Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 05 năm 2024,
Hà Nội: Sốt xuất huyết vẫn tăng cao
D.Ngân - 21/05/2023 13:46
 
Theo CDC Hà Nội, trong năm 2023, tính đến ngày 15/5, toàn TP. Hà Nội ghi nhận 250 ca mắc sốt xuất huyết, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Số ca mắc ghi nhận tại 27/30 quận, huyện, thị xã và tại 143/579 xã, phường, thị trấn. 

Ghi nhận 14 ổ dịch tại 9 quận, huyện gồm: Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai, Hoài Đức, Tây Hồ.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/5/2023, Hà Nội ghi nhận 250 ca mắc sốt xuất huyết, tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Thời gian qua, CDC Hà Nội đã chủ động phối hợp với các đơn vị trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch các cấp; triển khai kế hoạch vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy, diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết.

Đồng thời xây dựng kế hoạch phát động hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết (15/6/2023); tiếp tục duy trì các hoạt động giám sát dịch tễ, véc tơ truyền bệnh, phát hiện sớm, khoanh vùng xử lý ổ dịch, ca bệnh tại cộng đồng.

Thực hiện chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại cơ sở.

Các đơn vị cũng đã chủ động, kịp thời tổng hợp, báo cáo tình hình dịch sốt xuất huyết trên phần mềm theo Thông tư 54 theo quy định.

Theo nhận định của CDC Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết có thể gia tăng nhanh trong thời gian tới, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho loăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển.

Hiện nay, số ca mắc đang tăng theo tuần, có thể ghi nhận bệnh nhân nặng và tử vong so với năm 2022. Vì vậy, ngoài sự vào cuộc một cách quyết liệt của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và ngành Y tế thì người dân cũng cần nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc quy định về phòng, chống dịch.

Theo Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào, các đơn vị cần tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh là hết sức quan trọng.

Bên cạnh đó, cần chủ động tham mưu, đề xuất với chính quyền các cấp tiếp tục triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi tại hộ gia đình, khu dân cư, khu vực công cộng để phòng, chống sốt xuất huyết.

Để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị tiếp tục tham mưu cho chính quyền địa phương về triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở.

Đồng thời, thực hiện rà soát, đề xuất tháo gỡ khó khăn về định mức chi cho hệ y tế dự phòng làm sao cho phù hợp; đảm bảo đầy đủ vật tư hoá chất, máy phun sử dụng trong phòng, chống dịch. CDC Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng lưu ý, bắt đầu từ tuần tới CDC Hà Nội có thông báo chỉ số nguy cơ đối với từng quận, huyện, thị xã, khu vực nguy cơ cao về sốt xuất huyết để có những cảnh báo cho người dân.

CDC Hà Nội cũng cần rà soát lại công tác xét nghiệm mẫu, thống nhất với các đơn vị về việc gửi mẫu xét nghiệm làm sao hiệu quả, đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.

Các đơn vị tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết để người dân tự giác thực hiện biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng.

Chủ động tham gia thu dọn vật dụng phế thải gây đọng nước, nơi bọ gậy, muỗi phát triển, đậy kín các dụng cụ chứa nước sinh hoạt để phòng bệnh sốt xuất huyết.

Theo chuyên gia, sốt xuất huyết thường trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường, thường biểu hiện sốt cao, đột ngột 39 - 40 độ C trong 1 hoặc 2 ngày đầu.

Sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tức từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái máu hoặc rong kinh, kinh nguyệt kéo dài ở phụ nữ).

Bệnh chuyển sang giai đoạn 3, đó là giai đoạn hồi phục (người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường). Tuy vậy, những bệnh nhân nặng, từ giai đoạn này sẽ xuất hiện biến chứng diễn tiến rất khó lường.

Các bác sĩ khuyến cáo sốt xuất huyết diễn biến nặng thường bắt đầu từ ngày thứ 4, 5 trở đi, không phải thấy hết sốt mà chủ quan.

Lựa chọn tốt nhất để điều trị các triệu chứng đau đầu, hạ sốt khi mắc sốt xuất huyết là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg/lần, tức là người 40kg uống 1 viên 500mg/lần còn người trên 70kg uống 2 viên/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ, tổng liều không vượt quá 60 mg/kg/24h.

Không được sử dụng aspirin, ibuprofen để điều trị sốt xuất huyết do thuốc làm trầm trọng thêm tình trạng chảy máu, tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày, đe dọa đến tính mạng.

Về vấn đề bù dịch cho bệnh nhân sốt xuất huyết, lưu ý việc bù đủ lượng dịch cơ thể rất cần nhưng bằng dịch nào, theo cách nào cho đúng và an toàn cần ý kiến bác sĩ.

Những ngày đầu việc truyền dịch là không cần thiết, nếu bệnh nhân còn ăn uống được thì nên bù dịch bằng đường ăn uống tự nhiên. Bệnh nhân có thể uống oresol, nước hoa quả, nước lọc. 

Không phải cứ có chẩn đoán sốt xuất huyết là phải truyền dịch mà phải đúng chỉ định của thầy thuốc, đặc biệt không nên tự truyền dịch tại nhà.

Lúc truyền dịch phải kiểm soát các bệnh lý khác của người bệnh như tim mạch, huyết áp, hô hấp... Từ ngày thứ 6 của bệnh (giai đoạn tái hấp thu và hồi phục) nếu truyền nhiều dịch sẽ gây nhiều biến chứng như suy tim, phù phổi cấp…

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết người dân cần thực hiện những điều sau: Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt lăng quăng.

Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, thả muối hoặc hóa chất diệt bọ gậy vào bát nước kê chân chạn, bể cảnh, hòn non bộ, khay nước thải tủ lạnh...

Bên cạnh đó, cần loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên, lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng.

Ngủ màn phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... để diệt muỗi và phòng muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

Ngoài ra, khi bị sốt, người bệnh đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Trong khi điều trị bệnh, người bị sốt xuất huyết nên nằm trong màn để không bị muỗi đốt, tránh lây lan bệnh cho người khác.

Tin mới về y tế ngày 8/5: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng nhẹ; Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh của một công ty dược
heo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 29/4 – 5/5, số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tăng nhẹ, còn ca tay chân miệng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư