Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 01 tháng 11 năm 2024,
Hạnh phúc là được đi đây đi đó, được gặp người thân mỗi khi nhớ tới họ
Khánh An thực hiện - 01/02/2022 08:08
 
Những tấm lòng nhân hậu của những người trong tâm dịch sẽ là điều mà bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại Công ty MM Mega Market sẽ nhớ mãi, để thấy trân quý cuộc sống bình thường.
.
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại Công ty MM Mega Market.

Thưa bà, đầu Xuân năm mới, xin gửi lời chúc bình an tới bà và đại gia đình!

Tôi cũng xin gửi lời chúc mọi người một năm mới thật an lành, mạnh khỏe, hạnh phúc và thật lạc quan.

Chúng ta cùng mong dịch bệnh nhanh chóng chấm dứt để cuộc sống và công việc của mọi người được trở lại bình thường, người người, nhà nhà có một cái Tết đoàn viên thật đầm ấm bên nhau!

Có thể nói, sau một năm đầy biến cố, chúng ta mới cảm nhận giá trị của một mùa Xuân bình thường, mọi người trong gia đình được ở bên nhau, tự do tận hưởng không khí Tết. Vào thời khắc này, bà muốn chia sẻ điều gì?

Đúng là khi xác định "sống chung với dịch bệnh" như hiện nay, chúng ta mới cảm nhận được sự tự do và càng trân quý nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và nỗ lực của các chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch.

Đây là điều chúng ta mong mỏi suốt hai năm qua. Chúng ta mong mỏi dịch bệnh sẽ qua đi, cuộc sống dần trở lại bình thường, chúng ta sẽ lại được tự do di chuyển, được đi đây đi đó, được gặp người thân ở thành phố hay tỉnh khác mỗi khi chúng ta nhớ tới họ. 

Năm 2021, khi làn sóng dịch thứ tư ập tới, đặc biệt là ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, mỗi ngày chúng tôi lại mong, đợt phong tỏa này sẽ kết thúc và đây sẽ là đợt cuối cùng. Thế nhưng, đợt này chấm dứt thì đợt tiếp theo lại tới. Mỗi khi gọi điện cho nhau hay họp qua zoom, tôi thật sự biết ơn đời vì những người thân của mình vẫn bình an, đồng nghiệp của mình và gia đình họ không gặp cảnh thiếu đồ dùng thiết yếu, thiếu thức ăn thức uống.

Mỗi ngày mới, thấy gia đình và người thân bình an, mạnh khỏe và từng người, từng người được chích văc- xin, nỗi lo lại vơi đi một chút. 

Điều làm tôi xúc động nhất chính là những chiến sỹ áo trắng, những người lính và các chiến sỹ công an ngày đêm giúp dân dù ở mức độ dịch nào. Hàng ngày họ phải tiếp xúc với người bệnh, giúp đỡ từng người, từng gia đình, không quản ngại nguy hiểm cận kề, nguy cơ lây nhiễm bất cứ khi nào.  

Nhớ lại năm qua, nhiều người tâm sự, năm 2021 là một năm đáng quên, với nhiều đau buồn, thậm chí là những nỗi ám ảnh. Sống ở tâm dịch vào thời điểm đó chắc chắn là một trải nghiệm không dễ dàng gì. Có điều gì mà bà muốn... quên?

Tôi đã trải qua thời kỳ chiến tranh khốc liệt, cảm nhận được những gian nan thời chiến. Tuy nhiên, đại dịch lần này là một trải nghiệm chưa từng có với “kẻ thù” luôn bên chúng ta. Chúng tôi vẫn nói đùa với nhau là "bất cứ ai cũng có thể là F0", mà có lẽ đúng là như vậy. 

Người chúng ta vừa gặp, vừa ăn tối cùng nhau, ngay ngày hôm sau đã có thể dương tính với dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ngay cả Nhà nước, Chính phủ hay các cấp chính quyền địa phương chưa từng phải gặp phải tình huống này, nên không có một kịch bản hay kế hoạch để ứng phó, mỗi nơi áp dụng một quy định điều đó thực sự ảnh hưởng không ít tới chuỗi cung ứng và tới đời sống của từng người dân, từng gia đình, từng khu phố...

Điều tôi muốn quên đi là những con số được thông báo mỗi ngày vào buổi tối, đó là số ca nhiễm, số ca tử vong, số nhà máy phải tạm dừng hoạt động, số công nhân không có việc làm, những ngày phong tỏa ở TP.HCM.

Vậy điều gì bà muốn nhớ trong 120 ngày TP.HCM bị phong tỏa đó?

Không ai có thể nghĩ đến có quãng thời gian TP.HCM bị phong tỏa tới 120 ngày, cứ gần tới khi hết một đợt giãn cách, lại bắt đầu một đợt mới.

Có những người lao động mà tôi biết, cuộc sống của họ đã bị đảo lộn và vô cùng khó khăn. Một gia đình 6 người sống trong một căn nhà trọ, bà ngoại thì giúp việc nhà theo giờ, ông ngoại là lái xe tải, con rể lái xe công nghệ, con gái ở nhà trông hai con nhỏ. Họ không thể có thu nhập nếu không được ra khỏi khu nhà trọ để đi làm. Nơi họ sinh sống là xóm trọ nghèo và khi xuất hiện vài ca F0 là gần như cả xóm trọ phải đi cách ly. Trong giai đoạn phong tỏa, cuộc sống vô cùng khó khăn, lương thực thực phẩm thì được chính quyền cung cấp nhưng số lượng có hạn, mỗi tuần 1-2 lần, người lớn thì cố gắng chịu đựng, nhưng em bé thì cần có sữa, thức ăn, tã bỉm… Gia đình họ đứng trước nguy cơ bị thiếu đói.

Không có thu nhập nên không thể trả tiền nhà, chủ nhà trọ thông cảm cho nợ 2 tháng nhưng đến tháng thứ ba thì họ đòi nhà nếu không trả được tiền thuê nhà. Tuy nhiên, trong khó khăn, họ đã được những nhà hảo tâm, những tấm lòng nhân hậu sẻ chia vượt qua giai đoạn khó khăn.

Khi thành phố vừa dỡ bỏ lệnh phong tỏa, ngay lập tức họ trở lại công việc đã bị gián đoạn suốt 4 tháng trời.

Điều tôi muốn nhớ và trân quý đó là những tấm lòng nhân hậu mà những người trong tâm dịch đã dành cho nhau, những phần quà an sinh đã được chuyển tới tay những người khó khăn cần sự trợ giúp. Tôi nhớ mãi hình ảnh những chiến sỹ trẻ, khoác trên mình bộ quân phục, đi tới các siêu thị, cửa hàng để “đi chợ hộ”. 

Là người thường xuyên làm việc với các cơ quan nhà nước như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông - Vận tải, các cấp chính quyền phường, quận và thành phố, tôi nhận thấy mọi người đã vào cuộc một cách rất quyết liệt, kịp thời để giữ cho chuỗi cung ứng không bị đứt gãy. 

Như Bộ Công thương, ngay khi làn sóng dịch thứ tư xảy ra, họ đã lập một “Tổ công tác đặc biệt” đóng tại TP.HCM, thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận mọi yêu cầu của doanh nghiệp để xử lý trong thời gian sớm nhất.

Có thể nói, sự bình thường dần trở lại bởi các hành động đặc biệt như vậy!

Gia đình tôi đã phải trải qua 4 tháng sống xa cách, một nửa gia đình ở Hà Nội, một nửa ở TP.HCM trong suốt thời gian TP.HCM bị phong tỏa. Tết này, chúng tôi đang ở bên nhau.

Điều chúng tôi cảm thấy may mắn là đã được tiêm vắc - xin kịp thời, đó là mọi người vẫn được bình an, được an toàn, không có mất mát nào xảy ra đối với gia đình và người thân.

Nhưng cuộc sống không trở lại như cũ. Chúng tôi đã quen với cách làm việc mới - work from home (làm việc từ nhà), đó là các cuộc họp qua zoom, mọi người đã nhanh chóng thích nghi với tình hình mới, nâng cao kỹ năng làm việc trực tuyến.

Họa sĩ Phan Hải Bằng: Tết phải giữ phần nhân văn chủ đạo của các nền nếp cổ
Xã hội sẽ không có bất kỳ một giá trị nào thực sự được xây dựng nên nếu cắt đứt với quá khứ, với truyền thống.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư