Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Trẻ có thể xảy ra phản ứng nào sau tiêm vắc-xin Covid-19?
D.Ngân - 28/10/2021 15:53
 
Phản ứng rất phổ biến ở trẻ sau tiêm vắc-xin Covid-19 là đau đầu, đau khớp, đau tại vị trí tiêm.

ThS.Ngô Khánh Hoàng, Phó Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội cho hay, phản ứng rất phổ biến của trẻ sau tiêm vắc-xin là khoảng trên 10% và có biểu hiện là đau đầu, đau khớp, đau tại vị trí tiêm.

Ngày hôm nay TP.HCM đã bắt đầu triển khai tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ em.

Bên cạnh đó, trẻ có biểu hiện mệt mỏi, ớn lạnh và có thể khi tiêm mũi 2 các triệu chứng này có thể cao hơn so với mũi 1. Ngoài ra, một tỷ lệ nhỏ trẻ bị buồn nôn hoặc đỏ ở các vị trí tiêm. 

Một số phản ứng xảy ra ít hơn có thể nổi hạch, mất ngủ, khó  chịu, ngứa ở vị trí tiêm. Hiếm gặp hơn nữa là có khoảng 1/10.000 trường hợp có thể liệt mặt ngoại biên, hoặc phản ứng viêm cơ tim rất hiếm gặp chỉ ghi nhận ở một số quốc gia.

Chính vì vậy, theo chuyên gia, sau khi tiêm phòng, các bậc phụ huynh theo dõi trẻ 30 phút tại điểm tiêm. “Chúng tôi cũng khuyến cáo, cha mẹ tiếp tục theo dõi trẻ ít nhất trong 3 ngày đầu, đặc biệt là 7 ngày sau tiêm. Thời gian theo dõi có thể kéo dài 28 ngày sau khi tiêm”, ThS. Ngô Khánh Hoàng nói.

Khi trẻ có một số dấu hiệu như: Đau ngực, khó chịu, buồn nôn, khó thở, chóng mặt thì phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời.  

Chẳng hạn, nếu sau tiêm ở miệng trẻ có cảm giác tê, da có phát ban mẩn đỏ, họng ngứa, đau đầu kéo dài,  đau dữ dội, tức ngực... cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Đại diện CDC Hà Nội khuyến cáo, đối với các trường hợp có bệnh nền, dị ứng cũng giống như người lớn cần thận trọng trong công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19, không phải là chống chỉ định hoàn toàn.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ CDC Hà Nội sẽ tham mưu, nếu như các cơ sở đủ điều kiện, để đưa vào điều trị cấp cứu vẫn có thể tiêm ở các trạm y tế.

Tuy nhiên, nếu như các cơ sở y tế không có đủ điều kiện về các phương tiện phòng chống sốc, cấp cứu thì có lẽ, CDC Hà Nội sẽ đề xuất có thể những đối tượng này triển khai tiêm ở các bệnh viện. Bởi vì, nếu không may, trẻ sau tiêm xảy ra một phản ứng nào đó không như mong muốn thì y tế có thể cấp cứu kịp thời.

Đối với tất cả các loại vắc-xin có tỷ lệ phản ứng nhất định, bất cứ loại vắc-xin nào cũng vậy, nhưng tỷ lệ thấp, nên các bậc phụ huynh yên tâm, không nên trì hoãn việc tiêm vắc-xin cho trẻ và cần chuẩn bị tâm lý, tránh hoang mang, lo lắng quá độ song cũng không được chủ quan.

Nói về tiến độ tiêm vắc-xin, theo đại diện CDC Hà Nội, Thành phố đang rà soát các đối tượng, tùy thuộc vào lượng vắc-xin được phân bổ, nếu vắc-xin không đủ sẽ tiêm từ cao đến thấp từ 18-17 tuổi, 17-16 tuổi. Nếu có đầy đủ vắc-xin sẽ triển khai tiêm diện rộng.

Thành phố có 2 phương án triển khai tiêm, nếu học sinh đi học đầy đủ sẽ tiêm tại trường học, bởi thời gian qua, ngành y tế và ngành giáo dục đã phối hợp rất tốt trong các chiến dịch tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

Trường hợp dịch phức tạp Thành phố sẽ tiêm tại cộng đồng. Thành phố cũng sẵn sàng tốt khâu chuẩn bị từ rà soát lập danh sách đến giấy mời sẽ chuẩn bị chu đáo.

Được biết, ngành y tế Hà Nội đã lên danh sách khoảng 680.000 - 840.000 trẻ thuộc đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19. Hiện Thành phố cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án, cũng như điều kiện cần thiết tại các cơ sở tiêm chủng cho trẻ.

Tiêm vắc-xin Pfizer cho trẻ em từ tháng 11
Việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 sẽ được thực hiện trước với trẻ em ở độ tuổi từ 16-17 tuổi, sau đó sẽ hạ thấp dần độ tuổi.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư