Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Giấc mơ bay của người Việt
Bảo Như - 26/01/2020 07:48
 
Bằng sự khát khao, sáng tạo và tận tâm…, nhiều nhà đầu tư tư nhân thuần Việt đã thành công với giấc mơ bay, đưa hàng không trở thành một ngành kinh tế lớn với doanh thu lên tới hàng chục tỷ USD mỗi năm và là niềm cảm hứng khởi nghiệp, kinh doanh cho nhiều doanh nhân trong nước.
.
Nhiều nhà đầu tư tư nhân thuần Việt đã thành công với giấc mơ bay.

Điểm đến của những “cánh đại bàng”

Cơ trưởng Stephan Asok Sukumar, 54 tuổi, người Đức đã phải mất 3 tháng khi quyết định rời Etihad Airways - hãng hàng không quốc gia của Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất để về với Bamboo Airways theo lời mời của ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hãng này.

Đó chắc chắn không phải là quyết định dễ dàng, bởi ngoài bản tính thận trọng của người Đức, ông Stephan khi đó còn đang giữ cương vị quản lý và điều hành Đội bay Boeing 787-9 của Etihad, một trong những hãng hàng không nổi tiếng ở Trung Đông, gần như không có giới hạn về tiềm lực tài chính.

Trước khi về với Etihad vào năm 2014, Đội trưởng Đội Boeing 787-9 của Bamboo Airways hiện nay còn sở hữu một lý lịch bay khá đồ sộ khi là một trong số ít những phi công đầu tiên trên thế giới bay Boeing B787 từ năm 2012; từng tham gia đào tạo phi công Boeing 787 tại Boeing sau những năm tháng gắn bó với Hapag Lloyd và Lufthansa.

Ở chiều ngược lại, khi vị cơ trưởng này đồng ý về với Bamboo Airways vào tháng 8/2019, hãng này mới chỉ bắt đầu khai thác thương mại khoảng 6 tháng, thậm chí còn chưa nhận được tàu bay Boeing 787-9 nào.

Ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch Bamboo Airways cho biết, với những “cánh đại bàng” lão luyện như Stephan, tiền hay những chế độ phúc lợi chắc chắn là chưa đủ để thuyết phục họ về làm việc.

“Ngoài tầm nhìn và khát vọng của lãnh đạo Bamboo Airways, tôi quyết định gia nhập vì hai điều cơ bản. Việt Nam là thị trường hàng không có rất nhiều tiềm năng và đang phát triển mạnh. Tại châu Âu, tốc độ tăng trưởng của ngành hàng không chỉ 1,5 - 3%/năm, nhưng ở Việt Nam là 19%/năm”, Cơ trưởng Stephan nói.

Lý do thứ hai được ông Stephan chia sẻ là, Bamboo Airways cho ông một cơ hội làm nghề hiếm có trong đời. “Tôi được trao cơ hội cùng mọi người bắt đầu xây dựng và phát triển đội máy bay thân rộng B787-9 với một hãng hàng không non trẻ, nhưng có khát vọng lớn là trở thành hãng bay 5 sao, hàng đầu khu vực”, ông Stephan bày tỏ.

Ngoài việc góp công chuẩn bị, quản lý nguồn nhân lực cho đội bay Boeing 787-9 hiện đã lên tới 150 phi công người Việt và quốc tế, với kinh nghiệm lâu năm, ông Stephan còn cùng những đồng nghiệp Việt xây dựng các tài liệu khai thác; tiếp nhận tàu bay Boeing - vốn là thách thức lớn ngay cả với một hãng hàng không lâu năm.

“Tính từ khi được cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không đến khi thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên bằng Boeing 787-9 vào đầu tháng 1/2019, Bamboo Airways chỉ cần khoảng 1 năm. Đó là sự phát triển vượt bậc, ít hãng hàng không trên thế giới có thể thực hiện”, ông Ihssane Mouni, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh và marketing Tập đoàn Boeing nhận định.

Thế giới không thay đổi bởi công nghệ, mà bởi giấc mơ của con người.

- Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet

Cần phải nói thêm rằng, Stephan không phải là nhân sự “có số má” duy nhất trong ngành hàng không quốc tế nhận lời mời về với Bamboo Airways. Trước khi được bổ nhiệm là Phó tổng giám đốc tại Bamboo Airways từ tháng 2/2019, ông Eddy Doyle đã có 30 năm làm việc tại Air Canada, đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo cấp cao như Phó tổng giám đốc phụ trách khai thác bay tại hãng bay lớn nhất Canada.

Cho đến thời điểm này, Bamboo Airways mới chỉ bay được hơn một năm và vẫn còn chặng đường dài với rất nhiều khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu trở thành hãng hàng không 5 sao hàng đầu khu vực. Tuy nhiên, với việc sở hữu 30 tàu bay, trong đó có 4 chiếc Boeing 787-9 hiện đại vào quý I/2019; đồng thời liên tục nhận được phản hồi tích cực của hành khách về chất lượng dịch vụ, Bamboo Airways hứa hẹn góp phần tạo nên cuộc đua “tam mã” đầy thú vị với Vietnam Airlines và Vietjet ngay trong năm 2020.

Ước mơ không giới hạn

Khác với Bamboo Airways vẫn đang trong giai đoạn khẳng định mình, cho đến thời điểm này, sau hơn 8 năm kể từ ngày thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên (25/12/2011), Vietjet đã xây chắc vị trí số 1 về thị phần tại thị trường nội địa và đang vươn ra trở thành hãng hàng không chi phí thấp hàng đầu tại Đông Nam Á.

Vượt qua những định kiến trong ngành hàng không, như: kinh doanh hàng không là “cối xay tiền”, hàng không là thứ xa xỉ, khó có thể phục vụ số đông, Vietjet đã và đang làm thay đổi diện mạo của ngành hàng không Việt Nam, đưa hàng không trở nên phổ thông, đại chúng hơn với mọi người dân.

Hãng bay thế hệ mới này đã phá vỡ sự độc quyền trong kinh doanh hàng không, tạo cạnh tranh lành mạnh, giúp 30% hành khách lần đầu tiên được sử dụng dịch vụ hàng không, trong đó có nhiều người thậm chí còn chưa bao giờ mơ đến việc được đi máy bay.

Tính đến cuối tháng 12/2019, hãng hàng không thế hệ mới với đội bay gồm 80 chiếc Airbus 320/321 thế hệ mới nhất của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục giữ vị trí số 1 tại thị trường nội địa với 41,7% thị phần. Cùng với đó, sau hơn một năm tiến hành dịch chuyển cung tải từ nội địa sang quốc tế, thị phần vận chuyển hành khách quốc tế của Vietjet trong năm 2019 đã đạt 18,4%, chỉ còn kém đơn vị dẫn đầu là Vietnam Airlines 3%.

Đây là sự cố gắng lớn của Vietjet trong bối cảnh phải cạnh tranh với khoảng 80 hãng hàng không quốc tế, trong đó có nhiều thương hiệu lớn. “Cuộc cách mạng trong ngành hàng không”, “câu chuyện cổ tích có thật” của bà Thảo và Vietjet còn được hiện thực hóa bằng việc đạt lợi nhuận ngay từ năm thứ 2 hoạt động, doanh thu năm thứ 5 gấp 3 lần năm thứ 3 và đang là một “ngôi sao” sáng trên HoSE với giá trị vốn hóa lên tới 3,5 tỷ USD.

Đã có rất nhiều người thử tìm lý do dẫn đến thành công của Vietjet. Lựa chọn hướng đi đúng đắn thông qua việc từ bỏ mô hình hàng không 5 sao sang mô hình hàng không thế hệ mới, hành khách được tự chọn dịch vụ thay vì kèm tất cả vào giá vé; cách đầu tư đội tàu bay khôn ngoan nhờ sử dụng hiệu quả nghiệp vụ bán và thuê lại (SLB); tận tâm, hết lòng với công việc… những điều này đúng, nhưng vẫn là chưa đủ đối với trường hợp của Vietjet.

“Đừng tiết kiệm giấc mơ. Hãy mơ những giấc mơ to lớn và biến hoài bão thành hiện thực bằng hành động mỗi ngày”, bà Thảo từng lý giải. Nữ CEO cũng khẳng định: “Bằng những nỗ lực, ước mơ, chúng tôi là một trong những doanh nghiệp mang đến những thay đổi tích cực trong ngành hàng không”.

Bản thân Vietjet hiện cũng đã chủ động vươn ra khỏi thị trường nội địa bằng việc tham gia thành lập ThaiVietjet - hãng hàng không đang nhận được sự ưa chuộng của giới trẻ Thái Lan. Bà Thảo cũng không giấu tham vọng đưa Vietjet vươn mình trở thành “một Emirates của châu Á”. Nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam nhấn mạnh rằng, bay thời 4.0 có thể không cần con người phục vụ, nhưng phải biết “dạy máy móc biết cười”. “Thế giới không thay đổi bởi công nghệ, mà bởi giấc mơ của con người”, bà Thảo nói.

Trên thực tế, những thành công của Vietjet cũng chính là nguồn cảm hứng cho các nhà đầu tư tư nhân khác mạnh dạn hơn với quyết định tham gia vào thị trường hàng không Việt Nam. Sau Bamboo Airways, hiện có ít nhất 3 hãng hàng không chuẩn bị “tung cánh” trong thời gian tới như Vinpearl Air, Vietravel Airlines, Kite Air…, từng bước đưa hàng không sớm trở thành một ngành kinh tế lớn của đất nước.

Vĩ thanh

Nawal Taneja - chiến lược gia hàng không hàng đầu thế giới trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 12/2019 đã đánh giá việc luôn duy trì tốc độ tăng trưởng 20%/năm trong hơn 10 năm qua đã biến hàng không Việt Nam thành tâm điểm mới, một hiện tượng của các nhà nghiên cứu.

“Với thị trường gần 100 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 7%, địa hình trải dài theo trục Bắc - Nam, một số sân bay có tiềm năng phát triển thành sân bay trung chuyển quốc tế lớn, ngành hàng không Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn. Vấn đề là các bạn phải có khát vọng vươn lên, trở thành một hãng hàng không toàn cầu và sở hữu một chiến lược kinh doanh đúng đắn”, Giáo sư Taneja nhận xét.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần nhấn mạnh: Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa, nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất.

Khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng của Việt Nam đang rất mãnh liệt, không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới... Sự trỗi dậy, vươn lên của Vietnam Airlines, Vietjet hay sự xuất hiện với tâm thế đầy tự tin của Bamboo Airways, Vinpearl Air… là minh chứng rõ nhất cho những khát khao, những giấc mơ của người Việt trong lĩnh vực kinh doanh phức tạp và cạnh tranh gay gắt nhất hiện nay đã được hiện thực hóa.

Ủy ban Quản lý vốn muốn “ông lớn” cảng hàng không lãi ít nhất 10.811 tỷ đồng trong năm 2020
Hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2020 của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đều được cổ đông chi phối giao cao hơn nhiều so...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư