Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Hẹn gặp lại nhé, Sài Gòn ơi!
Mộc An - 01/02/2022 21:46
 
Các chiến sĩ áo trắng ở hai đầu cầu Nam Bắc vẫn trao nhau một lời hẹn sẽ gặp lại giữa Sài Gòn hoa lệ, khi cuộc sống trở lại bình thường, để nhìn rõ mặt nhau.
Cuộc chiến với Covid-19 vẫn còn rất khốc liệt, đau thương, mất mát vẫn chưa thể nguôi ngoai khiến những y, bác sĩ trở về từ cuộc chiến ở Sài Gòn vẫn luôn đau đáu. Trong ảnh: Đoàn chi viện Sài Gòn của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương
Cuộc chiến với Covid-19 vẫn còn rất khốc liệt, đau thương, mất mát vẫn chưa thể nguôi ngoai khiến những y, bác sĩ trở về từ cuộc chiến ở Sài Gòn vẫn luôn đau đáu. Trong ảnh: Đoàn chi viện Sài Gòn của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương

Khi đau thương đủ lớn…

Đi qua cuộc chiến với dịch Covid-19, Sài Gòn hoa lệ mang trong mình những vết thương chằng chịt, nhưng đầy kiên cường. Đến thành phố mang tên Bác trong những tháng ngày chống dịch cam go ấy, những y, bác sĩ nơi đất Bắc đối diện với đau thương đủ cho cả đời người, nhưng đó là hành trang giúp họ kiên trì hơn với sứ mệnh cao cả “chữa bệnh, cứu người”.

Một ngày của bác sĩ Phan Thảo Nguyên, Phó giám đốc Bệnh viện E bắt đầu từ 5 giờ sáng. Sau một vài thói quen như tập thể dục, hay chăm sóc dàn hoa lan đang kỳ trổ bông, anh đến bệnh viện lúc 6 giờ 15 phút để thực hiện các công việc thường nhật của một bác sĩ vừa làm chuyên môn, vừa làm quản lý. Và sau những tất bật vốn là “đặc sản” của nghề y, anh ra xe, hòa cùng dòng người hối hả trở về nhà khi thành phố lên đèn.

Trải qua những ngày tháng chống dịch Covid-19 bỏng rát ở TP.HCM với bộn bề ký ức đau thương, trở lại Hà Nội, bác sĩ Nguyên càng thấm thía hơn triết lý nhân sinh vô thường. Vậy nên, anh trân trọng từng phút giây hiện tại, làm việc với nhiệt huyết trào dâng cùng suy nghĩ tận hiến.

Trước những lời ngợi ca của xã hội dành cho những chiến binh áo trắng trở về từ chiến trường, họ chỉ cười hiền, cho rằng, sứ mệnh của bác sĩ là cứu người, họ chỉ đang làm công việc cần làm và cũng bởi họ luôn tâm niệm: cho đi tâm sức, tình cảm không phải vì dư thừa, mà vì thấu hiểu sự thiếu thốn và bất hạnh. Và trên hết, họ có chung niềm tin rằng, dịch bệnh, khó khăn sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại!

Trước kia, khi chưa chới với ở làn ranh sinh tử, chưa từng bất lực nói lời chào tạm biệt quá nhiều bệnh nhân trước bạo bệnh, anh còn lo lắng nhiều điều, còn bận tâm đôi điều quẩn quanh. Nhưng giờ đây, anh sống với tâm thế ngày mai chính là ngày cuối cùng trong cuộc đời. Anh tận dụng thời gian rảnh rỗi hiếm hoi để ở bên gia đình; anh đối xử với bệnh nhân như người thân, bạn bè, an ủi, động viên khi họ phải chịu sức ép bệnh tật.

Cũng bởi thương, bởi quý, nâng niu từng sự sống, anh khát khao bản thân mình đủ tài năng để cứu chữa được nhiều ca bệnh khó, vá lành thật nhiều trái tim lỗi nhịp, trả lại cho họ một cơ thể khỏe mạnh. Vậy nên, ngoài những lúc làm việc chuyên môn, anh dành thời gian nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ.

Anh tâm sự, những tháng ngày trực chiến tại TP.HCM, anh và nhiều y, bác sĩ của Bệnh viện E đã học hỏi rất nhiều điều từ các đồng nghiệp cũng như những người bệnh để áp dụng vào công việc hiện tại. Tâm dịch với nhiều áp lực, mất mát cũng tiếp thêm cho các anh sự vững tâm, bản lĩnh để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong công việc.

Những trải nghiệm đó sẽ là hành trang đi theo suốt cuộc đời, là động lực để bác sĩ Nguyên tiếp tục công việc của một thầy thuốc, lấy chữa bệnh, cứu người là mục tiêu tối thượng. “Khi đau thương đủ lớn, thì bản lĩnh, sức chịu đựng theo đó cũng mạnh hơn”, Phó giám đốc Bệnh viện E trải lòng.

Trong tâm trí của bác sĩ Phạm Thị Dương (Khoa Bệnh máu, Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương), Sài Gòn những ngày quay cuồng với dịch hiện lên với hình ảnh quá tải F0 tại các cơ sở điều trị; phố phường ảm đạm, lạnh lẽo qua những ô cửa kính từ tầng cao của nơi ở sau giờ làm việc, qua cửa kính xe buýt khi di chuyển từ nơi ở tới bệnh viện điều trị F0.

Khi dịch Covid-19 ở Sài Gòn đã tạm qua giai đoạn căng thẳng, các đoàn chi viện rút dần về, bác sĩ Dương và nhiều đồng nghiệp trở về guồng quay công việc hối hả với việc chăm sóc, điều trị cho các bệnh nhân mắc các bệnh về máu. Lúc đầu, họ bị lệch nhịp sinh học, gần như phải tập thích nghi trở lại sau thời gian dài làm việc ca kíp liên tục không biết ngày đêm khi còn ở tâm dịch.

Xa nhau để hẹn ngày gặp lại

Tạm xa Sài Gòn, nhưng khoảng thời gian cùng làm việc đáng nhớ đã gắn kết những con người xa lạ để giờ đây họ vẫn kết nối với nhau bằng nhóm Zalo để trao đổi về chuyên môn, cũng như thường xuyên hỏi thăm, động viên nhau. Hai đầu cầu Nam Bắc trao nhau một lời hẹn sẽ gặp lại giữa Sài Gòn hoa lệ khi cuộc sống trở lại bình thường để nhìn rõ mặt nhau, không cần phải qua lớp khẩu trang hằn rõ vết lằn, hay những chiếc kính chống giọt bắn lạnh lẽo.

Họ sẽ cùng nhau đi bộ trên đường Nguyễn Huệ, ngắm dòng sông Sài Gòn, ngồi với nhau bên ly cà phê ấm nóng, ôn lại những kỷ niệm một thời dù đau thương với những lần chỉ giao tiếp bằng ánh mắt, giọng nói qua bộ đàm, điện thoại, nhưng tràn đầy ý nghĩa...

Khi bước lên chuyến bay trở về từ tâm dịch TP.HCM, Ths. Lê Xuân Hà (Khoa Nội tổng hợp A, Bệnh viện Hữu nghị) mang thật nhiều cảm xúc. Khác với khí thế hừng hực lúc lên đường, trong đôi mắt mỗi người khi trở về chất chứa sự tĩnh lặng sau chuyến đi đáng nhớ.

Bác sĩ Hà vẫn day dứt bởi cảm giác nhiệm vụ chưa hoàn tất, cuộc chiến đấu chống lại đại dịch chưa kết thúc, rất nhiều bệnh nhân vẫn đang trong vòng nguy hiểm, tính mạng ngàn cân treo sợi tóc. Các đồng nghiệp của anh ở khắp mọi miền Tổ quốc đều đang căng mình, mất ăn mất ngủ để chiến đấu với tử thần, mang lại sự sống, hơi thở cho người bệnh.

Với bác sĩ Bùi Thị Mỹ Lệ (Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị), ký ức về những ngày chống dịch ở Sài Gòn đã là một phần máu thịt trong tâm hồn, để mỗi ngày được sống, được làm việc là một sự biết ơn. Trải qua mất mát, khổ đau, chị thấy mình trưởng thành hơn, biết trân trọng cuộc sống, hoàn thiện bản thân và sống với tâm thế cho đi là còn mãi.

Hồi đó, ngay từ lần đầu bước chân vào Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2), chị gần như sốc khi thấy bệnh nhân nặng nằm la liệt, thực tế kinh khủng hơn mọi thước phim về thảm họa chị từng xem. Tuy vậy, như một chiến sĩ bước ra chiến trường, giây phút hoảng loạn nhanh chóng qua đi, nhường chỗ cho bản lĩnh vững vàng.

Do trải qua quá nhiều áp lực cùng nỗi đau, giờ đây, khi đã hoàn thành nhiệm vụ trở về Hà Nội thân quen, cuộc chiến ấy vẫn ám ảnh, nhức nhối đến nỗi chỉ cần nghe một vài thông tin, đọc một bài báo cũng khiến những ngày tháng đó hiện ra rõ nét như mới hôm qua. Đau đó, thương đó, nhưng chị không muốn quên, chị muốn lưu giữ lại tất cả trong tim để thấy mình đã sống những tháng ngày rất ý nghĩa.

Khoảng cách địa lý xa xôi không ngăn được con tim chị thôi hướng về mảnh đất Sài Gòn với những con người hồn hậu. Chị vẫn thường xuyên liên lạc với những bệnh nhân mà chị từng điều trị để thăm hỏi, trò chuyện. Chị cũng liên tục nhận những cuộc điện thoại nhờ hỗ trợ của những người chưa từng gặp mặt. “Chất giọng ngọt ngào, hiền lành của người dân Sài Gòn mang lại cho tôi sự ấm ấp. Được kết nối, xẻ chia với họ, tôi thấy mình cũng gần thành phố thêm một chút”, nữ bác sĩ chia sẻ.

Trở về từ tâm dịch phía Nam, bác sĩ Trần Nam Chung (Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện E) lại cần mẫn với công việc hàng ngày. Một lần, anh sửng sốt khi thấy một bệnh nhân dù đang ngồi trên xe đẩy với dáng vẻ mệt mỏi, gầy rộc, vẫn cố gọi anh với giọng run run, đầy cảm xúc khẩn khoản và tha thiết như thể nếu không nói ra được thì sẽ day dứt lắm: “Bác sĩ ơi, hôm nay tôi được ra viện. Tôi cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm!”

Từ hình ảnh ấy, anh nhớ tới những ngày tháng chống dịch đầy căng thẳng ở Sài Gòn. Hồi đó, bên cạnh nhiều bệnh nhân ra đi trong lạnh lẽo, không kịp nói lời chào người thân, anh cũng chứng kiến nhiều ca bệnh được điều trị thành công, ra viện trong niềm vui vỡ òa. Họ nhìn bác sĩ với ánh mắt biết ơn vì đã trải qua những ngày tháng khó khăn nhất trong cuộc đời. Mỗi lần được bệnh nhân nói lời cảm ơn, anh lại thấy gia tài của mình lớn thêm và tự hứa phải nỗ lực nhiều hơn nữa để niềm vui bình an của bệnh nhân ngày càng nhiều.

Bác sĩ Chung tâm sự: “Khoảnh khắc người bệnh cất giọng nói run run, vừa khẩn khoản, vừa tha thiết - chất giọng mà chỉ khi tình cảm chân thành được dồn nén từ tận đáy lòng, từ con tim đang đập hối hả vì vừa vượt qua cửa tử mới được thốt lên - là tài sản vô giá mà người làm nghề y may mắn có được. Và đôi khi hạnh phúc của những y, bác sĩ như chúng tôi chỉ đơn giản là nụ cười tươi rói, là vẻ mặt bình an của người bệnh khi thoát khỏi bạo bệnh, trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình”.

Lời cảm ơn từ trái tim tới những chiến sĩ áo trắng
Xin được gửi lời cảm ơn từ trái tim tới những chiến sĩ áo trắng đang phải tạm xa mẹ già, con thơ, ngày đêm chống dịch, để bao gia đình khác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư