Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Hà Nội chưa thể chủ quan, vẫn cần giãn cách xã hội chặt chẽ
D.Ngân - 19/08/2021 21:51
 
Dù số ca mắc Covid-19 mỗi ngày có giảm song theo một số chuyên gia vẫn còn quá sớm để Hà Nội có thể yên tâm trong lúc này.

Theo CDC Hà Nội, sau một tháng tăng cường giám sát các trường hợp người dân có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng, tính đến ngày 18/8/2021, toàn TP.Hà Nội đã giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cho 18.637 người, kết quả đã ghi nhận 117 người dương tính với SARS-CoV-2, chiếm tỷ lệ 0,63% trên tổng số người được xét nghiệm.

Dù số ca mắc giảm song theo một số chuyên gia vẫn còn quá sớm để Hà Nội có thể yên tâm trong lúc này.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca mắc không rõ nguồn lây và không có yếu tố dịch tễ, thì việc giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cho những trường hợp ho, sốt đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần vào việc bóc tách F0 để cắt đứt chuỗi lây nhiễm ra khỏi cộng đồng.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội cho rằng, trong thời gian tới, song song với việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 13 nhóm người có nguy cơ và những người trong khu vực nguy cơ cao trên địa bàn toàn Thành phố.

13 nhóm người nguy cơ cao được lấy mẫu là người giao hàng (shipper); người bán hàng tại các chợ truyền thống; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; 

Bảo vệ chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Cũng theo ông Tuấn, việc giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cho những trường hợp ho, sốt cần được tiếp tục triển khai, đặc biệt là những người đang cư trú trên các địa bàn như quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Đông; huyện Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh, Quốc Oai, đây là những khu vực có nhiều người ho, sốt có tỷ lệ xét nghiệm dương tính cao.

Để hoạt động này triển khai đạt hiệu quả, ngoài việc tăng cường giám sát của cơ quan y tế, cần phải có sự tự giác khai báo của người dân mỗi khi có biểu hiện ho, sốt; các tổ Covid cộng đồng, đội phản ứng nhanh của các địa phương tích cực rà soát, tuyên truyền đến từng hộ gia đình.

“Tất cả những người có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người - mệt mỏi - ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác cần phải thông báo ngay cho y tế xã, phường để được hỗ trợ và lấy mẫu xét nghiệm miễn phí xác định SARS-CoV-2”, ông Tuấn khuyến cáo. 

Về tình hình dịch bệnh tại Hà Nội, theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong một tuần qua (từ ngày 13/8), số ca dương tính với SARS-CoV-2 của Thủ đô  duy trì ở mức 40-60 ca mỗi ngày.

Điều tích cực là số ca nhiễm cộng đồng tại Hà Nội đã giảm đi rõ rệt, từ việc chiếm tỷ lệ 50-60% tổng số ca mỗi ngày xuống còn khoảng 30%. Đặc biệt ngày 18/8, trong 51 ca nhiễm Covid-19 chỉ có 1 trường hợp CDC Hà Nội ghi nhận tại cộng đồng.

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Bệnh viện Medlatec cho hay, số ca nhiễm không tăng mạnh sau khi Thành phố xét nghiệm diện rộng có thể coi là một thành công, nhưng chưa đủ để ta yên tâm. 

“Với 50-60 ca nhiễm mới mỗi ngày, nguy cơ dịch bệnh ở Hà Nội vẫn rất phức tạp và dễ dàng chuyển biến xấu nếu chúng ta chủ quan", GS. Anh Trí nêu.

Theo chuyên gia này, với 13 nhóm đối tượng nguy cơ cao theo GS Trí, họ không chỉ cần được xét nghiệm mà cần ưu tiên tiêm vắc-xin, để giữ an toàn chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là nhu yếu phẩm thiết yếu, dược phẩm, thiết bị y tế để chống dịch.

Ngoài ra, các trung tâm y tế cũng phải tiếp tục xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho nhân viên y tế và người lao động tại những vị trí làm việc nguy cao của đơn vị với tần suất 3 lần/ngày, tại các chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào thành phố và sàng lọc khi người dân có triệu chứng như ho, sốt, mất vị giác..., đến khám.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng dịch bệnh tại Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát. 

Tuy nhiên, chuyên gia nhấn mạnh đây là giai đoạn nhạy cảm đối với Hà Nội và Thành phố dễ bị tổn thương về dịch bệnh nếu làm không chặt việc giãn cách xã hội. 

Ông Phu cũng lo ngại khi hiện nhiều F0 xuất hiện trong khối y tế, công an, nhân viên giao hàng, siêu thị, tiểu thương và cán bộ chốt kiểm soát. 

Đây đều là những nhóm di chuyển, tiếp xúc nhiều người nên nguy cơ đối với Hà Nội rất khó lường. "Nếu F0 nằm trong những nhóm đối tượng này thì khả năng lây lan rất rộng, khó truy vết, khó tìm ổ dịch để phong tỏa triệt để", ông Phu cho hay.

Chuyên gia cũng khuyến cáo Hà Nội không nên quyết định vội vàng việc dừng giãn cách xã hội, bởi cần đánh giá rất cẩn trọng từng yếu tố, nhất là kết quả của công tác truy vết, bóc tách F0 và việc xét nghiệm sàng lọc trong tuần này.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, trước mắt cần làm chặt việc giãn cách trong những ngày còn lại, tranh thủ thời gian xác định nguồn dịch, cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Trong 1 triệu xét nghiệm mà Thành phố sắp làm, nếu số liệu không đột biến, số F0 cộng đồng thấp thì tình hình cơ bản đã ổn định, có thể nghĩ đến dừng giãn cách xã hội", ông Phu nói.

Một số ý kiến khác khi được hỏi thì lo ngại nếu Hà Nội dừng giãn cách vào ngày 23/8 tới bởi chỉ sau một tuần, người dân Thủ đô sẽ đón đợt nghỉ lễ 2/9. Với tâm lý chung là muốn giải tỏa sau một tháng giãn cách, có thể người dân sẽ đổ ra đường, tụ tập đông người ở các điểm vui chơi, đẩy nguy cơ bùng phát dịch lên cao.

Bài học từ đợt nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua đã rất rõ ràng. Hà Nội sẽ có biện pháp, kế hoạch gì để đối phó với khả năng dịch bệnh lây lan trong dịp 2/9 nếu dừng giãn cách.

Hà Nội: Không triệt để giãn cách xã hội, dịch càng khó kiểm soát
Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 tại Hà Nội vẫn đang diễn biến rất phức tạp, khó lường.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư