Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Giảm hành trình hàng trăm ngày làm thủ tục cho DN
Khánh An - 25/04/2014 07:45
 
Trong số hàng trăm kiến nghị của doanh nghiệp tới Thủ tướng Chính phủ được gửi về Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trước thềm Cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp vào ngày 28/4, đề xuất tiếp tục cải cách thủ tục hành chính chiếm dung lượng khá áp đảo.  
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
300 doanh nghiệp dân doanh gặp Thủ tướng Chính phủ
Doanh nghiệp Việt ngày càng... siêu nhỏ

Nỗi lo doanh nghiệp nhỏ đi

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang lựa chọn kiến nghị chính trong rất nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp muốn gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

“Có thể chúng tôi sẽ đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa để giải quyết đồng bộ, trúng, đúng, kịp thời những vấn đề của khu vực doanh nghiệp đang ngày càng đông lên về số lượng, nhưng lại nhỏ đi về quy mô”, ông Kiêm nói.

  Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, thông thoáng hơn  
  Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn thủ tục hành chính ngày càng đơn giản, thông thoáng hơn  

Trong các báo cáo chung về tình hình doanh nghiệp Việt Nam, tỷ lệ 95-97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn được nhắc tới.

Tuy nhiên, khảo sát mới được công bố của VCCI về Báo cáo thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2013 đã phát hiện một con số đáng phải để tâm. Đó là tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ của Việt Nam đã tăng lên 65,6%, thay cho con số 53,1% năm 2002. 

“Đây là một phần lý do tại sao doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn. Các ngân hàng thương mại hầu như chưa muốn nhắm tới đối tượng doanh nghiệp siêu nhỏ. Họ  thường căn cứ tiêu chí mức vốn hoạt động, tổng tài sản có sinh lời và mức doanh thu hàng năm của doanh nghiệp khi phê duyệt hồ sơ tín dụng”, ông Kiêm phân tích.

Trong khi đó, sau 10 năm ra đời, mô hình Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từng được kỳ vọng sẽ mở thêm lối tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vẫn đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện.

“Hiện nay, nhiều quỹ đang áp dụng điều kiện bảo lãnh là doanh nghiệp phải có kết quả sản xuất, kinh doanh tốt trong 3 năm liên tục (thông qua báo cáo kiểm toán). Tuy nhiên, đối tượng quan tâm nhiều nhất đến quỹ là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vừa thiếu tài sản thế chấp, vừa có hệ thống quản lý doanh nghiệp chưa hoàn thiện, nên khó có thể đáp ứng được điều kiện bảo lãnh này”, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết.

Áp lực từ thủ tục hành chính

Trong số những kiến nghị gửi tới VCCI, đề xuất tiếp tục cải cách thủ tục hành chính chiếm dung lượng khá áp đảo. Thậm chí, ông Kiêm còn cho biết, mối quan tâm hiện tại của nhiều doanh nghiệp lúc này không còn là chủ trương, chính sách nữa, mà là việc thực thi các giải pháp cụ thể như thế nào.

“Thực tế, những định hướng, chủ trương và chính sách đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp gần như đã đầy đủ, trúng và sáng rõ, nhưng vấn đề là ai thực hiện, thực hiện như thế nào, phối hợp ra sao. Đây là điều doanh nghiệp muốn biết rõ để phát hiện được tắc ở đâu và đề xuất giải pháp”, ông Kiêm nói.

Đơn cử như lý do khó tiếp cận mặt bằng kinh doanh, một trong những khó khăn nhất của doanh nghiệp tư nhân, theo khảo sát Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2013 của VCCI, thủ tục hành chính thuê, mua phức tạp chiếm tới 43%. Lý do quy hoạch của địa phương chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp khoảng 29%, giải phóng mặt bằng chậm 27%…

Với những doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính về đất đai (như mua, chuyển nhượng, thuê đất từ Nhà nước…), có tới 55% cho biết, thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định.

Về thủ tục hành chính thuế, một số doanh nghiệp cho rằng, hồ sơ, thủ tục vẫn còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong một số trường hợp có khó khăn, vốn nhỏ, hàng hóa không tiêu thụ được dẫn đến nợ đọng, không hoàn thành được báo cáo thuế, thì dễ dàng bị gán cho mác là doanh nghiệp bỏ trốn, người đại diện bị “treo” tư cách pháp nhân…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) cho rằng, doanh nghiệp vẫn cần sự đột phá mạnh mẽ hơn trong thủ tục hành chính.

“Kết quả Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính là 25 nghị quyết của Chính phủ, nhưng sau đó còn rất nhiều việc phải làm. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, từ khi có ý tưởng kinh doanh đến khi xây dựng nhà máy, hành trình mấy trăm ngày. Trong khoảng thời gian này, thị trường, thậm chí công nghệ có thể đã thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Tuấn nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư