Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Giám đốc đầu tư VinaCapital lý giải "gu" đầu tư vào lĩnh vực y tế
Hồng Phúc - 30/03/2019 15:12
 
Ông Andy Hồ, Giám đốc đầu tư VinaCapital đưa ra mô hình “3 chân của một chiếc bàn” sẽ góp phần giải quyết được mục tiêu thu hút vốn đầu tư vào ngành y tế.

Lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu

Ba “chân” mà ông Andy Hồ đề cập bao gồm, sự thay đổi về chính sách thu hút đầu tư, cơ chế giá bảo hiểm y tế và thành lập một Quỹ đầu tư vào các trường Đại học đang đào tạo đội ngũ nhân lực trong ngành.

“Ba yếu tố này như 3 chân của một chiếc bàn. Chỉ một chân được đẩy lên thì cả chiếc bàn sẽ cập kênh. Đó là yêu cầu thay đổi đồng bộ. Khi nhà đầu tư thấy ngành y tế phát triển đều giữa các “chân”này, họ sẽ đầu tư và tái đầu tư nhiều hơn nữa”, ông Andy Hồ, Giám đốc đầu tư VinaCapital đưa ra quan điểm với kinh nghiệm từng đầu tư và thoái vốn “rất thành công” tại CTCP Y khoa Hoàn Mỹ.

Năm 2009, VinaCapital cùng DWS Vietnam Fund của Deustche Bank chi 20 triệu USD để nắm giữ 44% vốn của bệnh viện đa khoa Hoàn Mỹ.

Sau đó, Vinacapital đã thoái vốn tại Hoàn Mỹ và từ 2011, được đổi tên thành bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn cũng như thuộc quyền sở hữu của Tập Đoàn Quốc Tế Fortis.

Ông Andy Hồ cho biết, trong mảng y tế, Vinacapital không chỉ đầu tư vào các bệnh viện như Hoàn Mỹ hay CTCP Y khoa Tâm Trí mà còn tham gia vào CTCP Dược Hậu Giang hay CTCP Xuất nhập khẩu y tế DOMESCO.

“Khi đầu tư vào lĩnh vực y tế, chúng tôi đưa ra 3 mục tiêu. Đầu tiên phải thoái vốn trong tương lai với số tiền thu về lớn hơn chút xíu so với tiền đã đầu tư. Thứ hai, trong quá trình đầu tư phải cùng hỗ trợ phát triển hạ tầng, con người, sản phẩm mới, hệ thống phân phối”, ông Andy Hồ nói và nhấn mạnh, mục tiêu đầu tiên của các nhà đầu tư khi rót vốn luôn là kỳ vọng lợi nhuận. 

Ông Andy lý giải, nhiều chủ doanh nghiệp/bệnh viện đến gặp Andy và đề cập đến câu chuyện huy động vốn từ Quỹ, thì câu hỏi đầu tiên được Andy đặt ra, là họ đã tìm kiếm sự hợp tác về vốn này với các ngân hàng hay chưa. Bởi theo Andy, các nhà băng luôn sẵn có nhiều gói hỗ trợ trong mảng y tế.

Trong khi đó, mục tiêu của Quỹ đầu tư như Vinacapital là phải đồng thuận lộ trình thoái vốn thông qua việc bán lại cho nhà đầu tư chiến lược khác hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán.

“Nhưng theo kinh nghiệm của Andy, việc đưa bệnh viện niêm yết trên sàn hơi khó. Vì bệnh viện cũng như trường học, là tổ chức cung cấp dịch vụ cho xã hội mang tính đạo đức và nhân văn trong khi lên sàn buộc phải tăng trưởng lợi nhuận. Điều này có một chút mâu thuẫn về kỳ vọng mục tiêu đáp ứng nhu cầu xã hội”, ông Andy đưa ra lý giải và khẳng định, nếu chủ bệnh viện giữ quan điểm không muốn mất một phần vốn của mình cho nhà đầu tư hoặc bệnh viện khác thâu tóm thì khi gặp Quỹ đầu tư sẽ rất khó hợp tác.

“Nếu không suy nghĩ kỹ vấn đề này sẽ mất hết, nếu không thì kinh doanh sẽ khó khăn. Chính vì vậy tôi nghĩ nên làm việc với ngân hàng là dễ nhất”, ông Andy nói. 

Giao quyền điều hành dài hạn cho tư nhân?

Việt Nam đang đẩy mạnh xã hội hoá, hợp tác công tư, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển trong lĩnh vực tế.

Cùng với đó, từ năm 2015 đến nay, làn sóng đầu tư vào lĩnh vực y tế ngày càng phát triển với nhiều thương vụ mua bán-sáp nhập (M&A) đã được công bố.

“Hiện có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực y tế, nhưng họ mong muốn Việt Nam đơn giản hoá thủ tục đầu tư, thuận tiện cho họ khi muốn bỏ vốn vào các ngành, trong đó có y tế. Như vậy, Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh để trở thành điểm đến đầu tư y tế hấp dẫn”, ông Dilshaad Ali, cố vấn chuyên môn DG Medical nói.

Trong bối cảnh các nguồn vốn Nhà nước không thể tăng hơn do tất cả đều bị hạn chế bởi các yếu tố khách quan. Như vốn ngân sách phần lớn dành cho chi hành chính sự nghiệp, còn lại phần nhỏ cho đầu tư phát triển, vốn trái phiếu chính phủ sẽ dẫn đến nợ quốc gia nên không thể cứ mãi phát hành và vốn ODA vay sẽ dẫn đến nợ quốc gia nên cũng bị giới hạn bởi ngưỡng an toàn tài chính quốc gia.

Việc phát triển, thúc đẩy kêu gọi đầu tư doanh nghiệp và nhà nước cùng làm theo hình thức đối tác công tư (PPP) được xem là một yêu cầu tất yếu.

Dù vậy, một số quan điểm cho rằng, rủi ro trong mô hình PPP là chính sách quy định, nhà đầu tư cùng hợp tác đầu tư, sau thời hạn hợp đồng thì cơ sở vật chất/dịch vụ đó vẫn thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.

Andy Hồ cũng “chưa hiểu rõ” quy định này nhưng cho rằng, nếu nhà đầu tư tư nhân có một khoảng thời gian đủ dài để toàn quyền quản lý, kinh doanh cơ sở/dịch vụ y tế sẽ có thể giải quyết lo ngại về quyền sở hữu sau hợp tác công tư.

“Nếu đầu tư vào cầu Phú Mỹ sau một khoảng thời gian thoả thuận sẽ trả lại quyền sở hữu của Nhà nước cũng đồng ý, nhưng hãy cho tôi quyền điều hành trong 50 năm. Vì trong 50 năm đó, tôi sẽ có dòng tiền có thể trả lãi tiền vay, cổ tức và tích luỹ được số tiền trả lại vốn. Tôi nghĩ sẽ không sao nếu tôi trả lại cơ sở vật chất hay quyền điều hành cho Nhà nước, miễn cho tôi điều hành qua một thời gian hợp lý”, ông Andy Hồ lấy ví dụ.

VinaCapital Ventures, VIISA đầu tư vào Startup giải pháp quà tặng điện tử UrBox
UrBox hiện đang xây dựng giải pháp quà tặng cho hơn 30 doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực khác nhau từ ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm đến...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư