chằng bà chuộc. Cả ông lẫn bà đều bất lực nhìn giá sữa nhảy múa.

Tại phiên họp Chính phủ ngày 28-2, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị các bộ liên quan cần bám sát, yêu cầu giải trình việc “4 ông lớn” trong ngành sữa đã đồng loạt tăng giá sản phẩm dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, hiện Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài Chính là cơ quan chủ trì để xem xét lại việc quản lý mặt hàng sữa hiện nay. Và ngày 4-3, một cuộc họp liên bộ đã được tổ chức. Kết quả là các đoàn thanh tra được thành lập vào cuộc theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm làm rõ hành vi vi phạm pháp luật về giá và về thuế của các DN vi phạm.

Sau khi có kết quả thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật và công khai kết quả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đại diện Thanh tra Bộ Tài chính cho biết, sẽ phối hợp với Cục Quản lý giá tiến hành thanh tra, kiểm tra 4 DN sữa nêu trên trong tuần này. Các cuộc thanh tra này cần thực hiện khẩn trương, với sự phối hợp chặt chẽ của những bộ, ngành liên quan mà ở đây là Bộ Tài chính và Công thương. Những hành động quyết liệt, mạnh mẽ và kịp thời của cơ quan quản lý sẽ giúp DN giảm thiểu hành vi sai phạm và quyền lợi của người tiêu dùng được bảo vệ một cách hữu hiệu.

Dư luận đang chờ kết luận thanh tra của cơ quan quản lý về việc có hay không những vi phạm pháp luật về giá. Sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời của cơ quan quản lý là mong mỏi hiện nay của hàng triệu người tiêu dùng đang sử dụng sữa bột bởi trước khi có kết luận, họ vẫn phải mua sữa với giá cao.

Kinh nghiệm của Trung Quốc đã được bàn tới trong việc xử lý các doanh nghiệp sữa vi phạm. Tại Trung Quốc, mới đây 5 DN kinh doanh sữa tên tuổi đã bị chính quyền nước này phạt 108 triệu USD vì hành vi thao túng giá sữa. Theo thông tin của hãng thông tấn AFP, quyết định xử phạt này được đưa ra sau khi Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) đưa ra yêu cầu điều tra sau 5 tháng. Đây cũng là án phạt kỷ lục trong cuộc chiến chống độc quyền tại Trung Quốc. NDRC cho biết, các hãng sữa nêu trên đã ấn định giá tối thiểu với nhà phân phối và phạt các đại lý nếu bán sai giá. Hành động của các hãng sữa này đã làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường và duy trì giá sữa bột ở mức cao một cách vô lý; đồng thời làm suy yếu tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và làm tổn hại tới lợi ích của người tiêu dùng.

Còn ở Việt Nam, các em các cháu phải chờ thôi. Bởi vì ngay sau khi có kết luận các doanh nghiệp sữa sai trái, những em đã uống sữa đắt tiền một cách vô lý chắc chắn cũng không nhận lại được tiền, còn các cháu không được uống sữa thì tiền là vô ích trước căn bệnh còi xương. Thương quá, các em các cháu ơi.

Chưa cho phép tăng giá sữa nhập khẩu
Cục Quản lý giá cho biết, cục chưa cho phép doanh nghiệp tăng giá bán mặt hàng sữa bột nhập khẩu cho trẻ từ 0 - 6 tuổi. Giá bán lẻ sữa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư