Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Hậu thanh tra Tổng công ty Đường sắt Việt Nam: “Điểm nghẽn” đất vàng Khách sạn Thương mại Sài Gòn
Anh Minh - 06/01/2017 08:08
 
Việc xử lý 2 lô đất vàng tại Hà Nội mà Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) góp vốn kinh doanh bằng quyền thuê đất thành lập Công ty TNHH Khách sạn Thương mại Sài Gòn vẫn cần thêm sự phân xử của Bộ Tư pháp.

Theo thông tin của Báo Đầu tư, Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp cho ý kiến về Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNR và một số đơn vị thành viên.

Cụ thể, Phó thủ tướng đồng ý cơ bản với nội dung kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 2222/KL-TTCP về Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại VNR và một số đơn vị thành viên. Phó thủ tướng cho rằng, đối với quyết định đầu tư dự án đường sắt từ Chùa Vẽ đến Nhà máy DAP thuộc Khu kinh tế Đình Vũ (Hải Phòng), các cơ quan liên quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, không để xảy ra tình trạng đầu tư các dự án tương tự.

Về Dự án Đầu tư hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt, việc chủ đầu tư đã lắp đặt các tổng đài điện thoại có công suất vượt 7 lần so với nhu cầu thực tế, Phó thủ tướng khẳng định, trong đầu tư xây dựng cơ bản, việc dự phòng là cần thiết, nhưng dự phòng gấp nhiều lần nhu cầu sử dụng là quá lớn.

“Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về việc này”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Khách sạn Thương mại Sài Gòn nằm tại 2 lô đất vàng 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu (Hà Nội). Ảnh: Hà Thanh
Khách sạn Thương mại Sài Gòn nằm tại 2 lô đất vàng 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu (Hà Nội). Ảnh: Hà Thanh

Trước đó, trong Kết luận thanh tra số 2222/KL-TTCP được công bố vào tháng 9/2016, Thanh tra Chính phủ khẳng định, VNR đã thiếu trách nhiệm trong việc quyết định và quản lý thực hiện các dự án đầu tư máy móc thiết bị và dự án kết cấu hạ tầng đường sắt gây lãng phí, kém hiệu quả.

Nổi cộm trong số các công trình gây lãng phí lớn là Dự án Xây dựng mới đường sắt từ Chùa Vẽ đến Nhà máy DAP thuộc Khu kinh tế Đình Vũ. Do dự báo sai, Bộ GTVT và VNR đã phải dừng dự án do thay đổi hình thức vận chuyển quặng apatit từ ga Vật Cách (Hải Phòng) đến Nhà máy DAP, gây lãng phí trên 8,6 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, Dự án phải dừng do việc lập dự án và quyết định đầu tư khi nghiên cứu chưa đầy đủ, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ, ngành, địa phương trong việc lựa chọn phương án khả thi cho dự án. Ngoài ra, Tổng công ty còn quyết định đầu tư dự án hệ thống thông tin tín hiệu đường sắt với dung lượng tổng đài điện thoại lắp đặt dư thừa quá nhiều, gấp 7 lần so với nhu cầu sử dụng thực tế.

Về việc xử lý tài chính 132 tỷ đồng như kiến nghị của Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam xem xét đề xuất xử lý các khoản tiền đã chi theo kết luận thanh tra, phù hợp thực tế và có tính khả thi theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nếu như những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ nhận được sự đồng thuận cao, thì việc xử lý những sai sót liên quan đến việc góp vốn kinh doanh ngoài ngành bằng quyền thuê đất và tài sản gắn liền với đất tại số 80 phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội) và số 22 phố Phan Bội Châu (Hà Nội) vẫn cần phải có thêm ý kiến phân xử của các bộ, ngành.

Theo xác định của Thanh tra Chính phủ, việc thực hiện thủ tục góp vốn của VNR trái với Nghị quyết 94/NQ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ và trái với quy định của Đề án Tái cơ cấu ngành đường sắt giai đoạn 2012 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thanh tra Chính phủ cho rằng, VNR đã xem thường lợi ích Nhà nước, của doanh nghiệp, việc thực hiện góp vốn trái chủ trương quy định để hợp thức hóa việc chuyển nhượng tài sản có giá trị lớn không qua đấu giá, đấu thầu.

Liên quan đến vấn đề này, Phó thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hà Nội, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ, căn cứ quy định của Luật Đất đai và Luật Doanh nghiệp, thẩm tra đánh giá tính hợp pháp của biên bản Thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Hà Thành để thành lập Công ty TNHH hai thành viên Khách sạn Thương mại Sài Gòn và của việc góp vốn kinh doanh bằng quyền thuê đất và tài sản trên đất.

“Xác định rõ đây là trường hợp được góp vốn hay phải bán đấu giá quyền sử dụng đất. Thời hạn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này được ấn định là trước ngày 1/3/2017”, Thông báo nêu rõ.

Chủ tịch Tổng công ty Đường sắt xin từ chức, nghỉ chế độ sớm 4 năm
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành quyết định xin từ chức và nghỉ chế độ sớm trước 4 năm.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư