Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 01 năm 2025,
Hà Nội: Đầu tư trang thiết bị y tế, nâng chất lượng y tế cơ sở
D.Ngân - 30/07/2023 08:56
 
Hà Nội sẽ đầu tư trang thiết bị y tế cho các trạm y tế để nâng cao chất lượng khám bệnh cho tuyến y tế gần dân nhất này.

100% số xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện tiêu chí quốc gia về y tế xã theo quy định; hằng năm các xã, phường, thị trấn bảo đảm duy trì Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã.

Đó là nội dung nêu trong Kế hoạch số 196/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Y tế tuyến xã hiện còn nhiều khó khăn.

Kế hoạch nêu rõ 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm nhằm củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn thành phố.

Thành phố cũng rà soát cơ sở hạ tầng xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030, bảo đảm cơ sở hạ tầng các trạm y tế theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030.

Đầu tư trang thiết bị y tế cho các trạm y tế để đáp ứng thực hiện các danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành cho tuyến xã. Bảo đảm sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế được đầu tư cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

Thành phố sẽ tuyển dụng đủ nhân lực y tế cho các trạm y tế theo quy định; có chính sách thu hút các bác sĩ về công tác tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, bảo đảm cơ cấu cán bộ y tế cho các trạm y tế…

Song song đó, thành phố còn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe để nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe cho bản thân và cộng đồng;

Chủ động phòng, chống dịch bệnh, khống chế dịch bệnh kịp thời; bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; cung ứng đủ thuốc, vật tư, hóa chất cho công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh tại các trạm y tế xã.

Đồng thời, triển khai khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, thực hiện đạt mục tiêu 95,15% người dân có bảo hiểm y tế vào năm 2025; thực hiện có hiệu quả các hoạt động y tế, dân số; huy động cộng đồng tích cực tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Thống kê của Hà Nội cho thấy hiện toàn ngành Y tế Hà Nội hiện có 13 bệnh viện đa khoa huyện, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã và 13.903 cơ sở hành nghề y, dược ngoài công lập.

Về nhân lực y tế tại y tế cơ sở, nhân lực tuyến xã năm 2022 là 4.723 người, trong đó, tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc là 100%; tỷ lệ trạm y tế xã/phường/thị trấn có bác sĩ làm việc cơ hữu là 88,6%...

Hệ thống tổ chức về y tế dự phòng của ngành Y tế Hà Nội cũng chính là lực lượng cán bộ của các trung tâm y tế thực hiện đa chức năng.

Thành phố Hà Nội cho rằng, chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp, thăng tiến vừa là những điểm tồn tại, vừa là nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong thu hút, tuyển dụng, sử dụng, giữ chân nhân lực tại y tế cơ sở, nhất là lực lượng bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật y.

Khi dịch bệnh xảy ra, mức thu nhập không tương xứng với công sức mà nhân viên y tế đã bỏ ra để thực hiện nhiệm vụ; do đó, nguồn nhân lực cũng chảy sang khu vực tư nhân nhiều hơn.

Việc thực hiện thu giá dịch vụ y tế theo các mức giá thu chưa được tính đủ các yếu tố chi phí dẫn đến nguồn thu của các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong công tác tự chủ chi hoạt động thường xuyên.

Về phát triển y tế cơ sở tuyến xã, phường trên quy mô cả nước thực tế cho thấy việc đầu tư cho y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa được quan tâm đúng mức; điều kiện về thuốc, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất hạn chế.

Khả năng cung ứng dịch vụ y tế ở tuyến huyện, tuyến xã chưa đáp ứng nhu cầu cơ bản của nhân dân; còn bất cập về cơ chế tài chính, cơ chế tự chủ, chính sách về bảo hiểm y tế; vai trò của y tế dự phòng vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và toàn diện.

Trong đó, tỷ lệ chi cho y tế tuyến cơ sở trên tổng chi y tế toàn xã hội giảm từ 32,4% năm 2017 xuống 23,1% năm 2019. Tỷ trọng chi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở đạt 34,5% năm 2022, trong đó tuyến xã chỉ đạt 1,7%.

Phân bổ chi thường xuyên ngoài lương cho trạm y tế xã còn thấp, có địa phương chỉ đạt 10 - 20 triệu đồng/trạm/năm, chỉ đủ cho điện nước, hành chính, không đáp ứng được kinh phí hoạt động chuyên môn.

Trạm y tế xã không là đơn vị hạch toán độc lập mà hạch toán phụ thuộc y tế tuyến huyện trong khi lại chưa có quy định cụ thể về chi tiêu tại y tế xã.

Tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ Trung ương đến tuyến huyện chỉ đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực, thiếu khoảng 23.800 người. Trong đó, bác sĩ y học dự phòng thiếu 8.075 người, cử nhân y tế công cộng thiếu gần 4.000 người.

Nhiều địa phương báo cáo thiếu nhân lực tại y tế cơ sở, trong đó có cả những thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, ảnh hưởng rất lớn tới kết quả thực hiện các dịch vụ y tế, nhất là dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Hệ lụy là tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc, thôi việc hoặc chuyển việc có chiều hướng gia tăng tại một số địa phương, nhất là sau giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch Covid-19.

Số lượng các bác sĩ tại trạm y tế xã có xu hướng giảm. Trong 4 năm từ 2018 - 2021, tổng số bác sĩ xã giảm là 2.238 người, năm 2020 có số bác sĩ tuyến xã giảm nhiều nhất (giảm 1.114 người so với năm 2019). 

Theo đoàn giám sát, có nhiều nguyên nhân, trong đó thu nhập và chế độ đãi ngộ quá thấp, lại chịu nhiều áp lực trong bối cảnh dịch bệnh, nên cán bộ khó chuyên tâm công tác.

Mức hỗ trợ cho y tế thôn, bản chỉ bằng 0,3 và 0,5 so với mức lương cơ sở (tương đương 447.000 và 745.000 đồng), không khuyến khích được họ duy trì công việc và là nguyên nhân chính người làm công tác y tế dự phòng chuyển công tác, xin nghỉ việc ngày càng tăng.

Trước thực tế nêu trên, một số ý kiến đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu sửa đổi, ban hành văn bản về mua sắm, đấu thầu, đặc biệt về thuê tài sản, cung cấp thiết bị y tế sau khi trúng thầu hóa chất, sinh phẩm; nghiên cứu bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân viên y tế theo tinh thần của Nghị quyết số 27/2018 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương.

Ngoài ra, kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện và trình Thủ tướng xem xét, ban hành quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế, quy hoạch hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh từng vùng, từng địa phương tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí nguồn lực.

Quan tâm đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng y tế cơ sở thay vì chỉ tập trung đầu tư xây mới bệnh viện; phát triển mô hình bác sĩ gia đình, huy động sự tham gia của y tế tư nhân góp phần giảm tải tại các bệnh viện tuyến trên.

Chung tay nâng cấp Trạm y tế xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình
Với sự góp sức của Nhóm Phóng viên Quốc hội và những người bạn, Trạm y tế xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) đã được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư