
-
Nguy kịch vì tự uống paracetamol quá liều
-
Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an, địa phương chống hàng giả
-
Chuẩn bị hợp nhất hệ thống y tế "siêu đô thị" gần 14 triệu dân
-
Đau họng kéo dài, bé trai 8 tuổi phát hiện ung thư tuyến giáp di căn -
Covid-19 tái xuất tại một số địa phương, ngành y tế siết chặt phòng dịch
![]() |
Đại diện Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị. |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá kết quả của đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong ngành y, nhiều địa phương cũng thẳng thắn nêu lên thực trạng và khó khăn trong quá trình thực hiện công tác hậu kiểm. Ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết, từ tháng 4/2025 đến nay, tỉnh đã kiểm tra gần 170 cơ sở y tế, thực phẩm, dược phẩm, phát hiện 39 cơ sở vi phạm.
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra lỗ hổng trong việc hậu kiểm hiện nay do quy định cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng, cơ quan quản lý chỉ tiếp nhận và hậu kiểm sau, dẫn đến nhiều sản phẩm không đạt chất lượng vẫn lưu thông trên thị trường.
Ông đề xuất Bộ Y tế cần xây dựng danh sách các sản phẩm bắt buộc công bố, kiểm nghiệm định kỳ và đăng tải công khai để hỗ trợ hậu kiểm hiệu quả hơn.
Báo cáo tại Hội nghị cũng cho thấy, từ năm 2020 đến tháng 5/2025, Cục An toàn thực phẩm đã kiểm tra hơn 400 cơ sở, xử phạt 198 cơ sở vi phạm với tổng số tiền trên 23,7 tỷ đồng.
Riêng năm 2024, Bộ Y tế tổ chức hơn 80 đoàn kiểm tra GMP, 130 đoàn kiểm tra GSP và 50 đoàn thanh tra độc lập trong lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm. Cục đã chuyển 31 vụ việc nghiêm trọng sang cơ quan công an để điều tra, xử lý theo pháp luật.
Dù vậy, Bộ Y tế cũng thẳng thắn nhìn nhận các thủ đoạn làm hàng giả ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ hiện đại, trong khi việc kinh doanh trực tuyến lại chưa được kiểm soát chặt chẽ. Nguồn lực cho thanh kiểm tra, kiểm nghiệm ở tuyến cơ sở còn hạn chế, dẫn đến nhiều sản phẩm kém chất lượng lọt qua hệ thống.
Thượng tá Vũ Thanh Tùng, Phó Cục trưởng C03, Bộ Công an, cho biết, từ đầu năm 2025 đến nay, đã khởi tố 6 vụ án liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả trong y tế.
Ông cảnh báo thủ đoạn phổ biến hiện nay là doanh nghiệp nộp mẫu kiểm định đạt chuẩn, nhưng khi sản xuất hàng loạt lại sử dụng nguyên liệu kém chất lượng để tối ưu lợi nhuận.
Một phần nguyên nhân là do ý thức người dân trong tố giác tội phạm còn hạn chế, công tác thanh kiểm tra tại địa phương chưa chủ động, hệ thống công nghệ thông tin để giám sát chưa hoàn thiện, và đặc biệt vẫn còn tình trạng cán bộ buông lỏng trách nhiệm.
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết nhiều đối tượng cầm đầu các đường dây sản xuất hàng giả không trực tiếp tham gia mà thuê người sản xuất tại nơi vắng vẻ, xa trung tâm.
Nhiều cơ sở khi bị kiểm tra thì đã chuẩn bị từ trước, chuyển hàng hóa đi nơi khác. Đáng lo ngại, hình thức kinh doanh qua mạng xã hội, sàn thương mại điện tử như Facebook, Zalo ngày càng phổ biến, gây khó khăn trong xác định địa điểm và đối tượng vi phạm.
Trước thực trạng trên, các địa phương cho rằng cần có chế tài đủ mạnh để răn đe và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm. Hoạt động kiểm tra cũng cần đi vào chiều sâu, tránh hình thức.
Bộ Y tế khẳng định trong đợt cao điểm từ 15/5 đến 15/6/2025, đã thành lập 15 tổ kiểm tra đột xuất trên toàn quốc nhằm siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm và thiết bị y tế.
Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về an toàn thực phẩm, tăng cường quản lý quảng cáo, công bố sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt trên môi trường số. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát hiện, tố giác hàng giả.
Về phía cơ sở y tế, để bảo vệ người bệnh trong cuộc chiến với hàng giả, TS.Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, vấn đề hàng giả, hàng nhái thâm nhập vào hệ thống bệnh viện đang trở nên đáng lo ngại, không chỉ với thuốc mà còn nhiều nhóm sản phẩm khác như thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng, thậm chí cả chứng chỉ hành nghề.
“Các sản phẩm xuất hiện trong cơ sở khám chữa bệnh từ quầy thuốc đến căng tin bệnh viện đều tiềm ẩn nguy cơ bị trà trộn hàng kém chất lượng, nếu thiếu kiểm soát chặt chẽ”, ông Đức cảnh báo.
Ông nhấn mạnh, hiện đã có quy định nghiêm cấm việc kê đơn thực phẩm chức năng trong các cơ sở y tế. Nếu nhân viên y tế vi phạm, kê sai quy định sẽ bị xử lý.
Đồng thời, các bệnh viện cũng phải có trách nhiệm quản lý chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa. Khi tổ chức đấu thầu căng tin, lãnh đạo bệnh viện cần yêu cầu đơn vị trúng thầu đảm bảo minh bạch xuất xứ và chất lượng sản phẩm, vì đây là không gian phục vụ người bệnh.
Đối với các địa phương, TS.Hà Anh Đức cho biết hiện đã phân cấp khoảng 70% thủ tục hành chính về y tế cho các Sở Y tế tỉnh, thành phố. Do đó, vai trò của thanh tra, kiểm tra, và phối hợp liên ngành là đặc biệt quan trọng.
Về giải pháp lâu dài, ông Đức thông tin Bộ Y tế đang xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về người hành nghề y, tương tự như mã định danh cá nhân. Dữ liệu này sẽ ghi nhận đầy đủ thông tin về phạm vi, thời gian hành nghề, lịch sử vi phạm… và áp dụng chung cho cả y tế công lẫn tư.
Song song, Bộ cũng đang phối hợp với Cục Quản lý Dược để hoàn thiện hệ thống đơn thuốc điện tử, cho phép kiểm soát từ bác sỹ kê đơn đến cơ sở bán thuốc. Toàn bộ quy trình, từ người kê, nội dung kê, đến nơi cung ứng sẽ được giám sát qua hệ thống dữ liệu quốc gia về dược.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo công tác quản lý hành nghề y dược được thực hiện nghiêm túc, toàn diện”, ông Đức nhấn mạnh.
Không chỉ khó khăn về cơ chế, lực lượng hậu kiểm tại địa phương cũng thiếu về nhân sự và thiết bị. Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề nghị các địa phương có thể lồng ghép nhân lực kiểm nghiệm vào khâu hậu kiểm và nếu gặp vướng mắc cần chủ động báo cáo để Bộ Y tế và UBND tỉnh có phương án hỗ trợ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh, hàng giả trong y tế không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà phải được nhìn nhận như một tội ác.
Theo bà, các sản phẩm thuốc, thực phẩm chức năng, thiết bị y tế bị làm giả hoặc không rõ nguồn gốc không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn trực tiếp đe dọa sinh mạng người dân, làm suy giảm niềm tin vào hệ thống y tế, gây mất an toàn cộng đồng.
Để xử lý hiệu quả, Bộ trưởng đề xuất cần áp dụng mức xử phạt nghiêm khắc nhất đối với các hành vi vi phạm, nhằm tạo tính răn đe và cảnh tỉnh.
Bà thông tin thêm, Bộ Công an đang tham mưu với Quốc hội sửa đổi các văn bản pháp luật nhằm tăng cường chế tài hình sự và hành chính đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả trong y tế.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận đây là cuộc chiến cam go, không thể trông chờ vào nỗ lực riêng của ngành y tế. Theo đó, cần sự phối hợp mạnh mẽ giữa các bộ, ngành như Công an, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, cùng sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.
“Đây không thể là một chiến dịch ngắn hạn, ra quân một tháng rồi nghỉ. Phải là một cuộc chiến liên tục, bền bỉ, toàn diện và có chiều sâu”, bà Lan nhấn mạnh.
Một trong những giải pháp trọng tâm mà Bộ Y tế đang triển khai là rà soát, hoàn thiện khung pháp lý quản lý lĩnh vực y tế, đặc biệt thông qua việc xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dược, sửa đổi Nghị định 15 về an toàn thực phẩm, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Cùng với đó là triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa y tế nhằm minh bạch hóa thị trường và nâng cao hiệu quả hậu kiểm.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các Sở Y tế địa phương cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố để tháo gỡ khó khăn về nhân lực, kinh phí, thiết bị phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra. Việc phân cấp, phân quyền phải đi liền với trách nhiệm rõ ràng, tránh tình trạng chồng chéo, đùn đẩy.
Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, Bảo vệ tính mạng và sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ tối thượng. Một viên thuốc giả có thể cướp đi một sinh mạng và điều đó là không thể chấp nhận. Cuộc chiến chống hàng giả trong y tế không chỉ là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, mà còn là bổn phận của mỗi người dân trong việc bảo vệ chính mình, gia đình mình và niềm tin vào ngành y.

-
Hàng giả y tế tràn lan, xử phạt hành chính là chưa đủ -
Đau họng kéo dài, bé trai 8 tuổi phát hiện ung thư tuyến giáp di căn -
Covid-19 tái xuất tại một số địa phương, ngành y tế siết chặt phòng dịch -
Sở Y tế TP.HCM yêu cầu chủ động ứng phó dịch Covid-19 -
Ngành Y tế ra quân tháng cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả -
Tin mới y tế ngày 22/5: Thành công ca ghép xương vi phẫu cho trẻ mắc dị tật hiếm -
Covid-19 đã được xếp vào nhóm B, người mắc bệnh có cần cách ly y tế?
-
Vietnam Airlines và FPT tăng cường hợp tác chiến lược toàn diện
-
Đà Nẵng bắt tay BIDV phát triển tài chính xanh và công nghệ
-
Công bố Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2025 ngành Năng lượng - Dầu khí
-
Công bố Top 10 Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo và Kinh doanh hiệu quả 2025 ngành Dược - Thiết bị y tế
-
Bùng nổ giao dịch: Newhome Việt Nam phân phối chiến lược Yên Bình Complex, chốt 240 căn trong ngày đầu tiên
-
Chương trình Đổi mới và Phát triển Sản phẩm: Hành trình kết nối khán giả trong kỷ nguyên số