Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Hé dần bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp năm 2021
Thanh Thủy - 28/12/2021 08:16
 
Tuy chịu ảnh hưởng mạnh do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp đạt kế hoạch lợi nhuận và ghi nhận mức tăng trưởng đáng nể trong năm 2021.
Hóa chất Đức Giang ghi nhận mức lãi khủng, ước đạt 2.400 - 2.500 tỷ đồng trong năm 2021.

Cán đích vượt kế hoạch sau 11 tháng

Đi qua quý III đầy khắc nghiệt, như chiếc lò xo bị nén, hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng bật lên mạnh mẽ trong quý IV.

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, Tổng giám đốc Lê Hoàng Khánh Nhựt cho biết, doanh thu cả năm 2021 của Cao su Đà Nẵng ước đạt trên 4.500 tỷ đồng và đang phấn đấu cán mốc 4.600 tỷ đồng trong dịp kỷ niệm 46 năm thành lập Công ty. Con số trên vượt hơn 13% so với kế hoạch đề ra và tăng khoảng 20% so với năm 2020. Lợi nhuận cả năm 2021 dự kiến đạt 350 tỷ đồng, cũng vượt xa mốc 300 tỷ đồng đề ra tại Đại hội thường niên và tăng 9,2% so với cùng kỳ.

Trước đó, ảnh hưởng của đại dịch cùng việc chi phí vận tải tăng thêm hàng chục tỷ đồng đã kéo lợi nhuận của Cao su Đà Nẵng giảm hơn 45% trong quý III. Đẩy mạnh sản xuất, gia tăng tồn kho gấp 3-4 lần mức thông thường, doanh nghiệp ngành săm lốp này đã đón được cơ hội khi nguồn cung của thị trường thiếu hụt do các nhà sản xuất khác giảm sản lượng. Đồng thời, doanh thu xuất khẩu của Cao su Đà Nẵng cũng góp phần đưa giá trị xuất khẩu sản phẩm từ cao su của Việt Nam vượt mốc 1 tỷ USD, theo con số cập nhật đến ngày 15/12.

Một doanh nghiệp khác trong lĩnh vực sản xuất là Hóa chất Đức Giang ghi nhận mức lãi khủng, ước đạt 2.400 - 2.500 tỷ đồng trong năm 2021. Trong đó, chỉ riêng tháng 10 và 11, lợi nhuận đã đạt 1.000 tỷ đồng. Công ty hưởng lợi mạnh mẽ từ xu hướng tăng giá hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm phốt pho vàng chủ lực.

Dù không vượt kế hoạch đề ra, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cũng ghi nhận khoản lãi khá cao với lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 884 tỷ đồng, vượt 121% kế hoạch.

Bứt phá mạnh nhờ sản lượng và giá cước vận tải tăng, lợi nhuận sau thuế của CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An ước đạt 389 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với mục tiêu đề ra và tăng 165% so với khoản lãi năm 2020. Chưa kể, trong quý IV này, doanh nghiệp còn thu được khoản chênh lệch lớn từ bán toàn bộ cổ phiếu quỹ với giá bình quân gấp 7,1 lần mệnh giá. Số tiền thu về hơn 99 tỷ đồng, trong khi mức đầu tư chưa đến 23 tỷ đồng. Khoản lãi trên ghi trực tiếp vào thặng dư vốn cổ phần thay vì lợi nhuận công ty.

Cũng sớm vượt kế hoạch kinh doanh đề ra, FPT ghi nhận doanh thu đạt 31.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5.850 tỷ đồng trong 11 tháng của năm 2021, tăng lần lượt 20,6% và 19,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 102% và 104% kế hoạch năm. Thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu đã tăng lên 4.351 đồng. Mảng xuất khẩu phần mềm vẫn là động lực tăng trưởng chính, trong đó, theo đánh giá của Chứng khoán Bản Việt, các dịch vụ chuyển đổi kỹ thuật số đóng góp doanh thu lớn hơn.

Hoạt động trong lĩnh vực “hưởng lợi” trong đại dịch, sự bùng nổ của các nhà đầu tư mới (F0) cùng những kỷ lục mới về giá trị giao dịch trên thị trường đã giúp lợi nhuận của các công ty chứng khoán tăng mạnh mẽ trong các quý vừa qua. Cập nhật mới nhất, bà Vũ Lam Hương, Giám đốc tài chính Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cho biết, lợi nhuận trước thuế năm 2021 dự kiến đạt 2.800 tỷ đồng. Trong khi đó, con số lợi nhuận năm 2020 và 2019 lần lượt chỉ là 862 tỷ đồng và 479 tỷ đồng.

Cú tăng trưởng vượt bậc này của Chứng khoán VNDIRECT là nhờ sự gia tăng mạnh mẽ về năng lực tài chính với quy mô vốn điều lệ đạt 5.410 tỷ đồng. Tổng tài sản đến cuối quý III cũng đã tăng gấp đôi, lên 28.577 tỷ đồng, ngang ngửa quy mô của một ngân hàng tầm trung. Với mức lợi nhuận dự kiến trên, thu nhập ròng trên mỗi cổ phiếu bình quân (EPS) xấp xỉ 8.600 đồng.

Chưa kịp tăng vốn trong năm 2021, kết quả kinh doanh của Công ty Chứng khoán BIDV cũng rất đáng kể, ước tính đạt khoảng 430 tỷ đồng trong cả năm 2021, vượt 139% kế hoạch năm và gấp 2,7 lần năm trước. Thông tin này vừa được lãnh đạo Công ty tiết lộ tuần trước tại cuộc họp cổ đông bất thường bàn chuyện tăng vốn từ 1.220 tỷ đồng lên 1.878 tỷ đồng, thông qua chào bán cho Hana Financial Investment.

Những mảng màu sáng - tối

Chưa có kết quả ước tính cho cả năm, nhưng số liệu công bố từ nhiều doanh nghiệp bán lẻ như Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) hay Công ty Vàng bạc - Đá quý Phú nhuận (PNJ) cũng ghi nhận tín hiệu hồi phục. Doanh thu thuần hợp nhất của MWG đạt 110.530 tỷ đồng, tăng 11% so cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế tăng 22%, lên 4.395 tỷ đồng. Kết quả này đã hoàn thành 92,5% mục tiêu đề ra cho cả năm. Trước đó, MWG chỉ đạt được mức tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2020.

Tiếp đà phục hồi, kế hoạch kinh doanh năm 2022 của ông lớn ngành bán lẻ này thậm chí còn táo bạo hơn với mục tiêu lợi nhuận tăng 34% so với kế hoạch năm 2021.

Cũng trong lĩnh vực bán lẻ, nhưng khác với MWG lãi kỷ lục trong tháng 10, lợi nhuận của PNJ khi các lệnh giãn cách được nới lỏng vẫn giảm 31% dù đã lãi trở lại sau 3 tháng lỗ liên tiếp. Đến tháng 11, cả doanh thu và lợi nhuận của hãng trang sức này đều tăng trưởng so với cùng kỳ, tuy nhiên, lãi ròng trong 11 tháng chỉ đạt 837 tỷ đồng (giảm 10% so với cùng kỳ và chỉ mới hoàn thành 68% kế hoạch năm), PNJ vẫn còn cách rất xa mục tiêu của mình.

Dệt may Thành Công cũng chỉ mới hoàn thành 41% kế hoạch lợi nhuận sau 11 tháng, trong khi doanh thu hoàn thành 77% mục tiêu đề ra. Chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, nhưng một số đơn hàng giá bán chưa tăng đã kéo biên lợi nhuận gộp mảng may chưa đạt kỳ vọng. Lợi nhuận sau thuế trong 11 tháng do đó giảm 51% so với cùng kỳ, đạt 117 tỷ đồng.

Trong khi đó, Công ty Đầu tư và Thương mại TNG công bố doanh thu tháng 11 đạt 435,7 tỷ đồng, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 11 tháng, doanh thu của Công ty tăng 18% và vượt 4% kế hoạch năm đề ra. Báo cáo tài chính 10 tháng do doanh nghiệp này công bố cũng cho thấy lợi nhuận ròng vẫn đạt được mức tăng trưởng 32%. Định hướng tập trung vào khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB đã giúp Công ty đón được xu hướng dịch chuyển đơn hàng của khách hàng từ các nước bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sang Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy giá trị xuất khẩu của hàng dệt may cả Việt Nam đã hồi phục, tăng 8% so với 11 tháng của năm 2020. Cùng trong lĩnh vực dệt may, kết quả kinh doanh cũng có sự phân hóa đáng kể.

Các mảng màu sáng - tối vẫn đan xen trong bức tranh lợi nhuận năm 2021. Cổ phiếu của các doanh nghiệp vươn lên bứt phá trước “nghịch cảnh” từ những bất lợi của dịch bệnh vẫn mang đến cơ hội cho không ít nhà đầu tư. Tổng thể bức tranh sẽ rõ ràng hơn khi báo cáo tài chính của các doanh nghiệp được công bố với hạn chót vào ngày 30/1/2022.

“Át chủ bài” 10.000 tỷ đồng của Hóa chất Đức Giang dậm chân tại chỗ
Có sự hậu thuẫn lớn từ dòng tiền và năng lực tài chính của doanh nghiệp, song dự án quy mô 10.000 tỷ đồng của Hóa chất Đức Giang vẫn dậm chân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư