Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đề xuất đưa VNR về Bộ Giao thông - Vận tải: Ủy ban không phải là cấp trên của doanh nghiệp
Khánh An - 05/03/2020 11:22
 
Yêu cầu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và năng lực hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là giải pháp tiên quyết, đảm bảo hoạt động của Ủy ban là một tổ chức kinh tế, một nhà đầu tư vốn, chứ không phải là cấp trên của doanh nghiệp.
Ủy ban có một phần lỗi khi để VNR không có kịp nguồn lực từ ngân sách cho phần nhiệm vụ công ích.
Ủy ban có một phần lỗi khi để VNR không có kịp nguồn lực từ ngân sách cho phần nhiệm vụ công ích.

Lỗi tại... cơ chế

Lý giải sự lùng nhùng dẫn đến đề xuất mới đây của Bộ Giao thông - Vận tải về  việc điều chuyển lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) về bộ này, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) gọi tên tình trạng chưa tách bạch mảng công ích và kinh doanh trong hoạt động của VNR.

“Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) được thành lập tách bạch quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp, để quản lý vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh. Nhưng để làm được, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước phải tách theo nguyên tắc tương tự, nghĩa là tách bạch mảng kinh doanh và mảng công ích”, ông Trung phân tích.

Do đặc thù, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam luôn tồn tại song song hai mảng trên. Ở VNR, phần công ích là các hoạt động quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt, do Nhà nước chi trả. Theo đúng nhiệm vụ của Ủy ban, các quy định liên quan đến quản lý và sử dụng vốn ngân sách, phần chuyển về Ủy ban chỉ là mảng kinh doanh của VNR.

Điều này tương tự khi phân tích các trường hợp của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT). Từ năm 2007, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam đã được thành lập, tách lĩnh vực bưu chính khỏi VNPT. Năm 2012, quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại tổng công ty này đã được chuyển từ VNPT về Bộ Thông tin và Truyền thông và được đổi tên thành Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Như vậy, VNPT “về với” Ủy ban thuần túy là phần kinh doanh. Ngay cả EVN cũng đang trong lộ trình tách bạch phần sản xuất, kinh doanh điện khỏi phần truyền tải... “Trong trường hợp của VNR và ACV, đáng tiếc là việc tách bạch hoạt động kinh doanh và công ích chưa làm được”, ông Trung nói.

Trách nhiệm của Ủy ban

Một cách thẳng thắn, Ủy ban có một phần lỗi khi để VNR không có kịp nguồn lực từ ngân sách cho phần nhiệm vụ công ích. “Nếu việc phân giao các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh của VNR năm 2020 được hoàn thành vào quý III, quý IV/2019, thì Ủy ban sẽ thấy ngay cần có đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu với phần ngân sách dành cho công ích của đường sắt.

Theo Luật Quản lý và Sử dụng tài sản công, Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết 87/2019/QH14 của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, ngân sách bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2020 giao cho Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ có trách nhiệm triển khai đặt hàng theo quy định của Nghị định 32/2019/NĐ-CP về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Có thể thấy rõ, nếu hoạt động đấu thầu, đặt hàng, hay giao nhiệm vụ được thực hiện trước khi năm 2020 bắt đầu, thì sẽ không có chuyện VNR không tiếp cận được khoản ngân sách cho hoạt động công ích mà Tổng công ty được giao.

“Kể cả trong trường hợp tổ chức đấu thầu, thì cũng chỉ có VNR đủ năng lực, nên không có vướng mắc gì trong tiếp cận nguồn ngân sách của VNR”, ông Trung chia sẻ quan điểm về giải pháp gỡ vướng cho VNR và ACV (với khoản ngân sách bảo trì đường cất, hạ cánh các sân bay).

Trên thực tế, các hoạt động công ích khác, như dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải, vệ sinh công cộng, dịch vụ vận tải công cộng tại các đô thị..., đều được các địa phương tổ chức đặt hàng, đấu thầu một cách thông suốt, ngay cả khi các doanh nghiệp tham gia không chỉ là doanh nghiệp nhà nước.

Rõ ràng, câu chuyện không có tiền bảo trì đường sắt hay nợ tiền lương của một số doanh nghiệp thành viên của VNR không phụ thuộc vào việc VNR có thuộc Ủy ban hay không, mà do những vướng mắc trong cách chi tiêu ngân sách dành cho hoạt động này và mục đích chi tiêu của khoản mục đó.

“Giải pháp kỹ thuật có thể thực hiện ngay là Ủy ban phải có đề xuất chuyển từ đấu thầu sang giao, đặt hàng nhiệm vụ công ích. Trong trường hợp ACV, có thể phải thông qua Quốc hội do quy mô dự án lớn, còn với VNR, có thể chỉ thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, ông Trung đề xuất.

Về lâu dài, Ủy ban phải lên phương án đẩy nhanh yêu cầu tách triệt để hoạt động kinh doanh và công ích của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, để nếu cần, có thể chuyển về các bộ, ngành mảng công ích.

“Tất nhiên, các quy định pháp luật cũng phải được rà soát, sửa đổi để làm rõ hơn mối quan hệ giữa tài chính ngân sách giữa các bộ và Ủy ban, gia tăng thẩm quyền của Ủy ban trong quản lý sử dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước, gồm cả nguồn vốn đầu tư công và các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước khác. Nếu Ủy ban có thể trở thành một hộ sử dụng ngân sách, thì sẽ không phải điều chuyển mảng công ích về lại các bộ.... Các phương án này phải do Ủy ban nghiên cứu, đề xuất”, ông Trung nói.

Nhưng trên hết, Ủy ban cần phải có nguồn nhân lực chất lượng để làm tốt các nhiệm vụ được giao. Vì dù là một cơ quan của Chính phủ, nhưng Ủy ban không phải là cấp trên của doanh nghiệp, mà phải hoạt động như một tổ chức kinh tế.

“Tôi vẫn giữ quan điểm cần có cơ chế tài chính riêng cho Ủy ban để có cơ hội tuyển dụng được các CEO hàng đầu về làm việc. Ủy ban phải đủ nhân lực để đánh giá, phân tích đầu tư, tài chính, để quyết định không chỉ các khoản đầu tư vốn nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty, mà phải tạo ra được sự dẫn dắt phát triển của nguồn vốn này.”

- Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM

Thế kẹt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam
Việc chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về lại Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) sẽ không mang lại nhiều chuyển biến nếu các vướng mắc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư