Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 05 năm 2024,
Hậu quả vì “tự làm bác sỹ” khi bị đau mắt đỏ
Dương Ngân - 03/10/2023 13:54
 
Dịch đau mắt đỏ đang hoành hành ở nhiều nơi, nhưng người dân nhiều khi chủ quan, tự ý điều trị bằng phương pháp dân gian, dẫn đến các biến chứng nguy hại, thậm chí mù lòa.
Bác sỹ đang khám cho một bệnh nhân bị đau mắt đỏ
Bác sỹ đang khám cho một bệnh nhân bị đau mắt đỏ

Sai lầm khi tự ý điều trị

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM.

Tại TP.HCM, theo ghi nhận của Sở Y tế, số trường hợp đau mắt đỏ đến khám tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố tăng cao so với các năm gần đây. Còn tại Quảng Nam, đại diện Bệnh viện Mắt Quảng Nam cho hay, từ giữa tháng 8 đến nay, số bệnh nhân đau mắt đỏ đã tăng 35-40%/ngày, thậm chí có ngày lên đến 50%, trong đó người dưới 18 tuổi chiếm khoảng 70%.

Còn tại Hà Nội, thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, hàng tuần ghi nhận 700-800 ca đến khám. Trung bình 100 bệnh nhân khám thì có khoảng 20-30 bệnh nhân đau mắt đỏ. Năm nay có nhiều ca biến chứng nặng, tỷ lệ lên tới 15-20% tổng số ca được chẩn đoán đau mắt đỏ.

PGS-TS. Lê Xuân Cung, Trưởng khoa Kết - Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho hay, hàng năm khi nắng nóng thường xảy ra dịch đau mắt đỏ, hay còn gọi là viêm kết mạc cấp. Năm nay dịch nặng và kéo dài hơn, hiện đã là mùa thu nhưng dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Người bị đau mắt đỏ cần có ý thức vì cộng đồng để tránh lây nhiễm cho người khác. Theo đó, rửa tay trước và sau khi tra thuốc hay vệ sinh mắt, hạn chế sờ tay vào các đồ vật dùng chung, đeo khẩu trang và kính mắt ở nơi công cộng, không đi bơi khi bị đau mắt, không dùng chung khăn mặt, chậu rửa với các thành viên khác.

Dịch đau mắt đỏ cấp do virus gây ra. Khi người bệnh bị nhiễm thì dịch tiết từ mắt và đường hô hấp chứa nhiều virus, rất dễ lây nhiễm sang người khác. Về chẩn đoán bệnh tương đối đơn giản với triệu chứng mắt ngứa, cộm đỏ, sưng nề, chảy nhiều dịch, thị lực không giảm mà chỉ khó nhìn. Viêm kết mạc thường là lành tính nếu bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm, chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nhiều ca đến bệnh viện muộn, tự mua thuốc về tra mắt, điều trị phản khoa học như xông lá trầu không, lá dâu, gây nhiều biến chứng như loét giác mạc. Khi đó bệnh trở nặng nên sẽ phải điều trị nội trú để được theo dõi chặt chẽ hơn.

Bên cạnh đó, các bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Mắt Trung ương thời gian vừa qua có nhiều bệnh lý khác nhau như viêm giác mạc chấm nông, viêm kết mạc, viêm loét giác mạc, viêm giác mạc kẽ, viêm giác mạc sợi… trong đó viêm loét giác mạc chiếm tỷ lệ cao và có nhiều biến chứng nặng. Mọi năm, bệnh nhân đến khám do xuất huyết kết mạc là chủ yếu, mặc dù biểu hiện rầm rộ nhưng bệnh lại lành tính, trong khi đó, năm nay các bệnh nhân chủ yếu đến khám do viêm giác mạc. Điều này ảnh hưởng tới thị lực rất lớn.

Khi dịch đau mắt đỏ đang lây lan mạnh thì việc người dân cần chú ý các biện pháp bảo vệ sức khỏe, không tự ý điều trị bệnh, dùng thuốc khi chưa có chỉ định trở nên cấp thiết. Thông tin từ Bệnh viện E cho hay, cơ sở vừa tiếp nhận bệnh nhân đau mắt đỏ biến chứng do không thăm khám mà tự ý điều trị.

Qua lời kể của bệnh nhân thì cách đây 1 tuần, bệnh nhân thấy mắt ngứa, đỏ, cộm, nên nghĩ mình bị đau mắt đỏ. Bệnh nhân tự mua thuốc uống và nhỏ về dùng liên tục trong 6 ngày, song tình trạng đau mắt không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Tới ngày thứ 6, bệnh nhân không còn nhìn thấy nữa mới hoảng loạn gọi người nhà đưa vào viện thăm khám.

Theo các bác sỹ khoa Mắt (Bệnh viện E), bệnh nhân đến viện muộn, chẩn đoán bị loét giác mạc nghi do nấm và mủ tiền phòng. Hiện bệnh nhân đang được điều trị chuyên khoa theo phác đồ và tư vấn của bác sỹ để lấy lại thị lực.

Các bác sỹ khuyến cáo, nhiều người còn chủ quan trong điều trị đau mắt đỏ, không cần biết nguyên nhân đã ra hiệu thuốc mua kháng sinh về nhỏ và điều trị. Điều này rất nguy hiểm, gây nhiều tác dụng phụ, biến chứng, thậm chí là mù lòa.

Ví dụ như người bị nấm giác mạc, nếu không biết, thấy ngứa, đỏ mắt liền mua thuốc có chứa corticoid về nhỏ mắt sẽ làm bệnh bùng phát và nặng thêm, gây biến chứng thủng giác mạc, hoặc sẽ làm cho vết loét rộng, lâu lành sẹo, nặng có thể dẫn đến mù.

Một số trường hợp khác, nhất ở vùng nông thôn khi bị đau mắt đỏ, người dân thường dùng mẹo để chữa, khiến tình trạng bệnh càng nặng thêm. “Mẹo chữa đau mắt đỏ thường gặp là xông lá trầu không, ngoài ra có nơi dùng đuôi lươn đắp lên mắt. Đặc biệt, gần đây còn rộ lên trào lưu nhỏ nước tiểu vào mắt để chữa đau mắt đỏ. Đây là sai lầm nguy hiểm trong điều trị", một bác sỹ Bệnh viện Mắt trung ương chia sẻ.

Nâng cao ý thức phòng bệnh

Điều trị bệnh đau mắt đỏ không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus không chịu tác dụng của các loại kháng sinh. Tuy nhiên, các bác sỹ thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm, vì thường sau khi nhiễm trùng kết mạc do virus, sức đề kháng của kết mạc kém đi, dẫn đến dễ bội nhiễm vi khuẩn. Các chế phẩm dinh dưỡng kết giác mạc hay được dùng như các dạng nước mắt nhân tạo giúp tăng cường khả năng hồi phục của bề mặt nhãn cầu, làm giảm kích ứng và giảm các triệu chứng khó chịu ở mắt.

Các thuốc kháng viêm dạng corticoid có thể được xem xét để điều trị một số trường hợp cụ thể như tình trạng viêm quá mức. Tuy nhiên, việc dùng các loại thuốc này phải được bác sỹ kê đơn và theo dõi cẩn thận, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua để sử dụng vì thuốc có thể làm giảm miễn dịch của kết mạc, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm loét giác mạc, làm bệnh tiến triển kéo dài…

Khi mắt có giả mạc thì nhất thiết phải được làm thủ thuật bóc giả mạc, nếu không sẽ gây ra những biến chứng nặng nề cho giác mạc. Thủ thuật này phải được làm ở phòng tiểu phẫu vô trùng để tránh bội nhiễm các vi khuẩn khác. Nhiều khi phải bóc giả mạc tới vài lần mới khỏi viêm kết mạc. Ngoài các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc mắt và toàn thân để tăng cường hiệu quả điều trị.

Để phòng tránh bị nhiễm bệnh, theo các chuyên gia, trong mùa dịch nên hạn chế đến chỗ đông người, đeo khẩu trang và kính mắt khi tiếp xúc với những người bị đau mắt đỏ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc cồn sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc với các đồ vật ở nơi công cộng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, ghế ngồi công cộng, máy tính công cộng, tiền giấy… Rửa mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Trong các trường học nên tổ chức vệ sinh không gian sinh hoạt học tập vui chơi bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.


Ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ
Rửa tay sạch sẽ, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng, tránh tác nhân gây dị ứng là những cách hiệu quả nhằm ngăn ngừa bệnh đau mắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư