Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Giữ kinh phí công đoàn 2%, không “chốt” cứng tỷ lệ phân phối
Nguyễn Lê - 27/11/2024 08:40
 
Luật Công đoàn mới vẫn quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.
.
Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật.

Với 443 vị tán thành, không tán thành 5, không biểu quyết 8, trong phiên họp sáng 27/11 Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn.

Liên quan đến kinh phí công đoàn, vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận, Luật vẫn quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật trước khi Quốc hội bấm nút phản ánh, có ý kiến đề nghị quy định về kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp dưới 500 người lao động là 2%; đối với doanh nghiệp từ 500 cho đến dưới 3.000 người là 1,5%; đối với doanh nghiệp trên 3.000 người trở lên thì phí chỉ 1%.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị giải thích rõ hơn việc trái nguyên tắc hợp tác, tự nguyện, phối hợp và độc lập của Công đoàn Việt Nam bởi vì khi gia nhập Công đoàn thì việc đóng kinh phí là nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc tiếp tục duy trì 2% kinh phí công đoàn nhằm thể chế hóa chủ trương tại Nghị quyết số 2 là “Duy trì nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hoá nguồn lực để Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Kể từ khi có Luật Công đoàn năm 1957, kinh phí công đoàn được thực hiện liên tục, việc duy trì nguồn thu 2% kinh phí công đoàn nhằm chăm lo cho người lao động là chủ yếu và bảo đảm hoạt động của Công đoàn, thể hiện sự ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa;

 Mặt khác, kinh phí công đoàn được sử dụng phần lớn tại cơ sở (hiện nay là 75%) để chăm lo cho đoàn viên, người lao động. Doanh nghiệp có càng đông công nhân lao động thì càng cần nhiều kinh phí để chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động. Do vậy tỷ lệ đóng kinh phí công đoàn không phụ thuộc vào quy mô doanh nghiệp ít hay nhiều công nhân lao động. Bên cạnh đó, kinh phí công đoàn được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp;

Việc duy trì kinh phí công đoàn cũng là nhằm thúc đẩy doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn đối với người lao động của mình thông qua Công đoàn. Vì vậy, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mức kinh phí công đoàn 2%.

Trình bày báo cáo tóm tắt tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) có một số điểm mới cơ bản.

Như, người lao động Việt Nam làm việc không có quan hệ lao động trên lãnh thổ Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Bổ sung quyền gia nhập và hoạt động công đoàn tại công đoàn cơ sở (không có quyền thành lập và không trở thành cán bộ công đoàn) của người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp;

Xác định và phân định rõ “Công đoàn Việt Nam” với “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”, quy định rõ 4 cấp công đoàn. Đồng thời, khẳng định “Công đoàn Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động”.

Điểm mới nữa là bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn; bổ sung các trường hợp miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn và Chính phủ quy định về các trường hợp này sau khi thống nhất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Luật tiếp tục duy trì mức đóng kinh phí công đoàn là 2%, cùng với đó, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm làm rõ nguyên tắc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn; sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ chi của tài chính công đoàn; bổ sung quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện việc phân cấp thu, phân phối kinh phí công đoàn; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn sau khi thống nhất với Chính phủ;

Bổ sung trách nhiệm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam định kỳ hai năm báo cáo Quốc hội về tình hình thu, chi và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn. Đồng thời, bổ sung trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, định kỳ hai năm một lần, thực hiện kiểm toán việc quản lý và sử dụng tài chính công đoàn và thực hiện kiểm toán đột xuất theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội – bà Thúy Anh nêu.

Ý kiến đề nghị cân nhắc việc quy định “Sau khi thống nhất với Chính phủ” khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và quản lý, sử dụng tài chính công đoàn, cũng được bà Thúy Anh đề cập.

Theo đó, tài chính công đoàn được hình thành có nguồn từ ngân sách nhà nước cấp hỗ trợ và từ kinh phí công đoàn là do Nhà nước ấn định trong Luật. Việc giao cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành mà không có sự thống nhất với Chính phủ có thể dẫn đến việc cho rằng các chính sách do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành không bám sát, cập nhật, thậm chí thoát ly các chính sách chung của Nhà nước.

Việc quy định như dự thảo Luật không đồng nghĩa với việc mọi chế độ, định mức cụ thể, chi tiết nào cũng phải có sự thống nhất của Chính phủ, Công đoàn vẫn có quyền chủ động của mình trên cơ sở các nguyên tắc do Công đoàn và Chính phủ thống nhất xác lập (như hiện nay).

Đây cũng là phương án lựa chọn của Chính phủ - bà Thúy Anh cho biết.

Luật Công đoàn có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025. 

Đại biểu Quốc hội: Cần xem lại quy định kinh phí công đoàn 2%
Đại biểu đề xuất doanh nghiệp dưới 500 người lao động vẫn đóng phí công đoàn 2%, doanh nghiệp từ 500 cho đến dưới 3.000 người thì phí là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư