Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Gộp Tết Dương lịch với Tết cổ truyền: Hội nhập hay ngớ ngẩn?
- 03/01/2014 10:19
 
Hiện nay có một số ý kiến cho rằng, việc nghỉ Tết Nguyên Đán kéo dài sẽ gây nhiều lãng phí cho các ngành nghề kinh doanh trong xã hội. Việt Nam nên gộp Tết cổ truyền để tổ chức vào dịp Dương lịch như các quốc gia khác để "hội nhập". Đưa bác sỹ Tường vào phim hài Tết có phản cảm? >Táo quân  2013 của VTC sẽ vẫn lên sóng vào 23 tháng Chạp >Hotgirl, MC chen chân vào phim hài Tết 2014
TIN LIÊN QUAN

Nhằm rộng đường dư luận, phóng viên có cuộc trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc về vấn đề "Nên hay không gộp Tết Ta và Tết Tây làm một?":

- Có nhiều ý kiến cho rằng đã lúc Tết cổ truyền Việt Nam nên tổ chức theo Dương lịch cùng thế giới trong thời đại hội nhập hiện nay. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

nhà sử học Dương Trung Quốc: cần giữ nguyên Tết Âm lịch
Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, cần giữ nguyên Tết Âm và
Tết Dương như hiện tại

Thực ra đây không phải là vấn đề mới, chuyện này đã được đem ra bàn từ khá lâu rồi.

Vào dịp Tết cách đây gần 15 năm, giáo sư Từ Giấy đã đưa ra quan điểm này và khiến dư luận bàn tán khá sôi nổi. Tuy nhiên đa phần đều phản ứng khá gay gắt vì động phải tập quán quá lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Theo tôi, Tết Âm lịch là khoảng thời gian rất quan trọng, cốt lõi của nó chính là những tập quán gắn liền với đời sống xã hội, tinh thần cũng như văn hóa của người dân Việt Nam.

Trong xã hội truyền thống của phương Đông, trong đó có Việt Nam, là xã hội nông nghiệp nên hay tính lịch theo mặt trăng (Âm lịch). Còn Dương lịch gắn liền với phương Tây, dựa trên lịch của người công giáo. Hai nền văn hóa có nhiều sự khác biệt về tín ngưỡng, phong tục, văn hóa ... nên không thể gộp Tết Âm và Tết Dương lại làm một.

Có ý kiến cho rằng gộp lại để hội nhập với thế giới, tôi không tán thành.

Hiện tại, để hội nhập với thế giới còn rất nhiều cách, đâu phải cứ gộp lễ Tết lại mới là hội nhập.

Hội nhập là cần thiết nhưng không được hòa tan, hội nhập xong rồi nhưng lại mất đi các giá trị truyền thống của dân tộc liệu có chấp nhận được không?

- Việc nghỉ Tết Âm thường kéo dài, điều này gây ảnh hưởng tới khá nhiều ngành nghề kinh doanh, gây ra lãng phí cho nền kinh tế. Ông có ý kiến thế nào về quan điểm này?

Theo tôi, ở đây dùng từ "lãng phí" là chưa chính xác mà thay vào đó phải là có "tiện" hay không.

Chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn, nên đặt câu hỏi liệu nghỉ Tết dài có thực sự tiện lợi cho người dân hay không? Mà nói cho cùng, nghỉ dưỡng cũng chính là cách tích lũy cho nền kinh tế.

Còn nếu chỉ thuần túy là bài toán kinh tế thôi thì cũng cần nhìn từ nhiều phía. Bên cạnh những ngành nghề kinh tế bị ảnh hưởng thì cũng có không có ít ngành khác hưởng lợi, có thể kể đến như du lịch, giải trí, ăn uống ...

Tuy nhiên, hiện nay cũng có khá nhiều doanh nghiệp lên tiếng than phiền rằng người lao động nghỉ quá lâu, ảnh hưởng tới việc kinh doanh của họ.

Theo tôi, những doanh nghiệp này có thể điều chỉnh lại, đơn giản là tăng thêm tiền công làm trong ngày nghỉ, điều này sẽ giữ chân được người lao động, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.

Để đặt lên bàn cân tính toán về việc nghỉ dài hay ngắn, ngoài bài toán về kinh tế còn phải tính đến yếu tố văn hóa nữa. Nhất là đối với một xã hội phát triển như Việt Nam, bên cạnh các vấn đề kinh tế thì văn hóa đang ngày càng trở nên quan trọng. Nếu để được lợi về kinh tế nhưng phải hy sinh những giá trị văn hóa thì có đáng không?

Theo tôi, chúng ta vẫn nên giữ nguyên Tết Âm lịch như hiện nay nhưng nên bố trí sao cho ngày nghỉ hợp lý, thuận lợi nhất đối với người dân, điều chỉnh các tập quán xã hội như hạn chế tình trạng tràn lan lễ hội... sao cho khai thác được các giá trị tích cực và hạn chế được giá trị tiêu cực.

- Đợt Tết Nguyên Đán sắp tới người dân trên cả nước sẽ có kỳ nghỉ kéo dài tới 9 ngày, ông đánh giá thế nào về quãng thời gian nghỉ dài này?

Tôi thấy Chính phủ điều chỉnh thời gian làm việc để có một kỳ nghỉ lễ tương đối dài là điều tốt. Nhân dịp này, người lao động có cơ hội tái tạo lại sức lao động sau một năm dài làm việc, điều này sẽ giúp nâng cao chất lượng sống của người dân.

Hiện Luật lao động của nước ta cũng đang hướng tới một chất lượng sống cao hơn, một trong những tiêu chí là thời gian nghỉ dưỡng nhiều hơn. Vì vậy, dù kéo dài ngày nghỉ nhưng người lao động được hưởng lợi nhiều hơn thì cũng là điều nên làm.

- Trước đây, Nhật Bản ăn Tết theo Âm lịch nhưng đã bắt đầu chuyển sang Tết theo Dương lịch kể từ năm 1873. Và như chúng ta đã thấy, hiện nay Nhật Bản đang là quốc gia hàng đầu thế giới. Vậy Việt Nam có nên học tập điều này?

Việc kết hợp Tết Âm lịch với Tết Dương lịch chúng ta có thể biết đến rõ nhất là hình mẫu của Nhật Bản. Vào thời Minh Trị Duy tân, họ đã có sự hành sử hết sức dứt khoát, người Nhật gần như chỉ tập trung chủ yếu vào Tết Tây. Với Tết Âm truyền thống chỉ còn được duy trì giới hạn trong phạm vi gia đình.

Tuy nhiên thời đại lúc đó và bây giờ khác nhau hoàn toàn nên không thể áp dụng. Vào thời điểm đó Nhật Bản coi châu Âu là hình mẫu để phát triển, tận dụng văn minh phương Tây, loại bỏ dần những điểm lỗi thời của nền văn minh phương Đông. Khi ấy Nhật Bản không còn con đường nào khác, buộc phải thay đổi để phát triển. Việc này không thể áp dụng vào Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư