Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Gỡ mối bùng nhùng giao vốn bảo trì cho VNR
Anh Minh - 08/03/2020 09:40
 
Sẽ sớm có một lối mở phù hợp để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tiếp tục đảm đương nhiệm vụ bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020, tránh nguy cơ dừng chạy tàu trên toàn hệ thống.
Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Chính phủ tiếp tục giao vốn VNR để bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia. Ảnh: Đức Thanh
Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Chính phủ tiếp tục giao vốn VNR để bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia. Ảnh: Đức Thanh

Lối thoát ngắn hạn

Đúng một ngày sau khi nhận được yêu cầu của Thường trực Chính phủ, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã trình Thủ tướng phương án dự toán kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020.

Theo đó, Bộ GTVT đề nghị người đứng đầu Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích quy định tại Nghị quyết số 87/2019/QH14, ngày 14/11/2019 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020 (Nghị quyết số 87) theo hướng đề nghị cho phép tiếp tục áp dụng cơ chế giao dự toán kinh phí quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho VNR thông qua dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) của Bộ GTVT như đã thực hiện năm 2019.

Được biết, đây cũng chính là phương án 1 trong số 2 phương án xử lý những vướng mắc liên quan đến khoản kinh phí hơn 2.800 tỷ đồng phục vụ công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia được Thường trực Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp cho ý kiến. Ngoài phương án 1, Thường trực Chính phủ còn yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng VNR thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. 

Bộ GTVT cho rằng, phương án 1 có rất nhiều điểm thuận lợi cho cả cơ quan quản lý lẫn VNR, như có thể triển khai ngay việc giao dự toán và thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đảm bảo hoạt động bình thường, thông suốt của hệ thống đường sắt sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý. Bên cạnh đó, trong trường hợp được chấp thuận, các cơ quan chức năng cũng có thêm thời gian điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc đặt hàng thực hiện bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho những năm tới.

Những vướng mắc trong việc giao dự toán chi NSNN năm 2020 cho hoạt động bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư đã được VNR và Bộ GTVT phát hiện từ tháng 10/2019, khi bắt đầu xây dựng dự toán chi năm 2020. Do VNR đã chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (tháng 10/2018) nên Bộ GTVT không thể tiếp tục giao vốn cho VNR như thông lệ.

Trong khi đó, Luật Đường sắt lại giao VNR quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt và duy trì trạng thái kỹ thuật, chất lượng kết cấu hạ tầng sắt, đảm bảo giao thông đường sắt luôn an toàn, thông suốt. VNR cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam có khả năng đảm nhận nhiệm vụ này.

Do không thể tiếp tục giao NSNN cho VNR và chưa tìm được cơ chế ký hợp đồng phù hợp giữa Cục Đường sắt Việt Nam - đơn vị đang được Bộ GTVT tạm giao tổ chức triển khai dự toán chi NSNN năm 2020, nên từ ngày 1/1/2020 đến nay, công tác bảo trì hệ thống đường sắt quốc gia gần như bị gián đoạn, đe dọa trực tiếp đến an toàn chạy tàu.

Không để gián đoạn chạy tàu

Trước đó, do lường được tính chất phức tạp của vấn đề, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội cho phép Bộ tiếp tục giao dự toán cho VNR để đảm bảo hoạt động đường sắt được ổn định, liên tục, thông suốt, an toàn.

Theo VNR, để giải quyết tận gốc vấn đề, các cơ quan chức năng cần sớm duyệt Đề án quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư (Đề án do Bộ GTVT xây dựng), trong đó có kiến nghị tiếp tục giao VNR quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không tính vào vốn doanh nghiệp đến hết năm 2025.

Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 87 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, trong đó tại khoản 8, Điều 3 quy định: Tiếp tục cơ chế giao dự toán ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong dự toán ngân sách nhà nước cho Bộ GTVT. Tuy nhiên, Nghị quyết số 87 chỉ nêu “tiếp tục cơ chế giao dự toán” mà không nêu rõ giao dự toán cho VNR, nên việc triển khai thực hiện gặp khó khăn.

“Đây là phương án thuận hơn việc nghiên cứu triển khai thực hiện cơ chế đặt hàng VNR thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia - phương án 2”, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết.

Bộ GTVT nhận thấy rằng, việc giao dự toán cho Cục Đường sắt Việt Nam, sau đó đặt hàng với VNR tại thời điểm này chưa thể thực hiện được. Cụ thể, do VNR không có đăng ký ngành, nghề kinh doanh thực hiện bảo trì, nên việc ký hợp đồng theo cơ chế đặt hàng với Tổng công ty chưa phù hợp với điều kiện đặt hàng được quy định tại khoản 2, Điều 12, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ. Trường hợp Cục Đường sắt Việt Nam ký Hợp đồng đặt hàng với VNR cũng chưa phù hợp về hợp đồng thầu phụ được quy định tại điểm đ, Khoản 1, Điều 47, Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng: “Tổng thầu, nhà thầu chính không được giao lại toàn bộ công việc theo hợp đồng cho nhà thầu phụ thực hiện”.

Ở chiều ngược lại, ông Hồ Hữu Hòa, Thành viên Hội đồng thành viên VNR cho rằng, Cục Đường sắt Việt Nam cũng không thể ký hợp đồng trực tiếp với các công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu do chưa có cơ chế ràng buộc vai trò của Công ty mẹ trong việc quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia.

Để công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia không bị gián đoạn, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã giao Cục Đường sắt Việt Nam, VNR khẩn trương thực hiện ngay thủ tục để giải ngân (tạm ứng, thanh toán) nguồn vốn sự nghiệp kinh tế đường sắt để thực hiện ngay công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn chạy tàu.

Xung quanh đề xuất đưa VNR về Bộ Giao thông - Vận tải: Quay đầu hay đi tiếp?
Đầu tháng 3/2020 là thời hạn Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư