Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Giải bài toán kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
Anh Trung - 01/11/2015 15:10
 
Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã phải đứng ra tổ chức Hội thảo Kết nối chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, thay thế hàng nhập khẩu và tăng tỷ lệ nội địa hóa, khi những than phiền lâu nay về khó khăn trong tìm kiếm nhà cung cấp của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn chưa được hóa giải.

Tại Hội thảo vừa được tổ chức, đại diện của Toyota, Ford tại Việt Nam… đã tái đề cập điều này và nhấn mạnh, họ đã có mặt ở Việt Nam khá lâu nhưng vẫn chưa đạt được tỷ lệ nội địa hóa như mong đợi.

Trao đổi tại Hội thảo, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nhấn mạnh, nhu cầu này đang tăng nhanh khi dự báo làn sóng FDI mới có chất lượng cao từ các nước OECD, đặc biệt là Mỹ, sẽ đến Việt Nam khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và sẽ được ký kết, thực thi trong năm tới, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Còn hiện tại, các tập đoàn như Samsung, LG, Intel, Canon, Microsoft hay Nokia đang tìm kiếm thầu phụ điều kiện đáp ứng các tiêu chí của từng tập đoàn tại Việt Nam.

“Vấn đề là kết nối được các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam và các tập đoàn này”, GS-TSKH Nguyễn Mại nói.

Tuy nhiên, đây vẫn là phần việc khó. Về chính sách, theo phân tích của ông Phạm Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. Thời gian qua, một số ngành công nghiệp đã nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của Chính phủ như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy… nhờ vậy đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, nhiều dự án sản xuất các sản phẩm điện tử quy mô lớn.

“Samsung, LG… đầu tư vào Việt Nam, kèm theo đó nhu cầu linh phụ kiện cũng tăng cao, mở ra thị trường và cơ hội lớn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam”, ông Tuấn Anh cho biết.

Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ cung ứng linh kiện, phụ tùng nội địa cho các nhà lắp ráp thấp, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao vẫn do các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đảm nhận. Thêm vào đó, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn phải phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu khiến sản xuất nhiều khi còn manh mún, bị động, chí phí sản xuất cao.

Samsung đang tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng trở thành nhà cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp cho Samsung.
Samsung đang tìm kiếm các doanh nghiệp Việt Nam có khả năng trở thành nhà cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp cho Samsung.

Đến nay, thống kê của Bộ Công thương cho thấy, các doanh nghiệp nội địa mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu nội địa về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Vấn đề là Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu đãi để thúc đẩy ngành này, như Quyết định 12/2011/QĐ-TTg quy định về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; Quyết định số 1483/2011/QĐ-TTg ban hành danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, song tình hình vẫn chưa được cải thiện. Sau 2 quyết định này, chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp FDI là Công ty TNHH Kyocera Việt Nam nộp hồ sơ và được xem xét thẩm định và trình Chính phủ chấp thuận hưởng ưu đãi.

“Chính phủ đã giao Bộ Công thương xây dựng nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hiện tại, Bộ Công thương đã hoàn thiện Dự thảo và trình Chính phủ xem xét, ban hành. Chúng tôi hy vọng, Nghị định này sẽ sớm có hiệu lực trong thời gian tới để cải thiện tình hình”, ông Tuấn Anh kỳ vọng.

Cũng phải nói thêm, sự kỳ vọng của ông Tuấn Anh chưa hẳn là kỳ vọng của giới doanh nghiệp, nhà đầu tư, vì trong Hội thảo, khi giới thiệu một số chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cũng chia sẻ luôn sự ngạc nhiên của mình khi có tới 90% doanh nghiệp có mặt tại Hội thảo cho biết họ không hề biết đến chương trình hỗ trợ và sự tồn tại của quỹ này. Có thể thấy, vướng mắc vẫn ở sự kết nối về thông tin chính sách tới các doanh nghiệp. Nếu tình hình này không được cải thiện, 1.000 tỷ đồng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia sẽ lại tiếp tục không được doanh nghiệp biết đến. Cơ hội để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ tắc ngay từ khâu thực thi chính sách.

Vốn FDI rót mạnh vào dệt may, công nghiệp hỗ trợ phía Nam
Sau 9 tháng đầu năm, các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đều hoàn thành vượt kế hoạch năm về thu hút vốn đầu tư trực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư