Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Gỡ nút thắt để tăng xuất khẩu nông sản sang EU
Thế Hải - 12/12/2018 15:22
 
Xuất khẩu của ngành nông nghiệp 11 tháng 2018 đã bằng cả năm 2017, nhưng để tăng giá trị xuất khẩu sang thị trường khó tính như EU, doanh nghiệp Việt còn phải gỡ nhiều nút thắt về an toàn thực phẩm, đầu tư lớn và làm nông nghiệp bài bản hơn…

Nông sản sạch không lo ế

Tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU với chủ đề Thương mại nông sản Việt Nam - EU: Đối tác phát triển bền vững, bà Miriam Gareia Ferrer, Trưởng ban Kinh tế và thương mại, Phái đoàn EU tại Việt Nam cho biết, nhu cầu của thị trường EU với nông sản, đặc biệt là nông sản nhiệt đới rất lớn, nhưng hàng rào kiểm dịch cũng rất khắt khe.

Nhiều doanh nghiệp Việt đã đầu tư nhà máy chế biến lớn, hiện đại, nâng giá trị cho nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp Việt đã đầu tư nhà máy chế biến lớn, hiện đại, nâng giá trị cho nông sản để đẩy mạnh xuất khẩu.

“Nông sản Việt Nam đã chinh phục được thị trường EU, nhưng còn chưa tương xứng với năng lực của ngành nông nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp hãy đầu tư lớn hơn, làm nông nghiệp bài bản hơn để có sản phẩm sạch, hãy xuất khẩu hàng chế biến sâu, bao gói đẹp, vừa nâng được giá trị, lại không lo bị thị trường chê”, bà Miriam khuyến nghị.

Trên thực tế, trong thời gian qua, có không ít lô hàng nông sản, thực phẩm Việt xuất khẩu đã bị trả về do không đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu. Riêng ngành thực phẩm, trong năm 2017 có 90 trường hợp; trong 8 tháng 2018 có khoảng 50 trường hợp bị cảnh báo và trả về từ EU - thị trường có những quy định rất nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm.

Chia sẻ về vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững và nhu cầu thị trường, ông Alexandre Bouchot, Tham tán Nông nghiệp Pháp cho biết, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Pháp cần hết sức lưu ý những quy định về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sử dụng thuốc trừ sâu, tốt nhất là hãy bán vào Pháp những sản phẩm được sản xuất theo mô hình hữu cơ.

“50% sản phẩm nông nghiệp phục vụ thị trường nội địa Pháp đều có dán nhãn xuất xứ, chất lượng hoặc là các sản phẩm hữu cơ. Pháp cũng có lệnh cấm sử dụng đồ đựng bằng nhựa trong nấu ăn và thức ăn trong khu vực phục vụ Chính phủ; lệnh cấm sử dụng thìa, ống hút nhựa trong nhà hàng, căng-tin và cửa hàng thực phẩm từ năm 2020”, ông Alexandre thông tin.

Không ngừng chinh phục

Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C sở hữu 6 dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, có thể sản xuất 5.000 containers sản phẩm mỗi năm và đã có thâm niên xuất khẩu nông sản sang  EU từ chục năm nay, nhưng hành trình chinh phục thị trường chưa khi nào ngơi nghỉ.

Ông Phan Văn Thường, Giám đốc G.O.C cho biết, G.O.C đang phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ đến từ Philippines, Trung Quốc, Thái Lan và một số nước Trung Mỹ tại thị trường EU.

“Làm ăn với các đối tác EU, doanh nghiệp sẽ trưởng thành nhanh, do thị trường này đòi hỏi rất nhiều tiêu chuẩn về hàng hóa, chỉ cần có được giấy thông hành sang EU thì hàng hóa có thể xuất đi nhiều thị trường khó tính khác”, ông Thường nói.

Để nông sản Việt Nam có thể tăng thị phần tại EU và có đơn hàng xuất khẩu bền vững, theo ông Thường, vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa của Việt Nam phải đảm bảo an toàn. Muốn vậy, các doanh nghiệp và địa phương phải xây dựng riêng cho mình vùng nguyên liệu, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế...

“Hiện nay, nông sản Việt xuất sang EU đang bị đánh thuế 14%, nhưng thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do được thông qua và đưa thuế về 0%, EU sẽ thực sự là cơ hội cho nông sản Việt”, Giám đốc G.O.C phân tích.

Từ năm 2017, G.O.C đã bắt đầu triển khai dự án nhà kính. Trong năm 2018, 20 ha nhà kính và nhà lưới đầu tiên của G.O.C đã đưa vào hoạt động, tiến tới hoàn thành 100 ha nhà kính vào cuối năm 2019.

Trong khi đó, ý thức rất rõ cơ hội tăng giá trị cho hàng nông sản xuất khẩu nếu được sản xuất, chế biến theo chuỗi giá trị, kiểm soát từ khâu gieo trồng đến thành phẩm, Tập đoàn Vina T&T đã hành động bằng việc xây dựng Nhà máy Dừa tươi Kim Thanh tại Châu Thành (Bến Tre) với vốn đầu tư giai đoạn I là 50 tỷ đồng, tổng công suất 25 triệu trái/năm. Dự kiến, năm 2019, Nhà máy sẽ đi vào hoạt động.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T chia sẻ, với chiến lược sản xuất, xuất khẩu trái cây theo quy mô lớn để vào các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe nhất, Vina T&T chỉ có con đường duy nhất là đầu tư các nhà máy chế biến đủ lớn và hiện đại để khai thác cơ hội từ thị trường.

Năm 2017, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt kim ngạch 36 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sang EU đạt hơn 5 tỷ USD.

Trong 11 tháng qua, xuất khẩu nông sản sang EU đạt 4,7 tỷ USD. Dự kiến, kim ngạch xuất khẩu nông sản cả năm 2018 sẽ đạt 40-41 tỷ USD.
Hơn 80% hàng nông sản Việt xuất khẩu dưới thương hiệu nước ngoài
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, có đến hơn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư