Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Hà Nội lên kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em
D.Ngân - 29/10/2021 08:43
 
Từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc.

Hiện ngành Y tế Hà Nội đã lên danh sách khoảng 680 - 840 nghìn trẻ thuộc đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19. Để bảo đảm tiêm chủng an toàn cho trẻ, Thành phố đã chuẩn bị các phương án cũng như điều kiện cần thiết.

Từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc. 

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho rằng, hiện Thành phố đã có 2 phương án triển khai tiêm, đó là nếu học sinh đi học đầy đủ sẽ tiêm tại trường học. Trường hợp nếu dịch diễn biến phức tạp sẽ triển khai tiêm tại cộng đồng với phương châm bảo đảm an toàn nhất cho trẻ em.

Hiện, ngành Y tế Thủ đô cũng đã lên danh sách khoảng 680 - 840 nghìn trẻ thuộc đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19. Thành phố sẽ tiến hành tiêm cho trẻ ngay sau khi được Bộ Y tế phân bổ lượng vắc-xin cần thiết. 

Theo đó, nếu vắc-xin không đủ, thành phố sẽ tiêm từ độ tuổi cao đến độ tuổi thấp. Nếu bảo đảm được nguồn vắc-xin, Thành phố sẽ triển khai tiêm diện rộng cho trẻ, có thể tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. 

Trước thực tế không ít phụ huynh lo lắng về phản ứng sau tiêm vắc-xin ở trẻ, ông Khổng Minh Tuấn khẳng định, điều này là không đáng lo ngại. Bởi nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm xong cho trẻ từ 12-17 tuổi, thậm chí đang triển khai tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.

Trẻ từ 12 tuổi có cơ thể phát triển tương đương người lớn, do đó phản ứng sau tiêm hầu như không khác biệt so với người lớn. 

Quan trọng nhất vẫn là vấn đề khám sàng lọc trước tiêm vắc-xin Covid-19 để có được chỉ định chính xác, bảo đảm tiêm an toàn, đúng đối tượng vì hiện nay, nhiều trẻ em trong độ tuổi 12-17 cũng đã xuất hiện những bệnh lý nền, bao gồm ung thư, tim mạch, tiểu đường.

Về việc triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ, theo CDC Hà Nội, công tác chuẩn bị và triển khai tiêm sẽ khó khăn hơn với người lớn. Bởi khi trẻ tiêm sẽ có thêm người nhà đi cùng. Trẻ lại thường hay có tâm lý lo sợ điển hình, như: Hiệu ứng dây chuyền, hiệu ứng "blouse trắng".

Trước thực tế đó, ông Khổng Minh Tuấn cho rằng, để công tác tiêm chủng cho trẻ đạt hiệu quả và bảo đảm an toàn cần tập trung vào 3 vấn đề. 

Thứ nhất, các cơ sở tiêm chủng cần chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu của trẻ và người giám hộ, cũng như chuẩn bị các phương án để tiêm cho trẻ an toàn ngay tại các trường học.

Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị tâm lý trước và trong khi tiêm cho trẻ. Phụ huynh cần động viên, trấn an các trẻ để tránh tâm lý lo sợ, tương tự như khi tiêm các loại vắc-xin khác. Ngoài ra, công tác theo dõi sau tiêm cho trẻ rất quan trọng.

Trẻ còn nhỏ tuổi, đôi khi chểnh mảng, chưa thể tự theo dõi và báo kịp thời các phản ứng sau tiêm. Do đó gia đình cần quan tâm phản ứng sau tiêm của trẻ trong ít nhất 7 ngày đầu, đặc biệt là 30 phút sau khi tiêm cần được cán bộ y tế theo dõi sát sao.

Khuyến cáo người dân cần chuẩn bị tâm lý, ông Ngô Khánh Hoàng, Phó Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (CDC Hà Nội) khẳng định, tất cả các loại vắc xin đều có phản ứng nhất định nhưng với tỷ lệ thấp nên các bậc phụ huynh yên tâm, không nên trì hoãn việc tiêm vắc-xin cho trẻ. 

Trước khi tiêm, trẻ được khám sàng lọc cẩn thận, các trường hợp đủ điều kiện sức khỏe sẽ được chỉ định tiêm; còn trường hợp có bệnh nền, dị ứng... sẽ được sàng lọc thận trọng.

Được biết, theo Bộ Y tế, việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 sẽ được thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi. Cha mẹ, người giám hộ cần ký phiếu đồng ý tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ.

Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em được triển khai tương tự như chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 trong thời gian qua, với các điểm tiêm tại trạm y tế xã/phường, các trường học, các trung tâm y tế và các bệnh viện (đối với một số trẻ có bệnh nền, béo phì).

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định yêu cầu hàng đầu trong tổ chức tiêm chủng cho trẻ em là đảm bảo an toàn. 

“Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các địa phương tăng cường theo dõi phản ứng sau tiêm để kịp thời hỗ trợ xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh

Việc tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em sẽ được tiến hành trước tại các địa phương đã trải qua đợt giãn cách xã hội, có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao; các địa phương có mật độ dân số đông, nguy cơ lây nhiễm cao.

Cần lưu ý gì khi tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ?
Đảm bảo an toàn cho trẻ khi tiêm vắc-xin đang là nội dung quan trọng nhất và cũng là trăn trở của các bậc phụ huynh hiện nay.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư