Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 08 tháng 05 năm 2024,
Hiểm nguy rình rập từ thức ăn đường phố trong mùa hè
D.Ngân - 12/07/2023 18:35
 
Ngày 12/7, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận một trường hợp nguy kịch sau khi ăn bánh tẻ, nghi ngộ độc thực phẩm.

Bệnh nhân là bà N.B., được chuyển lên Khoa Cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng lơ mơ, huyết áp tụt, đang duy trì vận mạch liều cao. Bệnh nhân sốt cao liên tục, môi khô, khát nước, bụng chướng, đại tiện phân lỏng liên tục…

Ảnh minh hoạ.

Theo lời kể từ người nhà bệnh nhân, bà N.B đi chăm cháu tại bệnh viện tỉnh. Buổi sáng, con trai có mua bánh tẻ mang vào viện. Khoảng 2 giờ sau khi ăn bánh do con trai mua, bà N.B bắt đầu thấy đau bụng âm ỉ, quặn cơn, buồn nôn, nôn nhiều, đi ngoài.

Khoảng 4 giờ sau ăn, bệnh nhân rơi vào tình trạng mệt lả, lơ mơ, da tím tái, tụt huyết áp, bệnh nhân được cấp cứu ngay tại bệnh viện tỉnh rồi chuyển đến Bệnh viện Trung ương quân đội 108.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hiệp, Khoa Bệnh lây đường tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết, bệnh nhân vào viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng (gan, thận, phổi). May mắn là sau 3 ngày được các bác sĩ hồi sức và chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã hồi phục và không để lại di chứng.

Trước đó, thông tin từ Bệnh viện 199 (Đà Nẵng), bệnh viện vừa tiếp nhận cấp cứu cho 10 khách du lịch đi theo đoàn có biểu hiện ngộ độc thực phẩm, trong đó có 2 trẻ nhỏ. 

Theo nhận định ban đầu, nguyên nhân gây ngộ độc là do tiếp xúc với thức ăn không an toàn từ một quán ăn không rõ địa chỉ trên địa bàn thành phố.

Theo các chuyên gia y tế, trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường cao như hiện tại, nỗi lo ngộ độc thực phẩm càng tăng cao. 

Thời tiết nóng nực kéo dài, thức ăn đường phố được bày bán la liệt. Chưa cần tính tới khâu vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến có đảm bảo hay không, việc bày bán thực phẩm ngoài mặt đường nóng bụi, rác bẩn… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Bác sĩ Huỳnh Hoài Phương, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho hay, nhiệt độ cao là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, nấm mốc và nhiều tác nhân gây hại khác sinh sôi và phát triển nhanh chóng.

Các trường hợp tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thường do vi khuẩn Salmonella, Botulinum, E. Coli, Campylobacter, Listeria... gây ra. 

TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai lý giải, nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. 

Đơn cử như việc phải phục vụ nhiều người một lúc, tốc độ phục vụ nhanh khiến thức ăn chưa đủ thời gian chín; đồ chín để lẫn đồ sống dễ nhiễm khuẩn. Hay, việc đồ ăn phải chuẩn bị từ sớm cũng có nguy cơ ôi thiu.

Trời nóng còn làm cho thức ăn nhanh hỏng, dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách. Ở khoảng 32-43 độ C, vi khuẩn phát triển nhanh nhất, có thể nhân đôi chỉ sau 20 phút.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội nhận định có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này:

Một là, khâu bảo quản thực phẩm tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là nguyên nhân hàng đầu khiến người dân mắc ngộ độc thực phẩm do ăn thức ăn đường phố vào mùa hè.

Việc bày bán thực phẩm ngoài trời, không che đậy hoặc che đậy không đảm bảo, không được bảo quản lạnh... đều khiến chúng dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, dính bụi bẩn đường phố... Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vào mùa hè là điều khó tránh

Hai là, nhiệt độ mùa hè rất lý tưởng cho vi khuẩn phát triển mạnh, theo cấp số nhân. Chuyên gia nhận định, vi khuẩn phát triển trong nhiệt độ 37 - 40 độ C cao gấp 3 lần so với thời tiết bình thường. 

Thế nên, ngay cả khi được chế biến đúng cách, đảm bảo an toàn thực phẩm thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn có thể xảy ra.Những loại vi khuẩn khi ở trong môi trường nắng nóng sẽ sinh sôi nhanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Chẳng hạn, như vi khuẩn E.coli gây bệnh đường ruột, tiêu chảy, vi khuẩn Salmonella gây bệnh thương hàn, vi khuẩn Shigella gây đau bụng, tiêu chảy, ngộ độc đường ruột, vi khuẩn Staphylococcus aureus gây mủ ở vết thương, vi khuẩn Clostridium gây tiêu chảy, vi khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh tả... 

Khi bị nhiễm khuẩn ở mức độ cao, dù có nấu chín, đun sôi cẩn thận cỡ nào, độc tố vẫn còn. Người dùng không tránh được nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Ba là, mùa hè là thời điểm tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường, ô nhiễm do rác, nước thải, sự phát triển mạnh của ruồi, nhặng, gián, muỗi... 

Việc trưng bày các món ăn, đồ uống trong môi trường như vậy không tránh khỏi nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Không chỉ với những cửa hàng thức ăn đường phố, cửa hàng kinh doanh ăn uống mà ngay tại nhà, tự tay mình làm cũng dễ gặp rủi ro.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên, người dân nên tuân thủ những điều sau để tránh tối đa rủi ro liên quan đến ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố vào mùa hè:

Không mua những loại thực phẩm như mực khô, bò khô, hoa quả dầm… ở những nơi bụi bặm mà không có nắp đậy cẩn thận.

Không ăn ngay rau sống, rau thơm thường được dùng ăn kèm các món bún riêu, phở bày bán ngoài đường. Nhiều người chế biến thức ăn đường phố do không mang đủ nước sạch để rửa rau nên dễ khiến cơ thể ăn phải ấu trùng giun, sán. Nếu mua về thì nên rửa lại sạch sẽ.

Không ăn bánh quẩy, bánh rán, nem rán… trong những chảo dầu mỡ có màu quá đen.

Chọn mua thức ăn ở những địa chỉ quen thuộc, tin cậy. Đối với các quán bán rong thức ăn đường phố, nên chọn mua thức ăn đường phố tại quán có dụng cụ, lọ, hộp đảm bảo vệ sinh để chứa đựng, bảo quản thức ăn, đồ uống.

Ngoài ra, bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cần nhập viện ngay khi dấu hiệu ngộ độc thực phẩm có biểu hiện nặng như nôn ói nhiều, không thể ăn uống bất cứ thứ gì; chất nôn hoặc phân có máu, tiêu chảy hơn 3 ngày, đau quặn bụng dữ dội, sốt hơn 38 độ C.

Khuyến cáo biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm khi hè tới
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, nhiệt độ môi trường cao hiện tại chuyên gia lưu ý người dân nên cẩn trọng hơn trong việc bảo quản,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư