Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Hàng Tết đã sẵn sàng
Thế Hoàng - 22/12/2022 07:49
 
Nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán 2023 đã được các địa phương, doanh nghiệp, nhà bán lẻ chuẩn bị đầy đủ. Nhiều chương trình bình ổn, khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng mùa Tết cũng được tung ra.
Hàng hóa tại các hệ thống siêu thị đang rất dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết
Hàng hóa tại các hệ thống siêu thị đang rất dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng

Các địa phương, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng đã chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng phục vụ dịp Tết 2023 từ nhiều tuần nay. Thông tin này được chia sẻ tại Hội nghị Công tác chuẩn bị Tết, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2022 và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 do Bộ Công thương tổ chức.

Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, các đơn vị bán lẻ đã lên kế hoạch cho hàng Tết từ vài tháng trước. Nhờ chuẩn bị trước nguồn nguyên liệu, sẽ không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, giá cả tăng đột biến.

Tại một số địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng..., ngay từ đầu tháng 11, Sở Công thương đã đôn đốc, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai thực hiện kế hoạch Tết của địa phương.

Để đảm bảo hàng hóa cung ứng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, Bộ Công thương chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất hàng phục vụ tiêu dùng Tết có kế hoạch phù hợp để hạn chế tối đa việc dừng sản xuất trong dịp gần Tết gây tâm lý bất ổn cho thị trường; giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá giả tạo do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

Sở Công thương TP.HCM cho biết, để đảm bảo cung cầu và ổn định giá hàng hóa thiết yếu cho các kênh phân phối, các doanh nghiệp đã dành nguồn vốn 22.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa trong 2 tháng Tết. Với 46 trung tâm thương mại, 227 siêu thị và 3.000 cửa hàng tiện ích, nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng Tết tại TP.HCM tăng khoảng 2 - 3 lần so với các tháng bình thường.

Việc chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tại Hà Nội cũng đã hoàn tất. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa Tết năm 2023 trị giá 39.500 tỷ đồng, tăng 15% với năm 2022. Sở Công thương Hà Nội cho hay, các cơ sở có kế hoạch sản xuất bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu 30% ngoài kế hoạch được giao.

Cụ thể, dự trù lượng hàng hóa cho 3 tháng trước, trong và sau Tết gồm: 290.100 tấn gạo; 57.900 tấn thịt lợn, 19.200 tấn thịt gà, hơn 16.000 tấn thịt bò, 387 triệu quả trứng gia cầm, 322.500 tấn rau củ; 15.900 tấn thực phẩm chế biến; 15.900 tấn thủy hải sản; 156.000 tấn trái cây.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương TP. Hà Nội thông tin, Thành phố triển khai Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu năm 2022 (thời gian thực hiện từ tháng 7/2022 đến hết tháng 5/2023) với sự tham gia của 32 đơn vị sản xuất, kinh doanh, thực hiện cung ứng hàng hóa tới hơn 12.000 điểm bán trên toàn thành phố.

Với kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng và dự trữ hàng tăng so với năm ngoái, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động lớn, thị trường bình ổn, không có chuyện khan hàng, sốt giá.

Các doanh nghiệp phân phối cũng cơ bản chuẩn bị nguồn hàng dự trữ đảm bảo cho nhu cầu tăng cao dịp Tết. Bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc thường trực WinCommerce cho biết, đơn vị đã làm việc với hơn 300 nhà cung cấp để tăng sản lượng nguồn hàng, thực hiện các chương trình bình ổn giá, đảm bảo cung ứng hàng hóa trên toàn hệ thống.

Tập đoàn Central Retail Việt Nam (sở hữu khối cửa hàng Big C/GO!) đã làm việc chặt chẽ với các nhà cung cấp để dự báo số lượng sản xuất từ quý II/2022, công tác dự trữ hàng hóa phục vụ dịp Tết đã được thực hiện từ đầu tháng 10, hoàn toàn không lo khan hiếm hàng hóa.

Kỳ vọng sức mua

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịp Tết 2023 được dự báo tăng khoảng 8 - 10% so với dịp Tết 2022. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nên giá các mặt hàng thiết yếu năm nay tăng nhẹ so với năm trước.

Báo cáo của Ngân hàng HSBC nhận định, bất chấp những khó khăn bên ngoài (đơn hàng xuất khẩu sụt giảm khi thương mại toàn cầu chậm lại), nhu cầu nội địa bùng nổ đã và đang hỗ trợ cho tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 11 tháng của năm 2022, lĩnh vực này tăng trưởng 20,5%, nếu loại trừ yếu tố giá cũng tăng đến 16,9%.

Tết Nguyên đán là thời điểm sức tiêu dùng hàng hóa tăng mạnh trong năm, nhưng trước biến động cùa tình hình kinh tế thế giới, đơn hàng xuất khẩu của một số doanh nghiệp bị giảm sút, một bộ phận công nhân tại không ít doanh nghiệp bị mất việc, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới sức tiêu dùng hàng hóa Tết.

Trước nỗi lo người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, nhiều nhà sản xuất cũng chủ động điều tiết lượng hàng sản xuất ra, đơn đặt hàng tới đâu sẽ sản xuất tới đó và có dự phòng nguyên liệu.

Theo đại diện một nhà sản xuất dầu ăn tại phía Nam, mọi năm, trước Tết Nguyên đán khoảng 2 - 3 tháng, đơn đặt hàng từ doanh nghiệp trong các khu công nghiệp mua dầu ăn làm quà Tết cho công nhân dồn dập, nhưng năm nay ít hơn, nhiều doanh nghiệp không quay lại đặt hàng, hoặc duy trì đơn hàng, nhưng lượng giảm 20 - 40% so với mùa Tết trước.

Trong bối cảnh cạnh tranh tiêu thụ hàng hóa Tết, các nhà bán lẻ cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại, ưu đãi để hút khách.

Chẳng hạn, đối với hàng thực phẩm, Tết Quý Mão 2023, Tập đoàn Central Retail tung danh mục món ăn Tết, bao gồm các sản phẩm theo mùa (bánh chưng, bánh tét, bánh pía, lạp xưởng, chả lụa...) và các món ăn chế biến sẵn truyền thống (xôi gấc, gà luộc, nem, thịt kho tàu…). Hệ thống siêu thị GO!, Big C cũng tăng cường các mặt hàng sử dụng hàng ngày như thịt lợn, thịt bò, cá, hải sản, rau và trái cây.

Đặc biệt, nhiều nhà bán lẻ “bắt tay” doanh nghiệp sản xuất để thiết kế các chương trình ưu đãi kích cầu mua sắm. Đơn cử, hệ thống Co.op Mart đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi và kích cầu mua sắm trên cơ sở phối hợp nhà cung cấp để có giá tốt, kích cầu mua sắm cuối năm cho người tiêu dùng, được thực hiện từ cuối tháng 11 đến 21/1/2023 ở 800 điểm bán tại 43 tỉnh, thành phố.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng tốc, tháng Tết Nguyên đán tăng 1%
So với tháng trước, CPI tháng 2/2022 tăng 1%. Bình quân 2 tháng tăng 1,68%.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư