Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Hộ kinh doanh “vô hình” trước các ưu đãi
Khánh An - 25/05/2020 08:55
 
Hộ kinh doanh hoàn toàn có thể là một đối tác làm ăn đáng tin cậy. Điều này không chỉ phụ thuộc vào chủ hộ, mà còn cần sự bảo đảm của quy định pháp lý. Tuy nhiên, hiện tại, 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký chưa có sự bảo đảm này.
Nhiều chủ hộ kinh doanh chọn mô hình này vì bài toán lợi ích - chi phí. Trong ảnh: Sản xuất tại làng nghề đồ gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Ảnh: Đức Thanh
Nhiều chủ hộ kinh doanh chọn mô hình này vì bài toán lợi ích - chi phí. Trong ảnh: Sản xuất tại làng nghề đồ gỗ Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Ảnh: Đức Thanh

Hộ kinh doanh luôn ở thế yếu

Ông Nguyễn Văn Khương, chủ hộ kinh doanh than sạch ở Bắc Ninh đã không khỏi tiếc nuối khi kết thúc cuộc hẹn với Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mang tới một dự án sản xuất than sinh học từ phế thải lâm sản với các tiêu chí về bảo vệ môi trường, phát triển sản phẩm theo công nghệ mới, tổng vốn đầu tư dự tính khoảng 10 tỷ đồng, ông Khương và cộng sự kỳ vọng sẽ tìm kiếm được sự hỗ trợ từ Quỹ để mở rộng sản xuất.

Hộ của ông đã xong các bước sản xuất thử, cho ra sản phẩm đúng chất lượng, đáp ứng yêu cầu của khách hàng Nhật Bản. “Chúng tôi dự kiến xây dựng khoảng 12 lò than hóa, công suất khoảng 1,5 tấn/mẻ. Nhưng kế hoạch có lẽ phải thay đổi. Đại diện của Quỹ trả lời là hộ kinh doanh không thuộc đối tượng của Quỹ, khuyên chúng tôi nên chuyển đổi thành doanh nghiệp”, ông Khương tiếc nuối.

Đây là điều mà ông Khương và nhiều chủ hộ kinh doanh không lường trước khi quyết định chọn loại hình hộ kinh doanh. “Chúng tôi chỉ nghĩ là mới kinh doanh, nên chọn mô hình đơn giản, dễ làm, dễ kiểm soát và không quá tốn kém chi phí, ít nhất là không phải tuân thủ quá nhiều quy định về sổ sách kế toán như doanh nghiệp”, ông Khương ngần ngừ với đề nghị chuyển đổi.

Chuyện hộ kinh doanh “lên đời” doanh nghiệp theo yêu cầu của đối tác, bên cho vay không phải hiếm, nhưng để trụ được cũng không nhiều. Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc Văn phòng Luật sư Quang và Cộng sự đã thẳng thắn thừa nhận như vậy.

Cách đây vài năm, ông Quang nhận được đề nghị hỗ trợ chuyển đổi thành doanh nghiệp của một số chủ hộ kinh doanh. Quyết định chuyển đổi này có sức ép từ khách mua hàng với số lượng lớn, họ cần ký trực tiếp hợp đồng với nhà sản xuất, chứ không phải với một công ty đại diện, nhưng theo quy định hiện hành, hộ kinh doanh không được quyền xuất nhập khẩu trực tiếp.

“Chi phí chuyển đổi cũng do khách hàng chi trả, chứng tỏ sức hấp dẫn của hàng hóa mà hộ này cung cấp. Tuy nhiên, sau một thời gian là doanh nghiệp, người chủ quyết định trở về làm hộ kinh doanh, chấp nhận mất đi khách hàng lớn, chấp nhận làm gia công cho công ty khác. Họ nói với chúng tôi, họ không thể có mức giá cạnh tranh khi chi phí tăng, cộng với đó là khả năng quản lý không theo kịp”, ông Quang kể một cách đầy tiếc nuối.

Lỗi ở quy định pháp lý không rõ ràng?

Khi bảo vệ phương án đưa hộ kinh doanh vào Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh rõ mục tiêu là định danh hộ kinh doanh, bảo vệ quyền lợi và áp dụng được các chương trình hỗ trợ cho loại hình này.

Phải thấy rõ, việc lựa chọn mô hình kinh doanh nào, theo mô hình công ty cổ phần, công ty TNHH..., hay hộ kinh doanh  có đăng ký kinh doanh hay không đăng ký là của nhà đầu tư, tùy thuộc vào năng lực và nhu cầu của người chủ.

Nhiều người muốn thử sức với hình thức là hộ kinh doanh khi khởi nghiệp để có sự linh hoạt cả về thủ tục hành chính và quản trị, để tích lũy kinh nghiệm, đợi thời cơ làm lớn hơn. Cũng có chủ hộ kinh doanh chọn mô hình này vì bài toán lợi ích - chi phí...

Nhưng vấn đề là, các quy định hiện hành đang tạo cho hộ kinh doanh một hình ảnh khá rủi ro, thiếu chuyên nghiệp với đối tác, bạn hàng.

 Ở đây, chỉ đề cập đến 1,6 triệu hộ kinh doanh có đăng ký mà Dự thảo Luật Doanh nghiệp đang nhắm tới. 

Theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới 10 lao động. Riêng hộ buôn chuyến, kinh doanh lưu động được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký, nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi đăng ký trụ sở và nơi hoạt động kinh doanh.

Nghị định trên cũng quy định rõ là hộ kinh doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành doanh nghiệp.

“Thực tế, những giới hạn về quyền kinh doanh của hộ kinh doanh rất khó kiểm soát. Khi chúng tôi làm việc với các cơ quan đăng ký kinh doanh cấp quận, huyện ở Hà Nội, họ nói như vậy”, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết.

Trong cuộc họp trên, đại diện Phòng Tài chính quận Ba Đình cho biết, trên địa bàn quận hiện có hơn 17.000 hộ đăng ký kinh doanh, nhưng chỉ có hơn 4.000 hộ kinh doanh có hoạt động và nộp thuế.

“Khi kiểm tra, nhiều hộ không có ở nơi đăng ký, có hộ đã đóng cửa, có giấy phép, nhưng không hoạt động mà cũng không thông báo. Việc kiểm soát hộ kinh doanh có hoạt động ngoài địa điểm đăng ký không cũng rất khó, thiếu tiêu chí, cơ sở để giám sát…”, đại diện Phòng Tài chính quận Ba Đình cho biết.

Việc kiểm soát hộ kinh doanh sử dụng trên 10 lao động phải chuyển đổi thành doanh nghiệp cũng không dễ dàng. Năm 2019, Hà Nội chỉ có 43 hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp...

Thực trạng trên khiến hộ kinh doanh luôn ở thế rủi ro, thậm chí luôn trong thế có thể vi phạm pháp luật. Việc hộ kinh doanh quy mô rất lớn nhưng chỉ nộp thuế khoán khá phổ biến.

Hệ quả, không có đối tác, bên thứ 3 nào cảm thấy an tâm khi làm việc với mô hình này.

“Có doanh nghiệp đặt vấn đề, ngay cả khi họ chọn làm ăn với hộ kinh doanh tuân thủ các quy định về quyền kinh doanh, nhưng cũng không chắc chắn hộ sẽ hoạt động ổn định lâu dài, vì chỉ cần có một đơn hàng lớn, họ sẽ phải tuyển người và như vậy sẽ vi phạm giới hạn về số lao động. Rõ ràng, pháp luật đang không ủng hộ loại hình kinh doanh này, đó cũng là một sự lãng phí nguồn lực xã hội”, ông Hiếu nói.

Đặc biệt, mặc dù được nhắc đến trong Luật Doanh nghiệp 2014, nhưng hộ kinh doanh gần như “vô hình” với các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư, kinh doanh hiện hành.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp đang sửa đổi thế nào?

Xóa bỏ hạn chế về quyền kinh doanh là phương án mà Dự thảo Luật Doanh nghiệp  (sửa đổi) đang trình Quốc hội, để đảm bảo hộ kinh doanh là một hình thức kinh doanh được pháp luật bảo hộ, có địa vị pháp lý rõ ràng và quan trọng là tạo cơ sở để 1,6 triệu hộ đang đăng ký kinh doanh, trong đó có 2 trường hợp nêu trên, có cơ sở mở rộng, minh bạch hóa hoạt động ngay đầu năm 2021, thời điểm dự kiến có hiệu lực của Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). 

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu giải thích, các cơ chế và quy định khác áp dụng đối với hộ kinh doanh, như thuế, kế toán… không thay đổi so với quy định hiện tại. Hay có thể nói, quy định về hộ kinh doanh do được hoàn thiện trên cơ sở quy định hiện hành; không quy định thêm thủ tục hành chính mới; các hộ kinh doanh đã và đang hoạt động không phải đăng ký lại, không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp.

Mục tiêu là xóa những bất cập của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh, đảm bảo tương thích với quy định của Bộ luật Dân sự, nhưng cũng tôn trọng quyền tự do lựa chọn loại hình, mô hình kinh doanh của thị trường, người kinh doanh.

“Pháp luật có trách nhiệm bày ‘mâm cơm’, có nhiều ‘món’, người kinh doanh có quyền chọn món. Đây là lý do tôi cho rằng, đưa hộ kinh doanh vào một chương của Luật Doanh nghiệp là có lợi cho người kinh doanh. Hơn thế, nền kinh tế sẽ hưởng lợi khi nguồn lực trong dân được kích hoạt tối đa, cả về vốn, tạo việc làm... Còn việc giảm chi phí tuân thủ, giảm thủ tục hành chính... là yêu cầu bắt buộc khi xây dựng hệ thống pháp luật cho mọi đối tượng...”, ông Hiếu nói.

Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp: Vẫn trái chiều quan điểm
Phiên thảo luận cuối của Quốc hội về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) của Quốc hội sáng 21/5 vẫn chưa thể thống nhất có luật hoá ngay quy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư