Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Tin mới về y tế ngày 23/9: Không để thiếu thuốc điều trị bệnh đau mắt đỏ; Cẩn trọng với bệnh Whitmore
D.Ngân - 23/09/2023 09:40
 
Trước diễn biến khó lường của dịch đau mắt đỏ, Bộ Y tế yêu cầu không để thiếu thuốc điều trị đồng thời giám sát, phát hiện sớm ổ dịch nhằm tránh bùng phát trên diện rộng.

Giám sát, phát hiện sớm đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ là một bệnh cấp tính, dễ lây, có thể gây ra tình trạng bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Vì thế, việc phòng bệnh tốt và xử trí kịp thời khi mắc bệnh rất quan trọng, tránh biến chứng. 

Trước diễn biến khó lường của dịch đau mắt đỏ, Bộ Y tế yêu cầu giám sát, phát hiện sớm ổ dịch nhằm tránh bùng phát trên diện rộng.

Bộ Y tế cho biết, hiện nay, tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

Theo Bộ Y tế, bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp với dịch tiết từ mắt qua bàn tay nhiễm khuẩn hoặc dùng chung đồ dùng, vật dụng bị nhiễm mầm bệnh. Đau mắt đỏ thường xảy ra ở địa bàn lũ lụt, ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước sinh hoạt.

Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này. Vì vậy, mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và hạn chế số mắc trong thời gian tới, Bộ Y tế đã gửi văn bản đến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường phòng, chống bệnh đau mắt đỏ.

Bộ Y tế đề nghị UBND quan tâm chỉ đạo Sở Y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.

Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng, chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về bệnh đau mắt đỏ để người dân hiểu được nguyên nhân, đường lây và các biện pháp phòng bệnh tại cộng đồng; thường xuyên phát các thông điệp, khuyến cáo cộng đồng trên phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ của Bộ Y tế.

Khuyến cáo đưa người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có biểu hiện nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, nặng lên hoặc không cải thiện, mắt có mủ hoặc chất nhầy, sốt kèm đau nhức.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường và thông báo ngay cho cơ sở y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh để triển khai xử lý ổ dịch sớm, triệt để.

Các cơ sở giáo dục mầm non cần bảo đảm vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo mỗi trẻ có một khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi vào mắt.

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ; phối hợp cha mẹ đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để có cách dùng thuốc phù hợp.

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị thực hiện giám sát, báo cáo tình hình dịch bệnh về Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) theo quy định để theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh kịp thời.

Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…

Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường. Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.

Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ. Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.

Cẩn trọng với bệnh Whitmore

Bệnh Whitmore (hay tên gọi khác là Melioidosis) là một bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei gây ra.

Vi khuẩn B. pseudomallei tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.

Bệnh Whitmore là bệnh ít gặp, không lây lan thành dịch. Bệnh ghi nhận số mắc cao chủ yếu tại Úc và khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, bệnh được phát hiện lần đầu tiên năm 1925 sau đó xuất hiện rải rác qua các năm tại một số địa phương và các ca bệnh gần đây nhất được phát hiện tại Đắk Lắk, Thanh Hóa, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch ...) có nguy cơ cao mắc bệnh.

Bệnh được điều trị bằng cách sử dụng các kháng sinh có nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei và các thuốc điều trị các triệu chứng, biến chứng kèm theo, đồng thời chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bệnh.

Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh Whitmore. Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.

Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

Nhiều trường hợp nguy hiểm tính mạng vì bệnh dại

Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM cho biết, trong hai tuần qua khoa đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh dại. Hai bệnh nhi lần lượt là bé trai 8 tuổi cư ngụ tại tỉnh Gia Lai và bé trai 13 tuổi cư ngụ tại tỉnh Đắk Nông. Ghi nhận tình trạng lúc nhập viện, các bệnh nhi đều vào giai đoạn viêm não, tổn thương não nặng, tính mạng nguy kịch.

Do bệnh phát hiện ở giai đoạn muộn và các bé đều rơi vào tình trạng nguy kịch, nên hiện một trong hai bé đã được gia đình đã xin đưa về nhà. Bé còn lại được đưa qua Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh tiếp tục điều trị chuyên sâu.

Người nhà chia sẻ, trước đó các bé không kể cho gia đình biết có sự cố nhưng tại khu vực quanh nhà đã phát hiện có con chó chết bất thường.  

Nhận thấy những hiểm họa khôn lường từ bệnh dại, BS.CK2 Đỗ Châu Việt khuyến cáo phụ huynh không được chủ quan. Bởi bệnh dại do virus dại (Rhabdovirus) gây nên.

Virus này lây từ động vật sang người qua chất tiết, thường là nước bọt. Thời gian ủ bệnh từ 2-8 tuần, ngắn thì khoảng 10 ngày và dài có khi 1-2 năm, tùy lượng virus và độ nặng vết thương. Người bệnh sẽ nhiễm virus cấp tính tại hệ thần kinh trung ương.

Triệu chứng khởi đầu của bệnh này gồm mệt mỏi, nhức đầu, sốt, cảm giác sợ hãi... Bước vào giai đoạn viêm não, người bệnh thường có biểu hiện như mất ngủ, tăng cảm giác kích thích (sợ ánh sáng, sợ tiếng động, sợ gió). Mức độ nguy hiểm nhất là rối loạn thần kinh thực vật với đồng tử giãn, vã mồ hôi, tăng tiết nước bọt, rối loạn huyết động…

Nguồn lây bệnh dại là động vật hoang dã và cả động vật sống gần người (chó, mèo…). Phương pháp để xác định bệnh dại là xét nghiệm PCR virus dại trong nước bọt.

Virus gây bệnh có sức đề kháng yếu và bất hoạt trong khoảng 2 phút ở 70 độ C, cụ thể dưới ánh sáng và các chất sát khuẩn thông thường có thể làm mất độc lực.  

Trước thềm Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28/9), các chuyên gia lưu ý phụ huynh dù bệnh dại vô cùng nguy hiểm nhưng có thể chủ động phòng tránh cho con trẻ.

Theo đó, người nhà nên giúp trẻ hiểu và khai báo sớm nếu có động vật làm bị thương. Cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc-xin, huyết thanh kháng dại, chích ngừa uốn ván theo chỉ định của nhân viên y tế nếu có.

Cần tiêm vắc-xin dại cho vật nuôi và diệt ổ bệnh khi phát hiện, theo dõi sát những vật nuôi chưa phát bệnh trong ổ. Với những người tiếp xúc thường xuyên với động vật như nhân viên thú y, kiểm lâm… cũng cần chích ngừa định kỳ.

Bộ Y tế khuyến cáo cách phòng chống bệnh đau mắt đỏ
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay tình hình bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư